Năm 2023, tròn 77 năm ngày truyền thống thi hành án dân sự (19.7.1946 - 19.7.2023) và 30 năm thành lập các cơ quan thi hành án dân sự (1.7.1993 - 1.7.2023), Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh công tác thi hành án tại TP.HCM trong 30 năm đã có những chuyển biến, đạt được thành quả tích cực.
Nhận chuyển giao công tác thi hành án từ tòa án
Cục trưởng Nguyễn Văn Hòa cho biết ngày 24.1.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 13, quy định: Ban Tư pháp xã có quyền thi hành những mệnh lệnh của các thẩm phán cấp trên. "Đây chính là văn bản pháp lý đầu tiên đánh dấu sự ra đời về hoạt động thi hành án dân sự trong chế độ mới", ông Hòa chia sẻ.
"Bước ngoặt quan trọng trong cải cách công tác thi hành án dân sự chính là khi Quốc hội khóa IX ban hành nghị quyết bàn giao công tác thi hành án dân sự từ tòa án sang các cơ quan thuộc Chính phủ. Đến ngày 21.4.1993, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Thi hành án dân sự. Và ngày 2.6.1993, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 266 về việc triển khai bàn giao công tác thi hành án dân sự, trên cơ sở đó, việc chuyển giao công tác thi hành án dân sự được thực hiện nhanh chóng, đảm bảo cho các cơ quan thi hành án đi vào hoạt động bình thường từ ngày 1.7.1993", ông Nguyễn Văn Hòa nêu.
Về tổ chức cơ quan thi hành án dân sự, ông Nguyễn Văn Hòa cho hay, từ Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993, rồi Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, cho đến luật Thi hành án dân sự năm 2008, hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự đã được xây dựng hoàn chỉnh: Ở Trung ương, Tổng cục Thi hành án dân sự là cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp, cấp tỉnh có Cục Thi hành án dân sự (là cơ quan trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự) và cấp huyện có Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc Cục Thi hành án dân sự. Trong đó, nhiệm vụ của thi hành án dân sự là thi hành phần dân sự, tiền, xử lý vật chứng, tài sản, án phí trong các bản án, quyết định của tòa án…
Công tác phối hợp chặt chẽ, hiệu quả thi hành án ngày càng cao
30 năm chuyển giao công tác thi hành án dân sự, ông Nguyễn Văn Hòa chia sẻ công tác thi hành án dân sự thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp, cấp ủy, HĐND, UBND các cấp; Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự TP.HCM, các Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện được thành lập và đi vào hoạt động nền nếp với những kết quả cụ thể.
Đồng thời, công tác phối hợp của các sở ban ngành tích cực, chặt chẽ; Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã ký quy chế phối hợp liên ngành với các cơ quan công an, viện KSND, TAND, cơ quan quản lý đất đai, xây dựng, trại giam..., từ đó tăng cường hiệu quả từng khâu, từng bước trong hoạt động thi hành án dân sự.
Cụ thể, khi tiếp nhận bàn giao năm 1993, hệ thống thi hành án dân sự TP.HCM có 18 đơn vị cấp huyện và Phòng Thi hành án Thành phố, tiếp nhận giải quyết trên 30.000 việc với số tiền gần 50 tỉ đồng.
Sau 30 năm, đến 31.7.2023, các cơ quan thi hành án dân sự TP.HCM thụ lý trên 93.588 việc, với số tiền trên 138.000 tỉ đồng, và đã giải quyết xong hơn 40.000 việc, với số tiền trên 36.000 tỉ đồng.
"Đặc biệt đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM thường xuyên chỉ đạo chấp hành viên, tổ chấp hành viên tập trung tổ chức thi hành và hằng tháng đều báo cáo Tổng cục Thi hành án dân sự tiến độ tổ chức thi hành về tiền và tài sản theo quy định", Cục trưởng Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh.
Bình luận (0)