Mỗi ngày, ông Ngô Văn Út (71 tuổi) chạy từ Đức Hòa (Long An) xuống trung tâm TP.HCM để làm xe ôm công nghệ. Dù tuổi cao, nhưng ông Út khiến nhiều đồng nghiệp trẻ ngưỡng mộ vì luôn sẵn sàng ứng cứu đồng đội. Câu chuyện của ông lan truyền trên mạng xã hội, được nhiều người yêu quý bình chọn “Lục Vân Tiên thời hiện đại”.
Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha…
Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, ông Út sắm hộp đồ nghề vá xe để mưu sinh gần chợ Bến Thành. Từng chứng kiến nhiều vụ cướp giật trắng trợn, lại là người lớn lên trong khu Mả Lạng - nơi được ví là “đất dữ” Sài Gòn nên ông chẳng ngại gì, cứ tay không đuổi theo.
Thế rồi ông cùng vài người khác lập nên nhóm SBC (săn bắt cướp), lấy “trụ sở” ở 149 Hàm Nghi (Q.1).
“Ngày đó đội chỉ có 7 người, hoạt động giống hệt hiệp sĩ đường phố ngày nay vậy. Tôi dân Mả Lạng nên chẳng sợ gì hết. Ba năm sau, đội giải tán, một số người đi học để vào làm trong Công an TP.HCM, còn tôi ra làm bảo vệ thuộc Ban Quản lý chợ Bình Tây”, ông Út kể.
Gần 50 tuổi, ông ra chạy xe ôm truyền thống. Nơi ông thường đậu đón khách là ngã tư Lý Chính Thắng - Bà Huyện Thanh Quan (Q.3). Đến năm 2014, khi Hãng Grab vừa ra mắt, ông lấy tiền dành dụm mua chiếc smartphone tập tành làm tài xế xe ôm công nghệ.
Vốn bản tính nghĩa hiệp, ông tình nguyện tham gia vào đội cơ động do chính các tài xế GrabBike lập ra để kịp thời hỗ trợ đồng nghiệp khi gặp sự cố. Bao lần chạy dọc đường hay thấy trên nhóm báo có đồng nghiệp gặp nạn, ông đều tức tốc phi ngay đến hiện trường.
Anh Lê Kim Tùng (một tài xế công nghệ, trước đây là “đồng nghiệp” xe ôm truyền thống của ông Út) cười xòa khi nhắc về ông: “Ổng khỏe lắm, nắng mưa gì trưa nào cũng gặp ổng ở đây. Tuổi cao vậy chứ chưa bao giờ tui thấy ổng đổ bệnh, mà cứ loay hoay giờ nghỉ giúp người này người kia hoài”.
Sức khỏe trời cho
Dưới trời nắng oi ả, ngồi vắt vẻo trên chiếc xe tay ga đỏ, ông Út vẫn mang bao tay “tông xuyệt tông” cùng chiếc khăn quấn cổ, bao tay kín mít... rất phong cách.
Đôi mắt mờ đục, khuôn mặt đen sạm vì cháy nắng nhưng ông Út hoạt bát, nói năng lanh lẹ, nhìn khó ai đoán đúng được tuổi thật của ông.
“Từ nhà tôi xuống đây hơn 40 km, mà chạy thấy khỏe re à, còn sức thì còn chạy được. Chạy đến trưa nắng mà không có khách thì tôi lại tắt app (ứng dụng) và về lại ngã tư này gặp anh em. Trong đội cơ động, ai cần giúp đỡ ở Q.3 thì tôi sang ngay”, ông chia sẻ.
Đến tầm 13 giờ 30, ông mở app và tiếp tục chạy đến 20 giờ thì thong thả chạy về Đức Hòa. Mỗi ngày, ông kiếm được từ 300.000 - 400.000 đồng, chưa trừ chi phí.
Ông Út có 3 người con. Hai người con trai của ông đều có gia đình riêng và ở trọ tại khu Mả Lạng, người làm thợ hồ, người làm thợ sơn. Cô con gái út theo chồng đi làm rẫy thuê ở Long Khánh (Đồng Nai).
|
“3 đứa con tôi không được học hành tới nơi tới chốn, chỉ đi học vài năm biết chữ thì nghỉ, như tôi ngày xưa vậy nên giờ cuộc sống tụi nó khó lắm. Nó lo cho nó, con cái nó chưa xong mà bảo sao mình nhờ nó được”, ông Út bộc bạch.
Dù vậy, nhìn ông Út nắng mưa ngoài đường, các con của ông cũng đôi lần kêu ông bà về ở cùng để phụng dưỡng nhưng ông bà nhất định không chịu. Đợt dịch vừa qua, công ty gọi điện thoại hẹn gặp ông Út để hỗ trợ gạo, ông cũng từ chối nhận vì cho rằng mình vẫn ổn, còn nhiều người khác khổ hơn.
|
Bà Trần Kim Yến (70 tuổi, vợ ông Út) cho biết mỗi ngày bà đi bán hàng ở chợ kiếm được chừng 200.000 đồng, cộng với thu nhập từ chạy GrabBike của chồng là vừa đủ xoay xở tuổi già.
Bà Yến tâm sự: “Vợ chồng tôi già nhưng trời thương cho sức khỏe nên cả hai vẫn tự lao động được. Mưa nắng gì ổng cũng xách xe chạy xe ôm, tôi thì ra chợ bán. Tính chồng tôi nào giờ đều vậy, cứ mang tinh thần “hiệp sĩ” đi khắp nơi, nhiều khi tôi cũng lo vì tuổi đều cao rồi, nhưng hiểu tính chồng nên cứ để ổng làm, miễn sao không làm gì trái với đạo đức là được”.
Bình luận (0)