Cùng bạn trẻ: Vốn sống không tự nhiên mà đến

09/09/2015 05:45 GMT+7

Cách đây chừng một năm, khi đang bù đầu với năm học mới, tôi nhận được thư điện tử của một bạn trẻ người Việt xin làm trợ giảng môn Trung Đông học tại trường ĐH nơi tôi đang làm việc. Em vừa tốt nghiệp tại Hà Lan và rất mong mỏi được hiểu biết thêm về đạo Hồi.

Cách đây chừng một năm, khi đang bù đầu với năm học mới, tôi nhận được thư điện tử của một bạn trẻ người Việt xin làm trợ giảng môn Trung Đông học tại trường ĐH nơi tôi đang làm việc. Em vừa tốt nghiệp tại Hà Lan và rất mong mỏi được hiểu biết thêm về đạo Hồi.

Lý lịch của em trông rất chuyên nghiệp, dày đặc các kinh nghiệm làm việc và kỹ năng tổ chức. Tiếc rằng môn Trung Đông học mới được bắt đầu, trường tôi lại đang trong thời điểm tái tổ chức cơ cấu, tôi hoàn toàn không thể chắc chắn 100% sẽ ký hợp đồng được với em. Vậy nên tôi lịch sự viết thư cảm ơn và từ chối, không giấu giếm lý do là môn học vừa mới thành lập, đang trong thời gian chạy thử nghiệm nên rất thiếu kinh phí.
Em lập tức viết thư trả lời, nói rằng em sẵn sàng làm công việc trợ giảng không công, chỉ với mục đích được học hỏi kinh nghiệm. Em muốn biết cuộc sống thực sự của một giảng viên đại học, muốn thử sức mình ở một tầm cao hơn, muốn vượt ra khỏi cái ranh giới yên ổn để xem mình cứng cáp đến đâu. Tôi mềm lòng, nghĩ bạn trẻ này đã sẵn sàng chấp nhận trường hợp xấu nhất có thể. Nghĩ đến đống công việc chất cao như núi, tôi gật đầu.
Em kiên nhẫn đi theo tôi suốt các tiết học dài đằng đẵng, kể cả khi có lớp chỉ nhắc lại bài học đã từng dạy ở lớp khác. Mới đầu còn dè dặt, sau tôi tin tưởng giao cho em viết tóm lược sách, tổng kết bài giảng, và tổ chức các buổi thảo luận. Có hôm đã quá 12 giờ đêm, em vẫn đạp xe qua nhà tôi lấy bài kiểm tra về chấm. Tôi vốn hay bị cuốn vào guồng quay công việc, mấy ngày đầu còn nhớ cùng em xuống căng tin ăn trưa và ăn tối, sau miết rồi khi nào tôi quên ăn là tôi cũng quên cho em thời gian để ăn luôn. Cậu bé gầy tong luôn vui vẻ hoàn thành công việc, có lần làm xong còn kịp chạy xuống mua đồ ăn cho tôi, miệng giục: "Chị ăn nhanh đi còn vào lớp".
Cuối năm, em chia sẻ với tôi ý định xin học bổng thạc sĩ ở ĐH Yale - một trong những trường danh giá nhất nước Mỹ, theo một ngành học mà em rất yêu thích nhưng chưa bao giờ có dịp thành hiện thực. Hồi thi ĐH ở VN, ba má em kiên quyết bắt học sư phạm, đến sáng ngày đi thi còn không biết rẽ ngả nào. Tôi đồng ý giúp em viết thư giới thiệu, thực lòng mong muốn chàng trai đầy nhiệt huyết này có thể chạm tới ước mơ của mình. Bởi tôi thấy ở em một hình ảnh khác với những bạn trẻ tôi thỉnh thoảng vẫn gặp ở VN, cắm đầu vào để học cả những-điều-không-biết-để-làm-gì, cố kiết thi bằng được vào một trường ĐH bất-kể-ngành-gì, rồi thu gom tiền bạc để có thể thi đỗ công chức trong một công việc bất kể mình có yêu thích hay không, miễn là nhàn, sau này có... lương hưu thì càng tốt.
Tôi kể câu chuyện để chia sẻ với các bạn trẻ ở VN một kinh nghiệm, một lối đi vào đời vốn rất bình thường ở phương Tây nhưng còn quá hiếm hoi ở VN. Đó là khi những người trẻ tuổi hiểu rằng vốn sống không tự dưng mà đến, đôi khi phải sẵn sàng chấp nhận làm việc không công thu nhặt kinh nghiệm. Đó là khi những người trẻ tuổi thoát ra khỏi guồng quay đi học-đi thi-đi làm và kiến tạo một con đường khác cho mình, đặt mục tiêu cho những điều mình thực sự khát khao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.