Phố thị giờ cũng khang trang hơn xưa. Thế nhưng, trong lòng phố vẫn còn nơi chốn để những gì thuộc về cũ xưa đi về.
Những bữa sáng 10.000 đồng
tin liên quan
Bà chủ cử nhân từ chối đi làm, 30 năm bán bánh mì chả tự nhà làmKhông quá nhiều nhưng những bữa sáng có giá 10.000 đồng ở Quy Nhơn vẫn còn đó, đủ no cho những người thương nhớ vị quê ở phố. Đó là mẹt bánh đủ loại của một chị từ Tuy Phước xuống. Sáng nào cũng vậy, tầm 5 giờ chị đã có mặt ở góc đường Phan Chu Trinh - Tăng Bạt Hổ, gần chợ mới. Thúng bánh của chị vừa đặt xuống đã có người tới mua. Một vạt bánh xèo vỏ đổ ráo, ít bánh bèo chén nhỏ, mấy chục cái bánh đúc, bánh hỏi, bánh ướt. Chỉ cần 10.000 đồng thôi là đủ cho một người có bữa sáng ngon lành.
Cạnh bên là gánh bánh canh chả cá bột lọc. Bánh canh gì mà một tô gồm chả tôm, chả cá, da heo các kiểu cũng chỉ từ 7.000 - 10.000 đồng. Rẻ là vậy thôi chứ độ ngon thì miễn bàn, luôn ở mức xuất sắc. Vị dai dai của bột lọc hòa với vị ngọt của xương cá, tôm, ăn kèm ớt màu, ớt tương, ớt tươi xắt dằm mắm cay xé lưỡi khiến tô bánh canh mùa nào cũng ăn được một cách ngon lành.
Nhắc đến bữa sáng quà quê không thể không kể đến những gánh bánh hỏi của các chị, các mẹ mỗi sáng sớm với tiếng rao quen thuộc: “Ai bánh hỏi không? Bánh hỏi bánh ướt xì dầu đây”.
Tôi từng có một tuổi thơ từ yêu chuyển sang ghét bánh hỏi. Lúc mới yêu là vì ăn bánh ngon hơn ăn cơm nguội. Nhưng ăn riết đến ghét vì cái món ấy rẻ bèo nên mẹ cứ mua hoài mua mãi. Giờ nghĩ lại thì thấy thương. Thương những đôi vai nhọc nhằn tần tảo. Thương một món bánh đã cùng ta đi qua những tháng ngày khổ cực nhất. Đến giờ, nhắc đến ẩm thực Bình Định, người ta sẽ nhớ ngay đến món bánh hỏi cháo lòng nổi tiếng.
|
Và khúc bài chòi trước trung tâm thương mại
Tại TP.Quy Nhơn, trước khu trung tâm thương mại lớn (đường Nguyễn Tất Thành - Trần Thị Kỷ) là không gian dành cho bài chòi. Hình thức nghệ thuật dân gian này vẫn sống khỏe trong lòng người dân địa phương và tạo sự tò mò thích thú với các du khách. Hình thức chơi khá đơn giản.
Người quản trò, còn gọi là anh/chị hiệu sẽ phát các thẻ bài cho người chơi trên các chòi mái lá. Sau đó, anh/chị hiệu sẽ hát những câu ca về triết lý sống, đạo làm người, hay đơn thuần về nhịp sống thường ngày tương ứng với tên con bài cầm trong tay. Người chơi nào có tên con bài trùng thì hô lên. Tuần tự như thế đến cuối đợt để chọn ra người nào có thẻ bài trùng với các câu hát… Bài chòi cứ thế mà thu hút từ người già tới trẻ nít.
Người Quy Nhơn thường chọn cho mình lối sống chậm hơn so với nhịp sống ở các nơi khác cũng một phần ở cách giữ lại quá khứ trong lòng hiện đại. Những quá khứ đẹp đẽ, còn sức sống như những món quà quê buổi sớm, những khúc ca bài chòi, những chân chất thật thà hồn hậu của người dân xứ Nẫu cứ thế được tỉ mẩn chăm sóc, lưu truyền và yêu thương.
Bình luận (0)