Tại sao phải sợ sai?
Trong một lần ngồi chờ thức uống mang đi tại quán cà phê, chứng kiến câu chuyện của đôi nam nữ ngồi trong quán. Cả hai đang dán mắt vào cái máy tính trên bàn, sau đó cô gái hốt hoảng thốt lên “thôi chết rồi, anh thấy chưa, hôm đó em đã bảo là đừng giải theo cách này, giờ sai rồi đấy”. Nghe vậy tôi đoán cặp đôi đang xem điểm. Vì ngay sau đó chàng trai phản ứng “điểm số quan trọng gì chứ, quan trọng là vì sai nên mới biết mình sai. Nói chung là cứ sai đi vì cuộc đời này cho phép mà”. Rồi chàng trai xoa đầu cô gái như để an ủi, thế là cả hai lại vui cười và dường như chuyện điểm số không còn là điều khiến cô gái phiền muộn nữa.
|
Đây không phải là câu chuyện hiếm, mà đi đâu tôi cũng thường nghe người trẻ nói với nhau câu “cứ sai đi vì cuộc đời cho phép”. Và một thời gian dài câu nói đó đã trở nên “hot” nhất của giới trẻ.
Và nhiều người trẻ có chung nhận định “ừ thì đúng mà, tuổi trẻ sao phải sợ sai”, khi người viết hỏi người trẻ về câu chuyện này.
Nguyễn Thị Diễm (cựu sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn, nhân viên lễ tân tại khách sạn Nguyên Khang trên đường Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM) chia sẻ: “Tuổi trẻ người ta hay nói là tuổi nông nổi mà, sao không sai cho được. Nhưng đừng có sợ sai, vì khi đó mới có thêm kinh nghiệm chứ. Người chứ đâu phải là thần tiên mà không có sai sót. Mình nghĩ tuổi trẻ nên sai nhiều để trưởng thành hơn”.
Cũng đồng quan điểm, Dương Thị Minh Ngọc (sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) cho rằng cuộc đời có mấy đâu mà phải quá khắc khe với bản thân mình. “Nếu bạn không sai thì cả cuộc đời bạn không biết làm thế nào cho đúng. Nếu đi mà không ngã thì bạn chẳng biết ngã đâu như thế nào để lần sau đi đứng cẩn thận hơn. Mình thấy thế nên nghĩ rằng cứ sai đi, vì chẳng ai trên đời mà không sai đôi ba lần”, Ngọc bày tỏ.
Nhưng quan trọng là có biết sửa sai?
Một mực tỏ ra bất bình với câu chuyện trên, Đoàn Thị Kim Quyên (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, trọ tại 128/35/5 Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ: “Mình thật sự không thích bạn trẻ nói câu nói đấy, bạn bè mình nói mình cũng phản ứng ngay. Cứ sai đi là cứ cho phép mình được sai đi sai lại, vì mình thấy bạn bè xung quanh toàn thế. Chọn công việc sai rồi chọn lại, nhưng chọn lại vẫn chọn công việc tương tự đã từng làm, chỉ là khác công ty. Rồi lại sai, rồi lại chọn lại. Ai chấp nhận được những cái sai như vậy?”.
Đồng quan điểm, Phạm Thị Thương (trọ tại 206 Lê Thúc Hoạch, Q.Tân Phú, TP.HCM) bày tỏ: “Quan trọng là sai mà có biết sửa sai hay không? Hay cứ lặp đi lặp lại một lỗi sai đã mắc phải. Chứ con người thì làm sao tránh được sai, nhất là khoảng thời gian tuổi trẻ còn nhiều bồng bột. Đừng bao giờ nói rằng, sai rồi sẽ rút kinh nghiệm, nhưng rút hoài rút mãi cũng không hết sợi dây kinh nghiệm này. Thế thì chẳng nên một chút nào hết”.
Bàn về câu chuyện này, thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An (giảng viên Khoa tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng là con người hiển nhiên dù ít hay nhiều đều có những phần chưa trọn vẹn, vì "Nhân vô thập toàn". Đặc biệt là giới trẻ khi kinh nghiệm sống còn hạn chế thì việc mắc phải sai lầm là điều không tránh khỏi.
“Nếu sau những vấp ngã mà các bạn trẻ nhận ra được cái sai lầm không đáng có để trưởng thành hơn là điều cần thiết. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn không đồng ý chuyện người trẻ thường vịn vào câu nói 'cứ sai đi vì cuộc đời cho phép' để bào chữa vô tội vạ cho những lầm lỗi. Thiết nghĩ tuổi trẻ cần tiết kiệm sai lầm trong cuộc sống để bản thân không phải trả giá những quả đắng, như làm tổn thương người khác, đánh rơi tuổi trẻ, sự nghiệp hay nghiện hút, trộm cướp, tù tội... Bởi tuổi trẻ không có quá nhiều cơ hội để cho ta bắt đầu lại”, anh An khuyên.
Anh An cũng thẳng thắn: “Con người mà, cái chưa từng xảy ra với mình thì hoàn toàn có thể chấp nhận và tự trao cơ hội để sửa sai. Nhưng nếu cứ sai mãi một lỗi lầm là điều cần khiển trách”.
Bình luận (0)