Nhà máy lọc dầu Dung Quất vào buổi sáng |
Sáng tạo để vượt khó
Cụm công trình “Các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ tối ưu hóa quá trình sản xuất của Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của Công ty CP lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR)” là 16 giải pháp, công trình được thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2019, giai đoạn mà NMLD Dung Quất đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Đó là nguy cơ không đủ nguyên liệu dầu thô cho hoạt động, do nguồn dầu thô Bạch Hổ ngày càng suy giảm về sản lượng và chất lượng. Trong khi đó, giá dầu và sản phẩm biến động mạnh, liên tục làm hoạt động của NMLD Dung Quất sụt giảm liên tục. Thêm vào đó, diễn biến bất thường của thị trường dầu thô trên thế giới cũng là một bài toán hóc búa đối với BSR trong việc “bắt đáy” giá dầu thô.
Để giải quyết thực trạng trên, BSR đã quyết tâm đẩy mạnh, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất để tối ưu hóa vận hành sản xuất của NMLD Dung Quất.
Trong giai đoạn 2015 - 2019, các công trình nghiên cứu tối ưu hóa được BSR thực hiện trên toàn bộ dây chuyền công nghệ của nhà máy. Theo đó, nghiên cứu tập trung vào các khâu trọng yếu có ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn vận hành, chi phí sản xuất, hiệu quả kinh doanh gồm: nguyên liệu dầu thô đầu vào, sản phẩm, công suất chế biến, điều kiện vận hành và tiêu thụ năng lượng.
Mục tiêu của các công trình nghiên cứu bao gồm: Đa dạng hóa và hợp lý tính chất hóa nguồn nguyên liệu dầu thô để thay thế một phần hoặc thay thế hoàn toàn dầu thô Bạch Hổ, đảm bảo luôn đủ nguyên liệu cho Nhà máy hoạt động ổn định và hiệu quả. Tối ưu hóa, đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm để tạo ra được nhiều chủng loại sản phẩm mới; giảm chi phí vận hành sản xuất nhưng vẫn đảm bảo năng suất và chất lượng sản phẩm, nhằm tăng lợi nhuận chế biến và giảm giá thành sản phẩm.
Ông Đặng Ngọc Đình Điệp, Phó giám đốc NMLD Dung Quất cho biết, các giải pháp tối ưu hóa tập trung nhiều vào những việc xử lý tồn tại kỹ thuật. Vì vậy trong quá trình triển khai sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro tác động xấu đến máy móc, thiết bị vận hành và còn có nhiều khó khăn khác. Thế nên chỉ thật bản lĩnh, nắm rất rõ kỹ thuật, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đội ngũ cán bộ, kỹ sư BSR mới vượt qua mọi thách thức, đạt được những mục tiêu đã đề ra.
ThS Bùi Ngọc Dương đại diện nhóm tác giả nhận Giải thưởng Nhà nước về KHCN |
“Quả ngọt” trong lao động sáng tạo
Cụm công trình “Các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ tối ưu hóa quá trình sản xuất của NMLD Dung Quất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của BSR” đã vinh dự được Chủ tịch nước ký quyết định tặng Giải thưởng Nhà nước về KHCN năm 2022.
Giải thưởng là ghi nhận xứng đáng cho nỗ lực của đội ngũ cán bộ, kỹ sư NMLD Dung Quất. Bởi cụm công trình này đã thực sự nâng cao khả năng chế biến nhiều chủng loại dầu thô mới trong và ngoài nước, góp phần đa dạng hóa nguồn cung, đảm bảo đủ nguyên liệu với giá cạnh tranh cho NMLD Dung Quất. Nghiên cứu này đã sáng tạo ra một giải pháp kỹ thuật công nghệ mới giúp loại bỏ trên 70% các tạp chất kim loại sắt (Fe) và canxi (Ca) trong nguyên liệu dầu thô, góp phần đảm bảo vận hành an toàn, ổn định cho phân xưởng chính Cracking xúc tác (RFCC) và giảm tiêu thụ xúc tác với giá trị trên 10 triệu USD/năm; góp phần nâng công suất phân xưởng xử lý Kerosene (KTU) lên đến 130% so với thiết kế, giúp nhà máy sản xuất thêm 1,02-1,09 triệu thùng nhiên liệu phản lực Jet A1/năm, tương ứng lợi nhuận tăng thêm trên 3 triệu đô la Mỹ/năm.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất lung linh về đêm |
Cụm công trình còn giải quyết được giới hạn kỹ thuật của hệ thống đỉnh tháp chưng cất dầu thô, cho phép nhà máy chế biến được các loại dầu thô ngọt nhẹ nhập khẩu có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, cụm công trình đã phát triển thành công một loại sản phẩm mới là dầu nhiên liệu hàng hải (MFO) theo tiêu chuẩn quốc tế IMO-2020 có chất lượng và giá trị cao (hàm lượng lưu huỳnh nhỏ hơn 0,5%wt). Công suất sản xuất propylene cũng được tăng thêm trên 5.000 tấn propylene/năm, đáp ứng đủ nguyên liệu hóa dầu cho phân xưởng sản xuất hạt nhựa Polypropylene lên 110% công suất, đem lại khoản lợi ích kinh tế ước tính trên 3 triệu đô la Mỹ/năm.
Cụm công trình cũng góp phần làm giảm chỉ số tiêu thụ năng lượng EII của Nhà máy từ mức 118% trong năm 2014 xuống mức 103 - 106% trong các năm 2018, 2019 (theo tính toán, giảm 1% chỉ số EII đã tiết kiệm được khoảng 2,6 triệu đô la Mỹ/năm). Tổng chi phí sản xuất của nhà máy giảm dần từ mức 7,1 đô la Mỹ/thùng dầu trong năm 2014 xuống còn 4,9 đô la Mỹ/thùng dầu trong năm 2019 (tiết kiệm tương ứng khoảng 24 triệu - 43 triệu đô la Mỹ/năm). Tổng hiệu quả kinh tế của cụm công trình tính đến 31.12.2019 là 4.270 tỉ đồng.
Lãnh đạo, nhân viên và người lao động NMLD Dung Quất luôn sáng tạo, nghiên cứu để làm lợi cho nhà máy |
ẢNH: BSR |
Ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch HĐQT BSR cho biết, giai đoạn từ năm 2015 đến hết 2019, các sáng kiến trong cụm 16 công trình đã đem lại lợi ích kinh tế hơn 4.200 tỉ đồng. Những quả ngọt nói trên khẳng định sự lớn mạnh về kinh nghiệm trong công tác vận hành, sự đam mê nghiên cứu áp dụng khoa học vào sản xuất kinh doanh của tập thể người lao động BSR, giúp đơn vị quản lý, vận hành NMLD Dung Quất luôn an toàn, ổn định, tối ưu và hiệu quả.
Bình luận (0)