Cụm công nghiệp 'hơn 13 năm vẫn nằm trên giấy' lộ nhiều sai phạm

Mạnh Cường
Mạnh Cường
19/03/2024 08:20 GMT+7

Sau khi bị doanh nghiệp tận thu lấy đi cả triệu mét khối đất, dự án cụm công nghiệp Tam Mỹ Tây ở tỉnh Quảng Nam bị bỏ hoang hơn 13 năm nay. Đáng chú ý, dự án này đã lộ diện những sai phạm sau thanh tra.

LẤY CẢ TRIỆU MÉT KHỐI ĐẤT RỒI "CHẠY LÀNG"

Cụm công nghiệp (CCN) Tam Mỹ Tây (đóng tại xã Tam Mỹ Tây, H.Núi Thành) được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt và dự toán kinh phí thực hiện từ năm 2011 trên phần diện tích khoảng 20 ha. Năm 2014, dự án được thông qua quy hoạch chi tiết với tổng kinh phí đầu tư hơn 66 tỉ đồng, do UBND H.Núi Thành làm chủ đầu tư; dự kiến hoàn thành vào năm 2018.

UBND tỉnh Quảng Nam có chủ trương giao cho Công ty TNHH đầu tư Xuân Vượng (Công ty Xuân Vượng) san lấp mặt bằng dự án và được phép tận thu nguồn đất đồi tại đây. Tuy nhiên, sau khi doanh nghiệp (DN) trên ồ ạt tận thu cả triệu mét khối đất bán cho một số dự án khác thì từ năm 2019 bất ngờ dừng san lấp và dự án đành bỏ hoang đến nay.

Cụm công nghiệp 'hơn 13 năm vẫn nằm trên giấy' lộ nhiều sai phạm- Ảnh 1.

Sau hơn 13 năm, CCN Tam Mỹ Tây vẫn chỉ là bãi đất trống

MẠNH CƯỜNG

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, nguyên một quả đồi rộng lớn đã bị đào bới, đục khoét nham nhở. Mặt bằng được san lấp lởm chởm, nhiều phần có đá tảng lớn bị bỏ lại nằm ngổn ngang. Những nơi bị xói lở trở thành hố nước sâu, cây cỏ dại mọc um tùm…

Ông Phan Văn Nỹ (80 tuổi, ở xã Tam Mỹ Tây) cho biết khu vực xây dựng CCN Tam Mỹ Tây vốn là nơi trồng cây keo lá tràm của nhiều hộ dân. Gia đình ông có khoảng 2 ha đất trồng keo đã thu hồi và được bồi thường khi dự án có chủ trương xây dựng. Khi nghe có CCN về, người dân ai cũng vui mừng, phấn khởi. Bởi khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn con em địa phương, nhưng kỳ vọng này đã không trở thành hiện thực. "Sau khi đơn vị san lấp ồ ạt san ủi đồi núi, lấy đất đem đi bán thì DN bất ngờ "chạy làng". Sau nhiều năm, đất dự án CCN thành đất hoang, chẳng có một nhà máy, xí nghiệp nào được xây dựng lên cả", ông Nỹ nói.

Ông Phan Đình Dung, Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây, cho biết hiện nay dự án CCN Tam Mỹ Tây trên địa bàn xã vẫn chưa "tái khởi động". "Khi dự án CCN triển khai, chính quyền và người dân ở đây rất mừng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do khó khăn về kinh phí nên phải dừng dự án. H.Núi Thành đang làm các thủ tục để đầu tư, đồng thời kêu gọi các DN vào đây sản xuất", ông Dung nói.

ĐỀ NGHỊ ĐIỀU TRA DẤU HIỆU TRỐN THUẾ

Tháng 2.2024, Thanh tra tỉnh Quảng Nam đã công bố kết luận thanh tra việc quản lý sử dụng đất, tài nguyên khoáng sản và triển khai thực hiện dự án tại CCN Tam Mỹ Tây. Theo kết luận, đến nay CCN Tam Mỹ Tây chưa đạt được mục đích đề ra, chưa hoàn thiện mặt bằng, khu vực khai thác khoáng sản đất san lấp dư thừa nham nhở, nhiều đồi đá cao chưa được san gạt, nhiều vị trí lồi lõm, không hình thành mặt bằng phục vụ cho CCN.

Cụm công nghiệp 'hơn 13 năm vẫn nằm trên giấy' lộ nhiều sai phạm- Ảnh 2.

