Cú trượt dài của biểu tượng hàng không nước Mỹ

12/10/2024 08:05 GMT+7

Boeing, tập đoàn hàng không số 1 thế giới, biểu tượng công nghiệp của nước Mỹ vẫn đang tiếp tục chuỗi ngày chìm trong khủng hoảng. Ở bên này bán cầu, hàng không Việt Nam cũng bị tác động nặng nề, kéo dài đến bây giờ vẫn chưa hết dư chấn.

Sự cố tiếp nối sự cố

Những sự cố tai nạn máy bay chết người trước đây của Boeing cũng không khiến những người giàu trí tưởng tượng nhất hình dung ra tình cảnh đen tối của "anh cả" hàng không thế giới trong năm 2024.

Chuỗi tin xấu bắt đầu ngay đầu năm khi cửa của chiếc Boeing 737 Max thuộc Hãng hàng không Alaska Airlines bị bung ngay sau khi cất cánh tối 5.1. Một cuộc điều tra sơ bộ của Mỹ cho thấy Boeing có thể đã không lắp các bu lông vào nút chặn cửa vốn được thiết kế để ngăn bộ phận này rơi khỏi máy bay.

Cú trượt dài của biểu tượng hàng không nước Mỹ- Ảnh 1.

Thương hiệu Boeing đang đối mặt với vận hạn

ẢNH: REUTERS

Sự cố đó đã dẫn đến việc một số máy bay phản lực 737 Max bị đình chỉ hoạt động trên toàn nước Mỹ. Kéo theo đó là các phiên điều trần tại quốc hội, tình trạng chậm trễ trong sản xuất và giao hàng, nhiều cuộc điều tra liên bang - bao gồm cả điều tra hình sự - khiến cổ phiếu tụt dốc…

Qua giữa tháng 3, một chiếc Boeing 787 Dreamliner của Hãng hàng không LATAM (Chile) bất ngờ lao xuống giữa hành trình, khiến hàng chục hành khách bị thương. Phi công cho biết ông tạm thời mất kiểm soát máy bay nhưng may mắn đã kịp phục hồi và hạ cánh an toàn. LATAM gọi đó là "sự cố kỹ thuật" còn Boeing thời điểm ấy cho biết phải thu thập thêm thông tin.

Trong lúc đối diện loạt sự cố trên bầu trời của nhiều hãng hàng không khác nhau đang sử dụng máy bay Boeing, "ông lớn" này còn phải xử lý khủng hoảng từ bên trong. Người tố cáo thứ hai liên quan đến việc máy bay Boeing kém an toàn chết một cách bí ẩn vào đầu tháng 5, chỉ 2 tháng sau khi một người tố cáo khác được cho là đã tự sát.

Cú trượt dài của biểu tượng hàng không nước Mỹ- Ảnh 2.

Cửa máy bay Boeing 737 Max của Hãng Alaska Airlines bị bung tối 5.1.2024, mở đầu cho chuỗi khủng hoảng của Boeing

ẢNH: ST

Cú trượt dài của biểu tượng hàng không nước Mỹ- Ảnh 3.

Cánh cửa được tìm thấy sau sự cố chấn động ngành hàng không thế giới

ẢNH: ST

Các cuộc điều tra sau đó về cái chết gây sốc của một nhân viên lâu năm, vốn đã tố cáo và kiện Boeing, kết thúc với kết quả là tự sát. Mặc dù vậy, những thuyết âm mưu vẫn không ngừng được lan truyền, trong đó nhấn mạnh tới chuyện bị "trả thù".

Chưa hết, từ ngày 13.9, khoảng 30.000 công nhân Boeing thuộc Hiệp hội Công nhân và Thợ máy hàng không quốc tế bắt đầu đình công. Nhóm này lắp ráp máy bay 737 MAX, 777 và 767 tại nhà máy ở Seattle và Portland (Mỹ).

Hiệu ứng domino tới hàng không thế giới

Boeing, vốn thống trị thị trường sản xuất máy bay toàn cầu cùng với đối thủ châu Âu Airbus, đã phải vật lộn với các cuộc khủng hoảng về sản xuất và an toàn chưa từng có trong lịch sử của hãng này. Với chuỗi cung ứng bao gồm hàng nghìn doanh nghiệp lớn và nhỏ trên khắp thế giới, khủng hoảng của Boeing khiến ngành hàng không thế giới bị liên đới trầm trọng.

Cụ thể, sự sụt giảm trong việc giao hàng máy bay dòng MAX của Boeing đã ảnh hưởng đến thu nhập của các hãng hàng không và một số nhà cung cấp có kế hoạch trang bị máy bay mới. Đặc biệt, việc này khiến hành khách bị mắc kẹt khi các hãng hàng không phải bay ít tuyến hơn, việc tuyển dụng phi công cũng bị chậm lại.

Cú trượt dài của biểu tượng hàng không nước Mỹ- Ảnh 4.

