Nhiều ý kiến đã phản ánh thực trạng bất cập như vậy tại hội thảo về chính sách thương mại biên giới (biên mậu) do Bộ Công thương tổ chức hôm qua (5.1).
Do thiếu khu trung chuyển nên hàng hóa xuất đi Trung Quốc thường xuyên ách tắc ở các cửa khẩu thuộc Lạng Sơn - Ảnh: Bình Minh |
Cũng tại diễn đàn này, đại diện nhiều bộ, ngành, địa phương đều cho rằng hoạt động xuất, nhập khẩu qua biên giới còn nhiều vướng mắc nên hiệu quả đem lại chưa cao.
Bất cập hạ tầng thương mại
Theo đại diện Tổng cục Hải quan, hiện xuất khẩu qua biên giới, ở khu vực biên giới VN - Trung Quốc hàng hóa chủ yếu đi qua cửa khẩu, lối mở. Còn ở khu vực các tỉnh miền Trung, Tây Nam mới đang dần phát triển. “Nhiều khi, các cửa khẩu mở ra nhưng không có hàng. Do đó, chúng ta cũng nên cần có quy hoạch. Bên cạnh đó là cơ sở hạ tầng cần đảm bảo điều kiện hoạt động thương mại, có kho bãi. Hiện nay, các doanh nghiệp phát sinh nhu cầu tập kết hàng hóa trong khi chưa có khu vực tập kết dẫn đến tình hình quản lý địa bàn phức tạp, điều kiện thông quan hạn chế”, ông này nói.
|
Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn cho rằng những năm qua nhà nước đã có đầu tư cho thương mại biên giới nhưng chưa đồng bộ. “Chúng ta đã có những khoản đầu tư cho hạ tầng, trợ giá... nhưng theo tôi, cần đầu tư thêm các hạ tầng thương mại”, ông Sơn nói.
Theo Giám đốc Sở Công thương Lào Cai Nguyễn Trường Giang, nếu chính sách biên mậu tốt sẽ giúp các tỉnh biên giới phía bắc phát triển tốt, xóa đói nghèo. “Tôi cho rằng cần có chương trình mục tiêu phát triển các cửa khẩu. Mỗi năm, các cửa khẩu lớn ở các tỉnh cần đầu tư 400 - 500 tỉ đồng mới phát triển được chứ chỉ khoảng 100 tỉ đồng/năm như hiện nay thì chẳng bõ bèn gì vì gạt một quả đồi đã hết 100 tỉ”, ông Giang nói và ví dụ: Lào Cai hiện thu ngân sách được 5.500 tỉ đồng/năm, chi tiêu tới 10.000 tỉ đồng nhưng nếu có chương trình phát triển khu kinh tế cửa khẩu với quy mô như vậy thì 5 năm sau có thể thu và cân đối ngân sách.
Địa phương "đòi" phân quyền
Ông Nguyễn Trường Giang cũng nêu một số vấn đề lúng túng trong thực hiện chính sách biên mậu như việc hướng dẫn Quyết định 52/QĐ-TTg của Thủ tướng về biên mậu vừa qua lại chỉ quy định về mua hàng, hàng nhập của cư dân biên giới mà chưa nói đến xuất khẩu hàng của dân địa phương. Vì thế, lực lượng hải quan không biết cho cư dân biên giới thực hiện xuất khẩu các mặt hàng địa phương như: chuối, dứa… hay để tự do xuất. Theo ông Giang, Chính phủ nên linh hoạt hơn, giao quyền nhiều hơn cho các tỉnh mới xử lý được các trường hợp này.
Đồng tình với ông Giang, đại diện lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn bày tỏ, ngoài đầu tư hạ tầng, Chính phủ nên phân quyền hơn cho địa phương để linh hoạt hơn trong chính sách xuất, nhập khẩu. Nếu làm được như vậy, riêng Lạng Sơn sẽ tăng thu cho ngân sách hàng chục tỉ chỉ với một số mặt hàng như ô tô, quặng đất... “Chúng tôi rất muốn xây dựng khu trung chuyển hàng hóa để xuất khẩu sang Trung Quốc không còn thường xuyên ùn tắc. Muốn thu phí theo đầu xe để có nguồn đầu tư cho hạ tầng biên giới nhưng nhất nhất cái gì cũng phải xin ý kiến T.Ư”, ông này nói.
Ở một góc độ khác, ông Lê Văn Tường, Phó giám đốc Sở Công thương Tây Ninh, cho rằng Chính phủ nên sớm hướng dẫn, cho triển khai chính sách “một cửa một điểm dừng” để đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Đại diện cho các doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè, cho biết nông sản VN hiện nay chủ yếu xuất khẩu qua biên giới nhưng có nhiều rủi ro, khó khăn về thanh toán. “Có hai vấn đề phải xử lý là kiểm soát, đảm bảo chất lượng thực phẩm và đầu tư cơ sở hạ tầng để đẩy mạnh lưu thông hàng hóa”, ông Tài nói.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết biên mậu hiện nay chưa được khai thác hợp lý trong khi có những lợi thế nhất định để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, nông sản nên tới đây cần tiếp tục khai thác.
“Các bộ, ngành cần quan tâm đóng góp ý kiến xây dựng lộ trình hoàn thiện chính sách thương mại biên giới”, ông Tú nói.
|
Bình luận (0)