Sử dụng thuốc lợi tiểu kéo dài
Ông T.V.D (67 tuổi, ở TP.HCM) cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM trong tình trạng nấc cụt liên tục, đau nặng đầu, mệt nhiều… Bác sĩ khám, phát hiện ông bị hạ natri máu nặng còn 108,72 mmol/L (chỉ số bình thường 136 - 145 mmol/L).
Thạc sĩ - bác sĩ Hoàng Thị Hồng Linh, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết natri máu hạ xuống dưới 120 mmol/L được xem hạ natri máu nặng. Ông D. bị hạ natri máu do tác dụng phụ thuốc lợi tiểu điều trị huyết áp. Thuốc lợi tiểu tăng bài tiết natri gây hạ natri máu.
Việc ông D. bị hạ natri máu nặng còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như: Tuổi tác, ăn uống kém… Hạ natri máu làm rối loạn chức năng hệ thống thần kinh trung ương hoặc các dây thần kinh phế vị, cơ hoành gây nấc cụt kéo dài. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ co giật, phù não.
Ông D. được bù natri, theo dõi chỉ số xét nghiệm mỗi ngày. Sau 3 ngày điều trị, ông hết nấc cụt, không còn nói sảng, ngủ ngon và được ra viện.
Thức trắng 3 đêm liền
Ông D. kể 3 ngày trước khi nhập viện ông thức trắng đêm, không ngủ được dù cố ngủ, trong khi trước đây, ông rất dễ ngủ. "Tôi bị bệnh tăng huyết áp, điều trị được 8 năm. Một tháng trước, huyết áp tăng cao, tôi đi khám được đổi thuốc mới, liều cao hơn và ăn nhạt. Không hiểu sao 3 ngày liên tục tôi không ngủ được", ông D. nói.
Con gái ông D. cho biết 3 ngày gần đây, ông bị nấc cụt từ 1 giờ đến 6 giờ sáng, hay nói sảng, quơ tay chân trong khi mắt vẫn mở. Ông than đau nặng đầu, gia đình lo tình trạng này có thể liên quan đến đột quỵ, không ngờ ông bị hạ natri máu.
Ai dễ bị hạ natri máu?
Bác sĩ Linh cho hay hạ natri máu được định nghĩa là nồng độ natri huyết thanh dưới 135 mmol/L. Nồng độ natri trong máu rất quan trọng, giữ cân bằng đảm bảo cơ thể luôn khỏe mạnh. Nếu không điều trị kịp thời hạ natri máu, có thể ảnh hưởng đến trạng thái, tinh thần.
Bất cứ ai cũng có thể bị hạ natri máu, một số người nằm trong nhóm nguy cơ dễ bị hạ natri máu hơn gồm: Người bị suy thận, suy tim; bệnh ảnh hưởng đến phổi, gan, não; có các tình trạng liên quan đến hệ thống nội tiết; vừa phẫu thuật; dùng một số loại thuốc như lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm; nôn mửa, tiêu chảy…
Theo bác sĩ Linh, triệu chứng lâm sàng của hạ natri máu không đặc hiệu, phụ thuộc vào mức độ và tốc độ giảm nồng độ natri máu. Hạ natri máu cấp tính (giảm nặng, thời gian hình thành dưới 2 ngày) có các dấu hiệu như: Chán ăn, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, đau đầu, ngủ lịm, lú lẫn, mê sảng, rối loạn ý thức, hôn mê, co giật…
Bác sĩ Linh khuyến cáo, một số bệnh có thể gây tình trạng hạ natri máu như: Suy thận, suy tim, sử dụng thuốc lợi tiểu… Người bệnh nên được bác sĩ tư vấn điều trị để kiểm soát bệnh tốt mà không gây hạ natri máu. Ở người bình thường, để phòng tình trạng hạ natri máu thì không uống quá nhiều bia rượu dẫn đến tình trạng nôn ói không kiểm soát, sử dụng thuốc theo toa của bác sĩ và tái khám đúng hẹn để đánh giá hiệu quả và các tác dụng phụ của thuốc...
Bình luận