Boeing dừng bay thử nghiệm máy bay thân rộng 777X do có lỗi

ẢNH: REUTERS

Đơn cử nhà cung cấp linh kiện Montréal Meloche Group (Canada) đã đầu tư 10 triệu CAD (7,34 triệu USD) trong năm nay để hỗ trợ nhu cầu cao hơn, bao gồm cả động cơ LEAP cung cấp năng lượng cho máy bay MAX. Tuy nhiên, vì hiệu ứng xấu từ Boeing, Meloche hiện dự kiến sẽ không đạt được mục tiêu doanh thu 150 triệu CAD dù Giám đốc điều hành Hugue Meloche cho biết doanh số bán hàng sẽ tăng 25% vào năm 2025. Tương tự, GE Aerospace và đối tác Safran của Pháp trước đó cho biết họ đang làm chậm quá trình sản xuất động cơ LEAP trong năm nay do cuộc khủng hoảng của Boeing.

Hãng hàng không giá rẻ Allegiant của Mỹ, khách hàng của Boeing, cho biết tình trạng chậm trễ trong việc giao máy bay đang khiến hãng này thiệt hại khoảng 30 triệu USD mỗi năm.

United Airlines, một khách hàng khác, đã cắt giảm gần 30% kế hoạch tuyển dụng trong năm, với lý do máy bay được giao ít hơn kế hoạch. American Airlines cũng đã phải thay đổi kế hoạch tuyển dụng của mình. "Chúng tôi đã thấy một số lần giao hàng của Boeing bị chậm trễ", CFO Devon May của American Airlines nói với Reuters, "vì vậy, có lẽ chúng tôi sẽ không tuyển dụng nhiều người như chúng tôi mong đợi…".

Tình hình còn nghiêm trọng hơn với Hãng hàng không Southwest - nơi vận hành đội bay toàn Boeing. Công ty đã tuyển dụng nhân viên với giả định sẽ nhận được 85 máy bay trong năm nay, nhưng hiện tại họ dự kiến chỉ có 20 máy bay. Việc thiếu máy bay đã ảnh hưởng đến doanh thu và làm tăng áp lực chi phí khi hãng hàng không này phải chi hàng triệu USD để tiếp tục sử dụng các máy bay cũ. Người ta cũng ước tính cuộc khủng hoảng đã khiến hãng hàng không này dư thừa khoảng 800 phi công.

Cú trượt dài của biểu tượng hàng không nước Mỹ- Ảnh 5.

Việc máy bay Boeing được sản xuất ít đi đã ảnh hưởng đến các hãng hàng không vì thiếu máy bay

ẢNH: AFP

Với áp lực thu nhập, Southwest đã quyết định tập trung vào các thị trường có lợi nhuận cao hơn và rời sân bay quốc tế Bellingham (bang Washington, Mỹ) cùng 3 sân bay khác. Họ đã ngừng tuyển dụng phi công và đình chỉ đào tạo cho những người mới tuyển dụng, đồng thời lên kế hoạch giảm giờ làm, giảm lương phi công.

Đó là một sự đảo ngược đáng kể về số phận của các phi công Southwest, những người chỉ mới 6 tháng trước còn được công ty ra sức o bế để ngăn chặn các hãng đối thủ "cướp người".

Hàng không Việt Nam ảnh hưởng thế nào?

Tại buổi làm việc với Cục Hàng không Việt Nam hồi tháng 4, ông Subhas Menon, Giám đốc điều hành Hiệp hội Các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương (AAPA), cho biết giá vé máy bay trên thế giới hiện nay và trong thời gian tới sẽ có xu hướng tăng cao hơn so với trước. Có 4 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, trong đó nổi bật là việc thiếu hụt máy bay trên diện rộng xảy ra với các hãng hàng không trên thế giới sẽ tiếp diễn trong bối cảnh việc thuê, mua để bù đắp lượng thiếu hụt chưa thể thực hiện tức thì. Việc này bắt nguồn từ 2 nhà sản xuất máy bay hàng đầu trên thế giới là Airbus và Boeing đều đang phải xử lý nhiều vấn đề.

Airbus đang đối mặt với vấn đề triệu hồi để sửa chữa động cơ trên các dòng máy bay chủ lực A320, A321 của nhiều hãng hàng không trên thế giới. Boeing lại gặp phải những vấn đề sự cố kỹ thuật trong khai thác các dòng máy bay thế hệ mới 737, dẫn đến việc chậm trễ bàn giao máy bay cho các hãng hàng không.

Theo AAPA, tình trạng thiếu hụt này kéo dài sẽ làm trầm trọng thêm thách thức trong việc bảo đảm lực lượng đội bay của các hãng hàng không, kéo theo việc giảm cung ứng tải trên các đường bay và dẫn đến áp lực tăng giá vé khi nhu cầu vận chuyển hàng không tăng lên. Và Việt Nam không phải ngoại lệ. Chẳng hạn dịp lễ 30.4 - 1.5 vừa qua, chặng Hà Nội - Phú Quốc chỉ có vài chuyến bay, giá dao động từ gần 6 triệu - gần 10 triệu đồng; bay Hà Nội - Nha Trang phải chi từ 5,8 - hơn 7 triệu đồng/cặp vé khứ hồi; từ TP.HCM đi Đà Nẵng, giá vé cũng tăng gấp 1,5 lần so với ngày thường, ngang cao điểm Tết Nguyên đán - khoảng 5 triệu đồng/vé khứ hồi... Với mức này, giá vé máy bay cao hơn thời điểm trước đại dịch Covid-19.

