Cua đồng lên phố

23/11/2012 10:10 GMT+7

Sống ở bưng biền, đồng ruộng nhưng cua đồng đã và đang làm cuộc “đổi ngôi” ngoạn mục, thành món ngon đặc sản tại các nhà hàng nơi phố thị, chứ không cam phận là món ăn dân dã của người nghèo.

Cua đồng lên phố
Ghe đặt lọp cua ở xã Trường Xuân (H.Tháp Mười, Đồng Tháp) (Hoài Phương)

Cua đồng lên phố
Cua đồng rang me ở nhà hàng (Hoài Phương)

Chợ cua đồng

Hằng năm, khi mùa nước nổi về, cua đồng xuất hiện nhiều vô số kể tại các tỉnh miền Tây, nhất là An Giang và Đồng Tháp. Cua nhiều đến mức người ta bắt đem phơi khô, bán cho các cơ sở chế biến thức ăn gia súc với giá rẻ như bèo. Nhưng từ vài năm trở lại đây, cua đồng có giá, vào mùa nắng giá cua tương đương giá cá ba sa. Theo anh Nguyễn Văn Sơn, một thương lái chuyên thu gom cua đồng giao lại cho các vựa ở An Giang, sở dĩ giá cua ngày càng tăng cao là vì sản lượng ngày càng ít, cung không đủ cầu; đặc biệt là thị trường Hà Nội, TP.HCM tiêu thụ rất mạnh.

Vợ chồng chị Tư Hiền ở xã Vĩnh Hội Đông (H.An Phú, An Giang) phấn khởi cho biết, vào thời điểm lũ rút, mỗi ngày chị đặt lọp bắt hơn 20 kg cua, bán được 200.000 đồng, thu nhập cao hơn đánh bắt cá, nhưng khi lũ cạn thì cua rất hiếm. Cua bắt được bà con thường mang ra các chợ đầu mối để tuyển chọn, phân loại và vô bao trước khi giao cho thương lái. Có thể nói An Giang và Đồng Tháp là nơi có nhiều chợ cua đồng nhất miền Tây. Nổi tiếng nhất là chợ Vĩnh Hội Đông (H.An Phú); chợ gần phường Núi Sam (TX.Châu Đốc); các chợ huyện Châu Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn (An Giang); chợ Trường Xuân (H.Tháp Mười, Đồng Tháp)…

Nói là chợ chứ chỉ khoảng vài chục người nhóm họp song không khí không kém phần ồn ào, tấp nập. Kẻ bơi xuồng, người dùng xe thồ hoặc xe ba gác rộn ràng như ngày hội cua đồng. Anh Tư Tiến ở H.Tri Tôn cho biết, vào lúc cao điểm, mỗi ngày anh thu mua khoảng 1 tấn cua với giá 10.000 - 12.000 đồng/kg để chở đi bán lại cho các vựa, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/ngày.

Cua đồng vào nhà hàng, siêu thị   

Trước đây, cua đồng là món ăn dân dã của người nghèo và là món ăn chơi của trẻ con miệt đồng. Còn bây giờ, theo y học cổ truyền, thịt cua đồng có vị ngọt lạnh, ít độc, giàu dinh dưỡng và có tác dụng chữa trị một số bệnh thông thường. Y học hiện đại cũng khẳng định thịt cua có chứa protid, lipid, Ca, P, Fe và vitamin. Chính vì vậy mà các món ăn chế biến từ cua đã chiếm vị trí hàng đầu trong các bữa ăn gia đình. Cua đồng, ngoài việc sử dụng càng, thịt, nhiều người còn chế biến thành riêu cua để tung ra thị trường và mặt hàng này hiện đã có mặt tại một số siêu thị.

Phần lớn cua đồng được các chủ vựa phân phối cho nhà hàng, quán ăn các tỉnh và chợ đầu mối tại TP.HCM; số ít  bán cho người chuyên xay riêu cua ở chợ. Chị Hai Phương ở xã Bình Hòa (H.Châu Thành, An Giang) vừa là chủ vựa cua đồng vừa là cơ sở sản xuất riêu cua nổi tiếng. Trung bình mỗi ngày chị Hai Phương thu mua 5 tấn cua tươi để phân phối cho khách hàng. Ngoài ra, chị còn sản xuất 200 kg bột riêu, xong đóng gói, ướp lạnh chuyển ra Hà Nội và một số tỉnh thành, bán với giá 25.000 đồng/kg.

Cua đồng từ bưng biền về chợ, qua cơ sở chế biến rồi vượt hàng trăm, hàng ngàn cây số để hiện diện trong các nhà hàng, quán ăn, trở thành các món ngon đặc sản, không phân biệt người giàu kẻ nghèo. Ai thưởng thức món lẩu cua, canh cua rau đay, rau mồng tơi, đặc biệt là tô bún riêu đậm đà hương vị đồng bằng đều cảm thấy nhớ đời.

Hiện nay, tại các xã dọc theo biên giới, kinh Vĩnh Tế và Đồng Tháp Mười, số người chuyên sống bằng nghề bắt cua đồng lên đến hàng trăm. Tới mùa nước nổi, họ lại tất bật chuẩn bị lọp, lờ, dớn, ghe xuồng để ra đồng đánh bắt. Nhiều nông dân ở hai huyện An Phú, Tịnh Biên còn bơi xuồng qua khỏi biên giới Campuchia để thuê mặt nước đặt lọp mang cua về nước bán.

Hoài Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.