Cục trưởng Đường cao tốc: 'Một số đoạn cao tốc chưa thực sự là cao tốc'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
11/07/2023 16:40 GMT+7

Cục trưởng Cục Đường cao tốc Lê Kim Thành cho biết, tới nay cả nước mới có 1.729 km cao tốc trong quy hoạch 9.041 km đến 2050, trong đó một số đoạn cao tốc song chưa thực sự là cao tốc.

Sáng 11.7, Ban Kinh tế T.Ư phối hợp Hội đồng Lý luận T.Ư, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức hội thảo Thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong phát triển một số lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Nêu ý kiến tại hội thảo, ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Bộ GTVT, cho biết, phát triển hạ tầng giao thông là câu chuyện của nhà nước, song đòi hỏi nguồn lực vô cùng lớn. Nếu không tìm kiếm nguồn lực ngoài nhà nước thì khó có thể thành công.

Cục trưởng Đường cao tốc: 'Một số đoạn cao tốc chưa thực sự là cao tốc' - Ảnh 1.

Ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Đường cao tốc cho biết, một số đoạn trong 1.729 km cao tốc hiện có chưa thực sự là cao tốc

NGỌC THẮNG

Ông Thành cho hay, năm 2021 khi phê duyệt quy hoạch hệ thống đường quốc lộ và cao tốc thì tới năm 2050 cả nước sẽ có 9.041 km đường cao tốc.

"Đến tháng 6 vừa qua chúng ta khánh thành được 1.729 km cao tốc. Trong đó một số đoạn cao tốc chưa thực sự là cao tốc, phải nhận định như vậy. Nhưng với tổng lượng như vậy thì đòi hỏi nguồn lực rất lớn", ông Thành nói, cho biết tính sơ bộ riêng giai đoạn 2021 - 2030 đòi hỏi 1 triệu tỉ đồng để đầu tư. 

"Do vậy, không có nguồn lực không thể làm được", ông Thành nói thêm.

Theo Cục trưởng Cục Đường cao tốc thì các nghị quyết Đại hội Đảng từ khóa XI đến nay đều xác định huy động nguồn lực từ hình thức PPP là giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng cần thực hiện.

Đề xuất thu phí đường cao tốc do nhà nước đầu tư còn bỏ ngỏ

"Chúng tôi thường nói: chờ được vạ thì má đã sưng"

Tuy nhiên, ông Thành thông tin, quá trình triển khai các dự án PPP cũng gặp nhiều vướng mắc, khiến tỷ lệ huy động nguồn lực sụt giảm. Ông dẫn chứng, ngành giao thông có 231 dự án PPP song các dự án chủ yếu tập trung trong giai đoạn 2011 - 2015.

Từ 2016 - 2020 chỉ có 3 dự án đầu tư theo PPP được huy động. Từ 2021 khi luật PPP có hiệu lực, chưa thực sự huy động được dự án PPP với giao thông đường bộ.

Nói về nguyên nhân, ông Thành cho rằng, dự án hạ tầng giao thông tổng vốn lớn, thu hồi vốn dài trong khi nguồn thu chủ yếu là các đầu phương tiện. Trong khi đó, quá trình kinh doanh, doanh thu có thể sụt giảm do nhiều yếu tố như tốc độ phát triển kinh tế - xã hội không như dự báo hay việc phát sinh đường song hành trên địa bàn làm giảm doanh thu.

Chủ đầu tư và ngân hàng cho rằng đánh giá dự án đường bộ đầu tư theo phương thức PPP là 1 lĩnh vực chưa hấp dẫn, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thực tiễn nó là như vậy.

Ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Bộ GTVT

Cạnh đó, ông Thành cho rằng, luật PPP ra đời có nhiều cơ chế đột phá trong chia sẻ rủi ro, song vẫn còn nhiều bất cập và rào cản với doanh nghiệp.

"Chúng tôi vẫn thường nói là chờ được vạ thì má đã sưng. Vì sao? Quy định nói là doanh nghiệp có lãi, doanh thu vượt trên 125% thì phải chia sẻ với nhà nước. Ngược lại doanh thu giảm dưới 75% thì được xem xét để áp dụng hình thức chia sẻ từ nhà nước nhưng cũng gắn điều kiện vô cùng khó. Trong khi doanh nghiệp thì cần sự chia sẻ ngay lập tức. Nếu không được bù đắp thì hỏng ngay phương án tài chính", ông Thành nêu.

Đề xuất lập Quỹ PPP từ phí cao tốc nhà nước đầu tư

Ông Thành cũng nêu bất cập tại 54/72 dự án BOT giao thông được triển khai trước khi luật PPP ra đời và Bộ GTVT đang phải giải quyết.

Ông cho biết, 54 dự án đang thu phí hoàn vốn, trong đó đại bộ phận doanh thu đều không đạt. "Chúng tôi thống kê cần xử lý 9 dự án có doanh thu thấp dưới 30% và không có cách gì để kéo dài được", ông Thành nêu.

Cục trưởng Đường cao tốc: 'Một số đoạn cao tốc chưa thực sự là cao tốc' - Ảnh 3.

Ông Lê Kim Thành đề nghị thành lập Quỹ PPP từ nguồn phí thu từ cao tốc do nhà nước đầu tư

NGỌC THẮNG

Theo ông Thành, trong việc xử lý phải có trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền vì đã có hợp đồng với nhau. "Nhà đầu tư đã thực hiện đúng theo quy định của hợp đồng rồi. Chúng ta đang chưa đảm bảo các điều kiện, quyền lợi thì ta phải có nghĩa vụ và trách nhiệm, chứ không phải làm ăn thua lỗ thì mua lại. Đặt vấn đề như vậy không công bằng với các bên", ông Thành nói.

Từ đó, ông Thành kiến nghị cần giải quyết các vướng mắc hiện tại trên nguyên tắc hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro phù hợp hợp đồng đã ký, khôi phục niềm tin, tạo môi tường lành mạnh cho đầu tư PPP.

Về lâu dài, ông Thành cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP làm sao cho rõ ràng, cụ thể, đồng bộ và đặc biệt là khả thi.

Ông cũng kiến nghị cần xem xét thành lập Quỹ đầu tư theo phương thức PPP. Ông cho biết, phía Bộ GTVT trước nay luôn đề xuất có Quỹ PPP vì khi có quỹ thì có cơ chế xử lý ngay các rủi ro chứ không phải chờ đợi các nguồn.

Nguồn tài chính cho quỹ, ông Thành cho biết Chính phủ đang trình Quốc hội thu phí đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư tại luật Đường bộ.

"Chúng tôi đề nghị trích lại 20 - 30% cho để dành cho Quỹ PPP, cho các dự án kết cấu hạ tầng nói chung chứ không chỉ giao thông. Nhà nước chỉ thu lại 70 - 80% sẽ hình thành quỹ phát triển, sẽ kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh", ông Thành nêu kiến nghị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.