Sau thanh tra, dự án CCN Tam Mỹ Tây lộ diện nhiều sai phạm

MẠNH CƯỜNG

Đặc biệt, Công ty Xuân Vượng không kê khai, có dấu hiệu của hành vi trốn thuế TN-MT, phí bảo vệ môi trường với tổng số tiền 1,24 tỉ đồng và còn nợ các khoản thuế TN-MT, phí bảo vệ môi trường, phạt chậm nộp đối với số đã kê khai hơn 1,2 tỉ đồng. Cụ thể, Công ty Xuân Vượng đã khai thác khoảng 1 triệu m3 đất san lấp nhưng chỉ kê khai thuế TN-MT và phí bảo vệ môi trường 600.000 m3 đất. Ngoài ra, so với hợp đồng thi công hạng mục san nền, khối lượng một số thành phần công việc như bóc đất hữu cơ, vận chuyển đất bằng ô tô tự đổ, đào đất san nền bằng máy đào… không đảm bảo cần phải giảm trừ khi quyết toán là hơn 693 triệu đồng (Công ty TNHH đầu tư và công nghệ Nam Thắng nhận thầu thi công).

Thanh tra tỉnh xác định tính chất vụ việc sai phạm của Công ty Xuân Vượng có dấu hiệu của hành vi trốn thuế, phí nên kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo về chuyển thông tin sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với sai phạm có dấu hiệu trốn thuế và phí bảo vệ môi trường của công ty này.

Thanh tra tỉnh cũng đề nghị UBND H.Núi Thành cần nghiêm túc chấn chỉnh rút kinh nghiệm đối với những thiếu sót trong việc phối hợp, rà soát cung cấp thông tin về quy hoạch lâm nghiệp để các quy hoạch bị chồng lấn tồn tại nhiều năm qua tại CCN Tam Mỹ Tây. Đồng thời, khẩn trương tiến hành lập thủ tục quyết toán hoàn thành dự án CCN, hạng mục san nền; có phương án đề xuất, trình cấp có thẩm quyền xem xét để hoàn thiện khối lượng san nền, cải tạo mặt bằng, đầu tư kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh để đưa CCN Tam Mỹ Tây vào hoạt động…

UBND H.Núi Thành cho biết UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép cho Công ty Xuân Vượng tận thu gần 1,5 triệu m3 đất tại dự án CCN Tam Mỹ Tây nhưng DN mới chỉ lấy được khoảng 1 triệu m3. Việc tận thu được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2019 dừng thi công do vướng phải đá. Hiện tỉnh cũng đã thu hồi giấy phép tận thu của công ty trên.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND H.Núi Thành, cho hay đối với CCN Tam Mỹ Tây thì trước đây do không đủ kinh phí nên huyện đã gửi văn bản đề nghị Sở Công thương tỉnh kêu gọi DN theo dạng thu hút đầu tư. Cụ thể, nhà nước cho DN thuê đất thô, còn DN đầu tư hạ tầng xong thì cho các đơn vị khác thuê lại để hoạt động. Tuy nhiên, theo ý kiến từ Bộ Công thương, những dự án nào mà nhà nước đã đầu tư lỡ dở thì không đưa cho DN được, bởi pháp luật chưa có quy định.

"Dự án này trước đây huyện đã làm chủ đầu tư thì vẫn sẽ tiếp tục làm. Nhưng huyện đã có công văn xin chủ trương từ UBND tỉnh chấm dứt giai đoạn từ năm 2016 đến nay (giai đoạn cũ) để tiếp tục làm chủ đầu tư giai đoạn mới. Huyện sẽ bỏ kinh phí ra xây dựng kết cấu hạ tầng CCN, sau đó kêu gọi các nhà đầu tư vào hoạt động, sản xuất", ông Sinh nói.

CCN Tam Mỹ Tây ưu tiên cho các DN vừa và nhỏ với các loại hình công nghiệp như chế biến nông - lâm sản và thực phẩm, công nghiệp nhẹ và hàng tiêu dùng, tiểu thủ công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng... CCN này được kỳ vọng là "cú hích" lớn cho sự phát triển không chỉ của xã Tam Mỹ Tây mà còn các xã vùng tây, tây nam của H.Núi Thành, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Tuy nhiên, sau hơn 13 năm có chủ trương, đến nay dự án này vẫn "nằm trên giấy".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.