Cục trưởng Cục Trẻ em nói về những lỗ hổng từ vụ Mái ấm Hoa Hồng

Thu Hằng
Thu Hằng
05/09/2024 15:52 GMT+7

'Chúng tôi lấy làm tiếc, hệ thống giám sát camera lại không được thực hiện tại cơ sở Hoa Hồng. Quy định hiện nay việc lắp đặt camera tại các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ là không bắt buộc', Cục trưởng Cục Trẻ em bày tỏ, đồng thời chỉ ra 'lỗ hổng lớn nhất' từ vụ việc xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng là lỗ hổng về nhân lực bảo vệ trẻ em cấp xã.

Hôm nay 5.9, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), đã thông tin với báo chí về tình hình phòng, chống xâm hại trẻ em và vụ việc xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng (TP.HCM).

Cục trưởng Cục Trẻ em nói về những lỗ hổng từ vụ Mái ấm Hoa Hồng- Ảnh 1.

Cơ quan chức năng kiểm tra Mái ấm Hoa Hồng

ẢNH: T.N

Cục trưởng Cục Trẻ em cảm ơn các phóng viên Báo Thanh Niên đã có công sức nắm tình hình, điều tra vụ việc bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng, phản ánh cho công luận, cơ quan chức năng để kịp thời can thiệp vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội về tình trạng bạo lực trẻ em, đặc biệt là trẻ ở độ tuổi sơ sinh tại một cơ sở trợ giúp xã hội.

Theo ông Đặng Hoa Nam, những hành động này không bao giờ được phép xảy ra trong một cơ sở có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, đặc biệt là nuôi dưỡng các cháu nhỏ. Tuy nhiên, sự việc đáng tiếc đã xảy ra, dù cơ sở này từng được cơ quan chức năng trên địa bàn kiểm tra trước đó.

Ông Nam cho hay, ngày 4.9, Bộ LĐ-TB-XH đã nhận được báo cáo nhanh của Sở LĐ-TB-XH, các văn bản chỉ đạo của UBND TP.HCM về việc vào cuộc xác minh, xử lý vụ việc, cũng như việc chăm sóc hỗ trợ các cháu bé là nạn nhân.

"Sở LĐ-TB-XH cũng đã tổ chức đoàn xuống kiểm tra về điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng và tuân thủ các quy định pháp luật tại Mái ấm Hoa Hồng. Các cháu bé tại cơ sở này đã được đưa đến các cơ sở trợ giúp xã hội công lập. Đến giờ phút này chúng ta có thể yên tâm các cháu bé đã được chăm sóc tại các cơ sở an toàn, trong môi trường chăm sóc tốt", ông Nam thông tin.

Ông Nam cho biết, Bộ LĐ-TB-XH đã đề nghị TP.HCM phải thiết lập cơ chế điều phối chuyển tuyến. Đối với các trường hợp cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng quá tải phải có đầu mối điều phối là Sở LĐ-TB-XH hoặc trung tâm công tác xã hội để điều phối sang các cơ sở khác. Việc tập trung quá đông, không chuyển tuyến phải được phòng ngừa, thực hiện từ xa.

[VIDEO ĐIỀU TRA] Bóng tối trong mái ấm tình thương: Chặn đứng tội ác

Bổ sung các quy định về các điều kiện hoạt động của các dịch vụ bảo vệ trẻ em

Để có những giải pháp khắc phục, giảm thiểu tối đa tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra tương tự trong các cơ sở trợ giúp xã hội, Cục trưởng Cục Trẻ em cho hay, việc duy trì thanh tra, kiểm tra rất quan trọng. Trong thanh tra, kiểm tra về công tác xã hội nói chung, cần phải ưu tiên việc thanh tra, kiểm tra việc bảo vệ trẻ em nói chung và thanh tra, kiểm tra về các cơ sở, các dịch vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Cục trưởng Cục Trẻ em nói về những lỗ hổng từ vụ Mái ấm Hoa Hồng- Ảnh 2.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em chia sẻ thông tin với báo chí

ẢNH: THU HẰNG

Đối với các cơ sở chăm sóc trẻ không thu phí, tiếp nhận từ nguồn hỗ trợ từ xã hội, từ các cá nhân hảo tâm, các doanh nghiệp, các tổ chức bên ngoài, trong quá trình thanh tra, kiểm tra cũng phải kiểm tra và xử lý dứt điểm những việc không lập sổ sách, không công khai tài chính về các nguồn lực vật chất được sử dụng cho trẻ, để tránh việc trục lợi, lợi dụng việc chăm sóc trẻ để thu hút các nguồn hỗ trợ từ xã hội.

Bên cạnh trách nhiệm tăng cường giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng và của người đứng đầu, việc sử dụng công nghệ số, sử dụng công nghệ thông tin để có cơ sở dữ liệu phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời những hành vi bạo lực đối với trẻ trong các cơ sở chăm sóc tập trung cũng là việc làm cần thiết.

"Chúng tôi lấy làm tiếc, hệ thống giám sát camera lại không được thực hiện tại cơ sở Hoa Hồng. Quy định hiện nay việc lắp đặt camera tại các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ là không bắt buộc. Để có thể ngăn chặn kịp thời các vụ việc tương tự xảy ra, Cục Trẻ em khuyến nghị các cơ sở này nên lắp đặt camera giám sát. Tới đây, khi sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện hoạt động của các cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em, chúng tôi sẽ nghiên cứu, đề xuất đưa việc lắp đặt camera giám sát thành quy định bắt buộc", ông Nam nói.

Lỗ hổng về nhân lực bảo vệ trẻ em

Theo ông Nam, từ vụ việc này cũng cho thấy, lỗ hổng lớn nhất là lỗ hổng về nhân lực bảo vệ trẻ em cấp xã. Luật Trẻ em có quy định phải bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em là công chức hoặc trong số người hoạt động công chức cấp xã để phát hiện sớm, phòng ngừa và xây dựng các kế hoạch cụ thể cho từng đối tượng trẻ em có nguy cơ hoặc đang bị xâm hại.

Tuy nhiên, vấn đề này hiện nay đang gặp khó khăn. Thanh tra của ngành hoặc thanh tra địa phương các tổ chức chính trị xã hội có chức năng giám sát không thể nào có đủ người, đủ thời gian để giám sát các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại gia đình và cộng đồng cũng như có các cơ sở nuôi dưỡng tập trung. Công tác bảo vệ trẻ em phần lớn là giao cho công chức LĐ-TB-XH, người vốn đã làm rất nhiều công việc và thường xuyên bị quá tải, với tất cả những lĩnh vực quản lý nhà nước và các hoạt động an sinh xã hội của ngành. Do đó, họ không đủ năng lực và thời gian đáp ứng quy định của luật Trẻ em về bảo vệ chăm sóc trẻ em, cũng như giám sát việc chăm sóc trẻ em.

"Qua vụ việc này rõ ràng cho thấy, chúng ta thiếu một đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp. Theo kinh nghiệm từ các quốc gia, bất luận trẻ em được chăm sóc ở đâu, đều phải có nhân viên công tác xã hội, chăm sóc, kiểm tra thường xuyên. Chúng ta cần phải có đội ngũ nhân viên về công tác xã hội để thực hiện nghiệp vụ chuyên môn về công tác xã hội, giám sát thường xuyên từng đầu trẻ, từng đối tượng được chăm sóc ở trong cộng đồng và trong gia đình, trong các cơ sở thì chúng ta mới phòng ngừa, kéo giảm bạo lực trẻ em", Cục trưởng Cục Trẻ em bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.