Công luận đã từng lên tiếng tham nhũng không những không bị đẩy lùi mà có chiều hướng gia tăng, biến tướng phức tạp, tăng về quy mô, số lượng, hành vi càng ngày càng nghiêm trọng, tinh vi lẫn liều lĩnh. Cứ liệt kê những vụ việc gần đây bị phanh phui từ các “đại gia” dầu khí, hàng hải, xây dựng, nông nghiệp, thương mại, đất đai... thì thấy quả thật đáng lo ngại và bất bình trong cử tri là chuyện đương nhiên.
Tham nhũng đã trở thành tinh vi, phức tạp muốn chống tham nhũng không thể giản đơn làm theo kiểu phong trào. Khi chú ý nghiên cứu một chút, có thể thấy vai trò của người đứng đầu đơn vị rất quan trọng. Pháp lệnh Cán bộ, công chức của Nhà nước ta kể cả sửa đổi vào năm 2002 quy định “những việc cán bộ, công chức không được làm” cả về tư cách, đạo đức và quan hệ nhân thân trong công vụ khi là người đứng đầu đơn vị....
Những quy định trên là cần thiết nhưng vẫn ở mức khá chung chung thiếu cụ thể. Mặc dù có Pháp lệnh Công chức, nhưng nếu không có một Quy định về hoạt động công vụ thì việc xây dựng một nền hành chính có hiệu lực, hiệu quả cũng không thể thực hiện được. Hoạt động công vụ là hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của công chức trong các công sở nhằm giải quyết quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với nhân dân. Đối tượng phục vụ của công vụ là mọi tổ chức, công dân và người nước ngoài. Hoạt động công vụ phải thực hiện theo nguyên tắc thống nhất, công khai, tuân thủ pháp luật, đúng thẩm quyền và chịu trách nhiệm cá nhân. Hoạt động công vụ bao gồm: Tổ chức công sở, trách nhiệm của công chức khi thi hành công vụ; quan hệ trong công vụ; thủ tục hành chính.
Để bảo đảm cho công chức thực thi công vụ một cách thật vô tư tận tụy và ngay thẳng, một nội dung quan trọng của Luật Công chức và Quy định về hoạt động công vụ của hầu hết các quốc gia đều có những quy định những điều công chức không được làm, trách nhiệm của người đứng đầu rất cụ thể.
Một nền hành chính thông suốt, trong suốt, minh bạch trách nhiệm cá nhân rõ ràng, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu đơn vị đến đâu, khi để xảy ra các vụ tiêu cực tham nhũng trong đơn vị sẽ góp phần không nhỏ ngăn chặn tiêu cực tham nhũng. Luật chống tham nhũng rất cần đề cập trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, quan tâm biện pháp thanh tra công vụ thường xuyên định kỳ, đột xuất.
Cần thiết xây dựng lại mối quan hệ giữa công dân, doanh nghiệp với công chức, cơ quan công quyền. Với tư cách là người đóng thuế nuôi cơ quan công quyền và công chức, công dân có quyền đòi hỏi cung cấp các dịch vụ kể cả các dịch vụ hành chính công. Quan hệ lúc này là quan hệ khách hàng và người cung cấp dịch vụ. Nếu mối quan hệ như vậy không có đất cho cơ chế xin-cho, không có điều kiện cho tham nhũng. Vấn đề xây dựng lại thế nào mối quan hệ này đó là nhiệm vụ của những người hoạch định chính sách, của cơ quan lập pháp.
Ngoài ra, cần tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ như việc quy định kê khai tài sản, phát huy dân chủ thật sự trong nhân dân... Cần tổ chức các kênh nhằm thu thập ý kiến quần chúng, như “đường dây nóng” chẳng hạn. Phải trân trọng ý kiến của quần chúng, đừng nghĩ họ phản ảnh là nhằm gây chia rẽ nội bộ, là hại nhau... rồi chụp mũ họ. Thậm chí hiện nay khi quần chúng dũng cảm tố cáo vẫn chưa có cơ chế bảo vệ họ hữu hiệu trước sự trù dập.
Rất cần đưa vào quá trình hoạt động công vụ những giải pháp, những kỹ thuật khách quan bắt buộc mọi công chức, dù muốn hay không muốn, vẫn phải tuân thủ chấp hành. Cần đặt trong guồng máy vận hành theo hệ thống quản lý chất lượng, nếu bộ phận nào, cá nhân nào không tuân thủ những quy định, làm không đúng quy chế cam kết sẽ bị loại ngay lập tức. Điều này có thể lý giải tại sao nhiều nền công vụ không đặt nặng việc kêu gọi tinh thần phục vụ mà kết quả dân lại rất hài lòng. Đó là họ nhìn đúng cách làm dựa vào tính khách quan khoa học của công nghệ hành chính tiên tiến. Thậm chí để chống tham nhũng trong hoạt động xuất nhập khẩu, nhiều nước - cụ thể gần ta là Indonesia - đã thuê toàn bộ Hải quan Thụy Sĩ trong một thời kỳ, tính đi tính lại thấy hiệu quả hơn nhiều! Nói lên điều này không hề đề cao kỹ thuật coi nhẹ yếu tố con người mà muốn nói lên xu hướng phải đặt con người trong một tổ chức nề nếp, tuân theo quy trình nghiêm ngặt. Chính những điều này tạo thành nếp văn hóa cho công chức là không muốn - và không dám - làm bậy. Chỉ khi ấy ta mới có thể nói đến chống căn bệnh “vô cảm”, thói quen cửa quyền, tham nhũng của công chức, một căn bệnh đồng hành với quyền lực.
Diệp Văn Sơn
Bình luận (0)