Thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM ngày 6-3 cho biết sức khỏe của bệnh nhân Trương Phú Sơn (22 tuổi, quê Thanh Hóa, ngụ tại thị xã Thủ Dầu Một- Bình Dương) đã ổn định sau khi bị nhiễm cúm A/H5N1 và trải qua 13 ngày điều trị ở bệnh viện này
Đây là một thông tin mừng cho y học nước nhà vì bệnh nhân Trương Phú Sơn được khẳng định là nhiễm cúm A/H5N1 ở mức độ nặng tương đương những ca xảy ra vào thời điểm năm 2003. Diễn biến lâm sàng của cúm A/H5N1 cực kỳ nhanh và nặng. Đó cũng là lý do vì sao tỉ lệ tử vong trong số những ca mắc vào năm 2003 và cả một vài năm sau đó đều trên 60%, thậm chí năm 2009 có 5 ca thì cả 5 đều tử vong.
Trong 2 tháng đầu năm nay, cả nước phát hiện 2 ca thì cả hai đều tử vong. Anh Sơn là bệnh nhân thứ ba được phát hiện và theo các bác sĩ điều trị thì bệnh nhân khó lòng qua khỏi nếu không phối hợp thuốc kháng virus sớm cùng điều trị hỗ trợ hồi sức tích cực. Và như vậy, với cúm A/H5N1 vẫn hoàn toàn có thể hóa giải được nếu bên cạnh việc điều trị, chúng ta làm tốt việc tuyên truyền phòng ngừa trong cộng đồng.
Theo các chuyên gia dịch tễ thì cúm A/H5N1 hiện vẫn là bệnh rất dễ lây lan thành dịch, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên cần những giải pháp dự phòng tích cực. Cách phòng tránh hiệu quả nhất đối với bệnh này, PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, khuyến cáo vẫn là vệ sinh cá nhân, vệ sinh trong ăn uống.
Đó là rửa tay với xà phòng, nước sạch trước khi ăn, trước khi chế biến hoặc nấu ăn, sau khi tiếp xúc gia cầm hoặc trứng gia cầm, khi đi vệ sinh; che miệng bằng khăn giấy hoặc bằng tay khi ho, hắt hơi, sau đó rửa tay bằng xà phòng; đeo khẩu trang khi tiếp xúc gia cầm sống và khi giết mổ gia cầm; không sử dụng thịt, sản phẩm từ gia cầm mắc bệnh hoặc chết; chỉ ăn thịt và sản phẩm từ gia cầm đã được kiểm dịch, có nguồn gốc tin cậy; dùng dao, thớt riêng khi thái thịt sống và thịt chín; không ăn thịt chưa chín, trứng sống, trứng lòng đào, tiết canh; rửa vỏ trứng bằng nước sạch trước khi nấu và sau đó rửa tay bằng xà phòng…
Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết người bị cúm A/H5N1 thường có những dấu hiệu như sốt cao đột ngột (trên 380C), đau đầu, đau nhức cơ, ho khan kéo dài, đau họng, tức ngực dữ dội, khó thở, nghe phổi có tiếng ran, tím tái nhanh, mệt mỏi rã rời, tiêu chảy, rối loạn ý thức. Bệnh thường diễn biến rất nhanh gây khó thở, suy hô hấp và dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.
Những khuyến cáo trên đây rất dễ thực hiện đối với mọi người, mọi gia đình và luôn hữu ích trước một căn bệnh nguy hiểm như cúm A/H5N1.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)