(TNO) Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30.6 tuyên bố Cuba là quốc gia đầu tiên trên thế giới thành công trong việc loại trừ sự lây nhiễm HIV và bệnh giang mai từ mẹ sang con.
Mỗi năm có 1,4 triệu phụ nữ nhiễm HIV/mang thai trên thế giới. Nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, họ có 15-45% nguy cơ lây nhiễm HIV cho đứa con trong lúc mang thai - Ảnh minh họa: AFP
|
“Loại trừ sự lây nhiễm HIV và bệnh giang mai từ mẹ sang con là một thành tựu có thể đạt được”, AFP dẫn lời bà Margaret Chan, Tổng giám đốc WHO, cho biết.
“Đây là một chiến thắng lớn trong cuộc chiến lâu dài của chúng ta chống lại HIV và những bệnh lây lan qua đường tình dục và là một bước quan trọng hướng đến một thế hệ không AIDS”, bà Chan cho hay.
WHO đánh giá Cuba có hệ thống chăm sóc y tế quốc gia toàn diện và tập trung vào sức khỏe sản phụ là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến thành công này, với tỉ lệ trong 100.000 ca sinh con chỉ có ít hơn 50 trường hợp mẹ lây nhiễm HIV hoặc giang mai cho con.
Một số ít trường hợp lây nhiễm HIV và giang mai từ mẹ sang con là có thể chấp nhận được bởi vì biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm HIV mẹ sang con không có tỉ lệ thành công tuyệt đối 100%, theo WHO.
Và theo đó, WHO tuyên bố Cuba Cuba là quốc gia đầu tiên trên thế giới loại trừ sự lây nhiễm HIV/bệnh giang mai từ mẹ sang con vì quốc gia này giảm thiểu tỉ lệ lây nhiễm bệnh HIV và giang mai từ mẹ sang con đến mức thấp nhất.
Kể từ năm 2010, Cuba tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo cả thai phụ và bạn đời được kiểm tra HIV và giang mai (trước và ngay sau khi có thai), đảm bảo phụ nữ nhiễm HIV mang thai được điều trị kịp thời để tránh lây nhiễm cho con…, theo thông cáo của WHO.
“Thành công của Cuba ngày hôm nay tạo động lực cho các quốc gia khác trên thế giới loại trừ sự lây nhiễm HIV và giang mai từ mẹ sang con”, WHO cho hay.
Theo báo cáo của WHO, mỗi năm có 1,4 triệu phụ nữ nhiễm HIV/mang thai trên thế giới. Nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, họ có 15 - 45% nguy cơ lây nhiễm HIV cho đứa con trong lúc mang thai, sinh con hoặc khi cho con bú.
Nhưng nguy cơ này sẽ giảm xuống khoảng 1% nếu cả mẹ và con dùng các loại thuốc chống phơi nhiễm HIV.
Trước năm 2009, số trẻ sơ sinh bị nhiễm HIV trên thế giới là 400.000 trường hợp mỗi năm. Con số này giảm xuống còn 240.000 trường hợp mỗi năm kể từ năm 2013, và mục tiêu toàn cầu nỗ lực đạt được là dưới 40.000 trẻ sơ sinh bị nhiễm HIV mỗi năm kể từ năm 2015, theo WHO.
Bình luận (0)