TAND TP.Hà Nội đã tiếp nhận đơn khởi kiện của Công ty CP đầu tư thương mại và dịch vụ Vinacomin (viết tắt là V-Itasco), kiện Cục Đăng kiểm Việt Nam (viết tắt là ĐKVN) về hành vi “không tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu”, khiến lô hàng trị giá gần 30 tỉ đồng đang phải “đắp chiếu” hơn 2 năm.
Lô hàng của V-Itasco chờ được kiểm tra |
kiến trần |
Bộ phận hòa giải của TAND TP.Hà Nội đã làm việc với đại diện V-Itasco và dự kiến ngày 19.9 tới sẽ làm việc với Cục ĐKVN để tháo gỡ vướng mắc.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Tô An, Cục phó Cục ĐKVN, cho biết trong vụ việc, cơ quan này hoàn toàn thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Nói về lý do không tiếp nhận đăng ký kiểm tra lô hàng của V-Itasco, ông An cho hay, do lô hàng không đủ điều kiện tiêu chuẩn khí thải theo Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông An, V-Itasco nhập lô hàng từ tháng 3.2020. Thời điểm này, theo Quyết định 49, lô hàng phải đạt tiêu chuẩn về khí thải Euro4 thì mới được nhập khẩu vào Việt Nam, nhưng doanh nghiệp lại nhập hàng chỉ đạt tiêu chuẩn Euro3. Chính vì vậy, cơ quan đăng kiểm không thể giải quyết vì không có căn cứ pháp lý nào cho phép nhập khẩu.
“Lúc đó, Cục ĐKVN đã hướng dẫn, thẩm quyền cho phép nhập hay không phải thuộc Chính phủ, không phải của cục và Bộ GTVT, 2 cơ quan này chỉ thực thi nhiệm vụ quản lý chuyên ngành theo lĩnh vực, là một barie gác cổng về kiểm định an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường. Lô hàng không đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường thì làm sao vào được Việt Nam”, ông An nói.
Ông An cho biết, V-Itasco nhập hàng thì không ai cấm, nhưng với điều kiện phải đủ tiêu chuẩn để nhập vào rồi muốn đóng ra xe gì cũng được. Vinacomin đã không tìm hiểu, nghiên cứu quy định pháp luật về các điều kiện để nhập khẩu xe về nước và hiểu nhầm văn bản 3535 của Bộ GTVT.
Theo văn bản này, Bộ GTVT có ý kiến trả lời Vinacomin: “Xe ô tô tự đổ Scanina của V-Itasco lắp ráp, hoạt động trong nội bộ công trường khai thác mỏ mà không tham gia giao thông đường bộ thì không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 116/2017/NĐ-CP; và không áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức Euro4 theo quyết định 49/2011/QĐ-TTg”.
Theo ông An, V-Itasco đã hiểu sai ý của Bộ GT-VT, việc không áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức Euro4 là sản xuất, lắp ráp trong nước, còn doanh nghiệp này là nhập khẩu về. Sau đó, V-Itasco đã có văn bản thừa nhận là nhầm lẫn, hiểu nhầm dẫn đến nhập hàng không đạt điều kiện về và xin phép Bộ GTVT cho phép nâng cấp động cơ từ tiêu chuẩn Euro3 lên Euro4 để đạt tiêu chuẩn nhập khẩu.
Ông An cho biết, Bộ GTVT đã nhất trí đề xuất này, nhưng với điều kiện V-Itasco phải có giấy xác nhận của nhà sản xuất đồng ý hỗ trợ nâng cấp.
“Tôi là người đích thân ký một bức thư viết bằng tiếng Anh gửi nhà sản xuất, đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp nâng cấp để đạt điều kiện theo quyết định 49 và được sự đồng ý từ nhà sản xuất, họ đã gửi danh mục các thiết bị, linh kiện để thay thế. Tuy nhiên, sau đó không hiểu lý do gì, giám đốc nhà sản xuất mới lên thì không đồng ý hỗ trợ nữa dẫn đến không nâng cấp được và việc đi vào ngõ cụt”, ông An cho hay.
Theo ông An, mọi hồ sơ của V-Itasco đều được Cục ĐKVN tiếp nhận và hướng dẫn, trả lời, nhưng không hiểu sao doanh nghiệp này vẫn cố tình không hiểu và đổ vấy cho cơ quan đăng kiểm.
“Họ mang tiền đi nhập xe không đạt tiêu chuẩn khí thải về,… không tìm hiểu các quy định pháp luật. Lô hàng này chưa mở tờ khai hải quan, nếu mở tờ khai thì khéo còn bị hải quan xử phạt về hành vi nhập hàng không đảm bảo chất lượng vì trên hồ sơ, tài liệu của nhà sản xuất, tất cả mọi thứ đã chứng minh lô hàng đạt tiêu chuẩn khí thải Euro3”, ông An cho hay.
Theo ông An, trong buổi làm việc với bộ phận hòa giải của TAND TP.Hà Nội tới, ông sẽ là người đại diện cho Cục ĐKVN.
Như Thanh Niên đưa tin, sau khi xin ý kiến của Bộ GTVT, tháng 3.2020, V-Itasco đã nhập lô hàng 10 xe sát xi (xe ô tô bán thành phẩm) có buồng lái, tiêu chuẩn khí thải Euro3 về để bán cho các đơn vị sản xuất trong Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Lô hàng có giá trị khoảng 30 tỉ đồng, được nhập khẩu về cảng Hải Phòng vào ngày 31.3.2020.
V-Itasco sau đó gửi hồ sơ đăng ký kiểm tra lô hàng nhưng bị Cục ĐKVN từ chối vì lý do không đủ căn cứ xác định lô hàng đúng với quy định trong nước.
Sau khi làm nhiều thủ tục, V-Itasco lập lại hồ sơ đăng ký kiểm tra lô hàng và gửi Cục ĐKVN nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Doanh nghiệp này cho rằng việc từ chối tiếp nhận giải quyết hồ sơ đăng ký kiểm tra lô hàng của Cục ĐKVN là vi phạm pháp luật, đã khởi kiện ra tòa.
V-Itasco đề nghị TAND TP.Hà Nội xác định hành vi không tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký kiểm tra lô hàng của doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị tòa buộc Cục ĐKVN phải tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký kiểm tra và buộc cục này phải bồi thường gần 13 tỉ đồng thiệt hại về vật chất vì để lô hàng “đắp chiếu” hơn 2 năm.
Bình luận (0)