“Cụ” rùa là bảo vật quốc gia ? - Kỳ 2: Đừng đồng nhất huyền thoại với lịch sử

05/03/2013 00:00 GMT+7

“Rùa hồ Gươm không liên quan trực tiếp gì tới Lê Lợi. Đồng nhất huyền thoại với lịch sử là sai”, GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia nói.

PGS-TS sinh học Hà Đình Đức một mực đề cử rùa hồ Gươm (gồm cá thể rùa trong hồ và tiêu bản ở đền Ngọc Sơn) thành bảo vật quốc gia dựa trên giá trị nhân văn. “Nó liên quan đến truyền thuyết hoàn kiếm của vua Lê sau khi đuổi giặc ngoại xâm giành độc lập cho giang sơn Đại Việt vào thế kỷ 15”, ông Đức nói. Trong khi đó chính các nhà nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn lại bình tĩnh phản đối đề cử này. Không chỉ căn cứ vào luật Di sản, họ còn viện dẫn dựa trên cách thức hình thành truyền thuyết để khẳng định rùa hồ Gươm không liên quan trực tiếp tới vua Lê Lợi như ông Đức nêu.

 Tiêu bản rùa hồ Gươm ở đền Ngọc Sơn - Ảnh: Ngọc Thắng
Tiêu bản rùa hồ Gươm ở đền Ngọc Sơn - Ảnh: Ngọc Thắng

“Cũng phải nhìn lại nguồn gốc văn hóa của rùa. Rùa hay con giải và rắn là thủy quái gây lũ lụt”, GS Trần Lâm Biền nói, “Có một truyền thuyết ở vùng Chèm, Hà Nội. Theo đó, người giữ đê trên đó đã phải đi bắt con giải - vốn thường xuyên phá đê. Cụ thò tay xuống khuấy nước rồi sau đó chặt nó làm ba. Dấu tích của ba phần con giải đó giờ là ba cái gò xung quanh. Tích truyện về con rùa - con giải là như thế”.

Liên hệ với truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm cho rùa, ông Biền phân tích: “Rùa (giải) và rắn gây lũ lụt. Cho nên cụ Lê Lợi mới dùng kiếm - biểu tượng của sấm chớp ném xuống, chém xuống. Như thế có nghĩa là để chống lầy chống lụt. Từ ý nghĩa đó nên mới có tích truyện trả kiếm cho rùa...”.

 

Làm gì có chuyện vua Lê Lợi đi trên hồ Hoàn Kiếm. Đấy chỉ là huyền thoại. Đồng nhất huyền thoại với lịch sử là sai. Tất nhiên huyền thoại mượn một số tình tiết trong lịch sử nhưng nó vẫn không phải lịch sử

GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia

Ông Biền cũng cho rằng, tích truyện trả gươm không phải có từ thời Lê Lợi mà phải sau này mới có. Người ra cứ thêm vào mãi mà thành huyền thoại. Điều này phản ánh rằng từ rất lâu rồi chúng ta đã sống chung với lũ lụt. Vì sống chung nên chúng ta thu phục nó chứ không chém chết nó. Cũng nhờ không chém chết nó nên rùa mới có thể được chuyển hóa thành nhân vật trong câu chuyện trả gươm, gắn với hình ảnh của vua Lê Lợi.

Cũng chính vì thế, theo ông Biền, không thể nói rùa trong hồ Gươm hiện nay là có liên quan đến sự kiện trọng đại của đất nước, hoặc liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu như trong tiêu chí bảo vật quốc gia theo luật định. “Chúng ta phải quên việc (phong bảo vật quốc gia) này đi”, ông Biền nói.

GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia cũng có chung quan điểm về tính không khả thi của đề cử bảo vật quốc gia này. “Nếu có cố khẳng định đây phải là bảo vật quốc gia cũng không được. Bởi con rùa ở hồ và tiêu bản không liên quan trực tiếp tới vua Lê Lợi”, ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, câu chuyện nhận gươm - giao gươm là không có thật, và chỉ mang tính biểu tượng. “Làm gì có chuyện vua Lê Lợi đi trên hồ Hoàn Kiếm. Đấy chỉ là huyền thoại. Đồng nhất huyền thoại với lịch sử là sai. Tất nhiên huyền thoại mượn một số tình tiết trong lịch sử nhưng nó vẫn không phải lịch sử”, ông Thịnh nói.

Cũng theo nhà nghiên cứu này, về mặt biểu tượng sự tồn tại của biểu tượng vua mượn gươm - trả gươm cũng giống như câu chuyện về vua Hùng. Theo đó, nhân dân sáng tạo ra những biểu tượng đó nhằm gắn kết dân tộc, thúc giục tinh thần chống ngoại xâm, chống thiên tai. Bản thân vua Hùng Vương và những câu chuyện về Hùng Vương cũng không có thật. “Nó là những biểu tượng đẹp, phản ánh khát vọng của nhân dân. Nó dùng để chuyển tải tư tưởng chứ không phải sự thật lịch sử. Tất nhiên, như thế, rùa hồ Gươm làm sao mà thành bảo vật quốc gia được”.

Về phần mình, người đưa ra ý tưởng - PGS-TS Hà Đình Đức cũng cho rằng rùa hồ Gươm vừa có giá trị vật thể, vừa có giá trị phi vật thể. Tuy nhiên, dựa trên lập luận của ông về “liên quan đến vua Lê Lợi” - vốn là truyền thuyết - rõ ràng giá trị phi vật thể mới là điều ông Đức muốn tôn vinh. Trong khi đó, các bảo vật quốc gia, theo luật Di sản, phải là những hiện vật thật, mang câu chuyện có thật của mình.

“Rùa hồ Gươm có thể là một biểu tượng văn hóa được tôn vinh”

Một lãnh đạo ngành VH-TT-DL nhiều năm theo dõi di sản văn hóa cho biết, theo tiêu chí của bảo vật quốc gia, rùa hồ Gươm không đạt tiêu chuẩn. Có thể đó là một sinh vật quý hiếm cần được bảo tồn, tuy nhiên đó lại là công việc của các nhà sinh học. Rùa hồ Gươm có thể là một biểu tượng văn hóa được tôn vinh. Tuy nhiên, có nhiều danh sách khác nhau để tôn vinh những hiện tượng, sự vật khác nhau. “Tôi không cho là rùa hồ Gươm có thể trở thành bảo vật quốc gia được”, vị này nói.

Trinh Nguyễn

>> Đề xuất rùa Hồ Gươm làm báu vật quốc gia
>> “Cụ” rùa là bảo vật quốc gia?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.