Có trường hợp có người mua về một chiếc máy tính xách tay, anh ta cứ suốt ngày cất máy tính trong nhà không dám đem ra dùng vì sợ trầy, sợ xấu và sợ xài nhiều bị hư. Tháng sau anh ta ấn nút khởi động máy tính thì không được, đem ra tiệm người ta bảo do anh để máy tính trong môi trường ẩm thấp, lại không chịu đem máy ra xài nên bo mạch bị ẩm không khởi động được.
Nói cách sử dụng của người chủ là yếu tố khiến sản phẩm bền lâu, nhưng không phải mọi thứ đều đúng như nó vốn có. Tôi nhớ trong hội chợ, người ta quảng cáo “lấy miệng chén đóng đinh” ai cũng giật mình. Ghé qua coi mới thấy đúng là thật, trong gian hàng của Minh Long, người ta đang dùng cạnh của chiếc chén để đóng lên đinh, sau đó cho người dân sờ thử lên chén mới thấy không một vết trầy làm cho khách hàng phải giật mình.
Bên cạnh vấn đề kỹ thuật sản xuất, nguyên liệu tạo ra sản phẩm, có thể nói yếu tố quan trọng nhất để “kéo dài tuổi thọ” của sản phẩm chính là thái độ sử dụng của người dùng. Có lần tôi xuống Mỹ Tho chơi và cứ thắc mắc mãi tại sao Tây được thuê các biệt thự cổ ở đây ở mà người Việt mình thì không được. Hỏi chủ nhà thì được biết “Nếu cho người Việt mình thuê thì dăm bữa nửa tháng cái biệt thự cổ của tui sẽ tan nát hết. Bởi nhiều người hiếu kỳ, thấy cái gì lạ cũng sờ, bẻ, nắn, thấy hoa lạ thì ngắt… Họ chưa biết cách giữ gìn cho người sau tới xem”.
Không phải cứ đem đồ đạc cất vào trong tủ thì sản phẩm sẽ bền mãi mãi, cũng không phải vật dụng “siêu bền”, “siêu đắt” thì sẽ tồn tại mãi mãi. Cái quan trọng là người sử dụng biết tôn trọng các giá trị đã làm nên sản phẩm, khi dùng thì nhớ cẩn thận cũng như có chút hiểu biết về vật mà mình đang dùng, có nhiều thứ “càng xài lại càng bền” mới chết chứ.
Nguyên Trang
Bình luận (0)