Giá vé máy bay tăng mạnh và tình trạng delay trên diện rộng gây ra sự bất bình lan rộng với khách hàng trên toàn quốc. Đặc biệt, việc này khiến lượng khách đến nhiều điểm đến sụt giảm nghiêm trọng. Đầu tháng 5, Bộ trưởng GTVT yêu cầu Vụ Vận tải và Cục Hàng không Việt Nam kiểm tra, rà soát tình trạng giá vé máy bay nội địa tăng cao. Trường hợp phát hiện bất thường, Cục được yêu cầu kịp thời xử lý ngay vi phạm theo thẩm quyền, báo cáo về Bộ trước ngày 10.5. Ngay sau đó, Cục Hàng không đã thành lập Đoàn kiểm tra nhằm thanh tra hoạt động bán vé, niêm yết giá vé của các hãng hàng không từ đầu năm. Hàng loạt các mổ xẻ về cơ cấu thuế, phí trong giá vé máy bay đốt nóng thị trường. Tuy nhiên, nguyên nhân cốt lõi vẫn là do thiếu máy bay và chi phí nhiên liệu tăng mạnh.

Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines (VNA) Đặng Anh Tuấn cho biết giá vé máy bay của hãng tăng từ 15 - 20% do giá nhiên liệu, chi phí thuê máy bay tăng rất cao, tỷ giá tăng, năng lực vận tải hàng không giảm do các hãng hàng không tái cơ cấu, do nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney thu hồi hơn 1.000 động cơ máy bay PW1100 trên toàn thế giới. "Ngoài ra, chi phí thuê máy bay hiện tại tăng gấp đôi nhưng cũng rất khó để thuê được. Đối với VNA, các nhà sản xuất đang triệu hồi máy bay về để bảo trì khoảng 10% lượng máy bay đang hoạt động (12 chiếc), tình trạng tương tự với Vietjet. Điều này cho thấy năng lực vận tải của ngành hàng không trong năm nay giảm mạnh. Để phục vụ tốt hơn khách hàng, chúng tôi gần như hoạt động hết công suất, làm đêm làm hôm. Nhờ vậy, tỷ trọng lấp đầy rất cao và còn cao hơn so với những giai đoạn trước", ông Tuấn chia sẻ.

Cho đến thời điểm chúng tôi thực hiện bài viết này, giá vé máy bay trong nước về cơ bản vẫn cao hơn so với trước dịch. Cùng với hệ thống cao tốc đi vào hoạt động, xu hướng du lịch tuyến gần, đường bộ, đường thủy, đường tàu… lên ngôi như một giải pháp hạ nhiệt giá vé máy bay của nhiều người, nhiều hộ gia đình.

Kể từ sự cố ngày 5.1, Boeing đã công bố những thay đổi sâu rộng về quản lý, bao gồm cả sự ra đi của Giám đốc điều hành Dave Calhoun dự kiến vào cuối năm nay. Nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới đã tăng cường kiểm tra cơ sở của chính mình và của nhà cung cấp, mở rộng đào tạo cho nhân viên mới và hướng dẫn các nhà quản lý dành nhiều thời gian hơn tại nhà máy. Các nhà điều hành trong ngành vận tải hàng không cho biết mặc dù cảm thấy lạc quan hơn với kế hoạch hành động của Boeing nhưng họ vẫn cần kết quả cụ thể. Giám đốc tài chính của Alaska Airlines Shane Tackett cho biết: "Chúng tôi muốn đảm bảo rằng họ sản xuất ra những chiếc máy bay chất lượng cao nhất để chúng tôi có thể tự tin bay an toàn mỗi ngày".

Các hãng đánh giá tín nhiệm lớn đồng loạt đưa ra cảnh báo nếu đình công kéo dài, Boeing sẽ bị hạ xếp hạng trái phiếu xuống mức không khuyến nghị đầu tư. Với khối nợ ròng hơn 45 tỉ USD, việc hạ xếp hạng sẽ làm tăng chi phí vay và tác động tiêu cực đến quá trình huy động vốn của Boeing. Dòng tiền của Boeing hiện không đủ trả khoản nợ 4,3 tỉ USD đáo hạn năm sau và 8 tỉ USD vào năm 2026. Tính từ quý 2/2019 (thời điểm xảy ra tai nạn chết người ở Indonesia và Ethiopia) đến tháng 5 năm nay, hãng này ghi nhận khoản lỗ hoạt động gần 32 tỉ USD.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.