Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri - Ảnh: TTXVN - Diệp Đức Minh |
Tại Hà Nội, cử tri Q.Ba Đình tiếp xúc với 5 ứng viên ĐBQH khóa XIII, gồm Tổng bí thư - Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng; bà Nguyễn Quế Anh, Bí thư Quận Đoàn Ba Đình; bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hội LHPN Q.Ba Đình; ông Nguyễn Minh Quang, Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị - UDIC; ông Lê Hiền Vân, đại tá, Phó chính ủy Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội.
Trình bày chương trình hành động tại hội nghị, bà Nguyễn Quế Anh nhấn mạnh nếu được bầu làm ĐBQH, sẽ thực hiện tốt vai trò phản biện, giám sát, đặc biệt qua các phiên chất vấn tại kỳ họp và quả quyết "sẽ lựa chọn nhiều vấn đề cử tri quan tâm nhất để chất vấn Thủ tướng và các thành viên chính phủ tại các kỳ họp QH"; đồng thời sẽ có những kiến nghị để thúc đẩy việc thực hiện các quyền lợi cho thanh thiếu niên, phát huy được tiềm năng của đối tượng này trong thời gian tới.
Nên công bố điện thoại di động của các ĐBQH Tại buổi tiếp xúc cử tri TP.HCM, một số cử tri đề nghị các ĐBQH công bố số điện thoại di động "để cử tri trực tiếp phản ánh, ĐBQH cũng kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của cử tri chuyển tải đến diễn đàn QH". Đề xuất này được ông Trương Tấn Sang ủng hộ và cho rằng đây là cách làm hay, nhằm tạo sự gắn bó hơn giữa ĐBQH và cử tri; đồng thời đề nghị cử tri tham gia hiến kế những cách làm hay, góp phần cùng Đảng, Nhà nước giải quyết những vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh... |
Tổng bí thư - Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cam kết nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm ĐBQH khóa XIII, cá nhân ông sẽ cố gắng cao nhất để cùng tập thể QH đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH. "Bản thân cũng phải tiếp tục học tập rèn luyện, mặc dù tôi đã có quá trình công tác gần 44 năm, hơn 40 năm tuổi Đảng, có dịp công tác trên các lĩnh vực, nhưng rõ ràng thấy mình cũng phải còn cố gắng rất nhiều, còn phải học tập nhiều lắm, đặc biệt là phải gần gũi, tắm mình trong cử tri, trong nhân dân, đập nhịp đập trái tim của nhân dân, phản ánh đầy đủ ý kiến, kiến nghị đã khó rồi, giải quyết những kiến nghị đó của cử tri, thể hiện bằng chính sách, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước mới càng khó", ông bộc bạch.
Đại diện cho cử tri P.Quán Thánh, bà Phạm Hồng Sinh kiến nghị: "Cử tri chúng tôi rất mong các ứng viên hãy biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, nói ít làm nhiều, thể hiện được phẩm chất, năng lực là người ĐB của dân, đặc biệt là đề xuất những giải pháp tích cực có liên quan đến lợi ích của nhân dân, xứng đáng là ĐBQH được nhân dân tín nhiệm, gửi gắm. Mong muốn của cử tri là các ĐB ứng cử QH khóa XIII tới có giải pháp tích cực đấu tranh phòng ngừa lãng phí, quan liêu, tham nhũng vì đây là cản trở lớn đối với quá trình hội nhập và phát triển đất nước...".
Cam kết chống tham nhũng, lãng phí
Tại TP.HCM, đông đảo cử tri Q.1 đã dành thời gian nghe và góp ý thẳng thắn vào các chương trình hành động của 5 ứng cử viên ĐBQH thuộc đơn vị bầu cử số 1 (Q.1, 3, 4), gồm các ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị - Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng; Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM khóa XII; Hoàng Hữu Phước, Tổng giám đốc Công ty CP thương mại dịch vụ tư vấn đầu tư doanh thương Mỹ Á; Nguyễn Đăng Trừng, Chủ nhiệm đoàn luật sư TP.HCM; Phạm Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH phần mềm FPT.
Nhiều cử tri đề đạt nguyện vọng "các ĐBQH hãy nói ít, làm nhiều, sâu sát, gần dân, lắng nghe dân, từ đó mạnh dạn trình bày tường tận những suy nghĩ, bức xúc, nguyện vọng của cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết rốt ráo".
Đáp lại tình cảm của cử tri, ông Trương Tấn Sang khẳng định: "Nếu được cử tri tín nhiệm, tôi nguyện tiếp tục đem hết sức mình phục vụ nhân dân, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó". Ông Sang nhấn mạnh trọng tâm chính chương trình hành động của ông là cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề lớn của đất nước; có những chủ trương, chính sách thích hợp để kinh tế đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn, thực hiện thành công công cuộc CNH-HĐH đất nước; cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân giữ vững ổn định chính trị, chủ quyền quốc gia, đảm bảo cuộc sống bình yên của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, thúc đẩy cải cách hành chính để bộ máy nhà nước phục vụ nhân dân tốt hơn, kinh tế phát triển nhanh hơn...
Góp ý chương trình hành động của các ứng cử viên, nhiều cử tri bày tỏ lo ngại sâu sắc đến nạn tham nhũng, lãng phí đang ngày một gia tăng. Cử tri Lê Thanh Bình (P.Bến Nghé), thẳng thắn đề nghị các ứng cử viên cần cam kết cương quyết chống tham nhũng, tham ô, lãng phí, tham gia cùng Quốc hội giám sát chặt chẽ các tập đoàn kinh tế lớn do Nhà nước quản lý, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm vụ Vinashin, công khai cho dân rõ.
Trước những bức xúc của cử tri, ông Trương Tấn Sang nhìn nhận 5 năm qua, dù công tác phòng, chống tham nhũng có đạt được một số kết quả, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu so với mục tiêu đề ra và mong muốn của toàn Đảng, toàn dân. "Đi đây, đi đó, tôi đều nghe cử tri phản ánh nạn tham nhũng, lãng phí với mức độ ngày càng "nóng" hơn. Điều đó khiến chúng tôi cảm thấy thực sự xấu hổ. Song, chúng ta không bó tay với tham nhũng", ông Sang nhấn mạnh và cho biết pháp luật về phòng chống tham nhũng đã có, Đảng, Nhà nước phải tính toán lại các vấn đề về thể chế, cơ chế, tổ chức thực hiện để công tác phòng chống tham nhũng mang lại hiệu quả cao, đáp ứng sự mong mỏi của cử tri.
Bảo Cầm - Minh Nam
Bình luận (0)