Thanh Niên xin độc quyền giới thiệu bài bình luận của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Yuriko Koike (ảnh) về quan hệ đồng minh ngày càng bền chặt giữa Nhật và Mỹ.
Yuriko Koike
(Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật) |
Chuyến thăm Mỹ của ông Abe diễn ra khi xích mích giữa 2 nước hiện ở mức thấp nhất từ trước đến nay. Những tranh chấp về kinh tế và thương mại từng kích động căng thẳng vào thập niên 1980, khi 9 nghị sĩ Mỹ thậm chí đập nát một chiếc radio của Hãng Toshiba bằng búa tạ, giờ đây đã thành chuyện hiếm.
Quan hệ bình đẳng
Ngày nay quan hệ song phương đã khác đi rất nhiều. Những quyền lợi kinh tế của Nhật liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ - nước này sắp tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng, vốn sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do rộng lớn tại hơn một chục quốc gia nằm trên Vành đai Thái Bình Dương - và tầm nhìn chiến lược của hai bên về châu Á gần như hài hòa với nhau.
Những quan điểm ngày càng tương đồng của hai bên về các vấn đề an ninh quốc tế, đặc biệt khi có liên quan đến Trung Quốc, chắc chắn cũng góp phần vào quyết định tôn vinh Thủ tướng Abe của quốc hội Mỹ và chính quyền của Tổng thống Barack Obama. Cả ông Abe lẫn ông Obama đều tập trung kiến tạo một cấu trúc hòa bình lâu bền cho toàn châu Á, và ông Abe rất hăm hở với việc để Nhật đóng vai trò chủ động hơn trong vấn đề này. Lập trường đó biến liên minh trở thành một quan hệ đối tác bình đẳng hơn nhiều so với 6 thập niên qua.
Theo quan điểm của Mỹ, việc diễn dịch lại điều 9 trong “hiến pháp hòa bình” để cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật ứng cứu đồng minh bị tấn công, cũng như hỗ trợ Mỹ và các đồng minh khác thực thi cam kết bảo vệ hòa bình cho châu Á, bị trì hoãn khá lâu. Sáng kiến chính sách táo bạo đó hẳn nhiên đã giúp ông Abe lấy lòng các nhà ngoại giao và chiến lược quân sự Mỹ, cũng như giành được sự tán thành cả công khai lẫn ngấm ngầm từ những nước láng giềng châu Á.
Duy trì trật tự thế giới
Quan hệ Nhật - Mỹ đang ở trong giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước đến nay (ảnh: Thủ tướng Abe
và Tổng thống Obama) - Ảnh: Japan Daily Press |
Cam kết của Thủ tướng Abe về việc duy trì những quy tắc và định chế của trật tự thế giới sau năm 1945, vốn từng giúp Nhật vượt ra khỏi đống đổ nát của Thế chiến 2 và cho phép Trung Quốc trỗi dậy hòa bình, đã mang lại cho nước Mỹ một lý do khác để tôn vinh ông.
Được hưởng lợi quá nhiều từ trật tự thế giới thời hậu chiến, đa số người Nhật chia sẻ quan điểm của ông Abe rằng những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay thế nó bằng một trật tự khác mà nước này ưa chuộng hơn là khinh suất và nguy hiểm cho châu Á. Thật vậy, những nước quyết định hợp tác với Trung Quốc trong việc tạo ra các định chế đa quốc gia đối kháng nên tự vấn: Liệu một trật tự thế giới do Trung Quốc thiết kế có cho phép một cường quốc khác vươn lên thách thức nước này như cách mà trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu đã cho phép, khuyến khích và hỗ trợ sự tăng trưởng bùng nổ của Trung Quốc trong suốt 3 thập niên hay không?
Để trả lời câu hỏi đó, hãy xem các tác phẩm của chiến lược gia Trung Quốc Diêm Học Thông, người từng lập luận trong cuốn sách có tựa đề Ancient Chinese Thought/Modern Chinese Power (tạm dịch Tư duy Trung Quốc cổ xưa/Quyền lực Trung Quốc hiện đại) rằng mọi quốc gia phải công nhận và chấp nhận vị thế trung tâm đối với thế giới của Trung Quốc đúng như tên gọi Trung Quốc của nước này.
Chuyến thăm Mỹ của ông Abe xảy đến vào thời điểm rõ ràng trong quan hệ song phương. Cả hai nước đều tìm cách tạo ra một cấu trúc hòa bình khả thi cho châu Á, là cấu trúc cho phép Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng và thịnh vượng nhưng cũng ngăn chặn bất kỳ quốc gia đơn lẻ nào giành quyền bá chủ. Và cả hai nước đều ưa chuộng một trật tự thương mại dựa trên luật lệ ở châu Á nhằm củng cố những chuẩn mực đã phục vụ thế giới quá tốt kể từ khi kết thúc Thế chiến 2.
Với việc tôn vinh Thủ tướng Abe bằng một bài phát biểu trước quốc hội, Mỹ thực sự trân trọng những giá trị và tầm nhìn mà cả hai nước cùng chia sẻ.
Yuriko Koike
(Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật)
Bình luận (0)