Cùng… bay về tâm dịch - Những tản văn trong vòng vây Coronavurrus (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2020) là cuốn sách tập hợp 52 bài viết của nhiều tác giả, xoay quanh câu chuyện “Chồng Việt ngược bão Covid-19 sang Italia với vợ” (như tựa đề bài viết của nhà báo Nga Phạm đăng trên Vnexpress).
Bạn đọc sẽ được “nghe” kể lại hành trình 33 tiếng đồng hồ từ Việt Nam sang Milano - Ý của nhà văn Trương Văn Dân, để cùng sát cánh bên người vợ yêu quý - nhà văn Elena Pucillo Truong trong những ngày nước Ý là tâm dịch Covid-19 đầu tiên của châu Âu, tháng 3.2020. Hành trình ấy được nhà văn Trương Văn Dân kể lại không thiếu những hồi hộp, lo âu, thậm chí ly kì, với tâm thế là một nhân vật chính, khi tác giả đã trải qua và chứng kiến những sự việc “có một không hai”, những trải nghiệm mà ở thế kỷ này chúng ta chưa từng hình dung đến. “… Không hiểu bằng cách nào mà sau đó suốt cuộc hành trình, trên cả hai chuyến bay từ Sài Gòn về Doha và từ Doha về Roma, tổng cộng gần 15 giờ mà tôi đã có thể ngồi yên và không vào toa-lét”, cuộc hành trình mà bạn bè của nhà văn từ Việt Nam đến cả các nước khác trên thế giới như Ý, Úc, Pháp, Đức… trông ngóng theo. Và xen vào đó là những cảm xúc, tâm trạng, những triết lý mà nhà văn không ngừng suy tư về cuộc đại dịch: “Virus đến, và họ rụng như lá mùa thu. Rơi, mà không tên, không quá khứ hay có câu chuyện nào về đời họ”. “Ô nhiễm. Loài người đang sản xuất và tiêu thụ vô tội vạ. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Friedrich Nietzsche có lúc đã chán chường: “Trái đất có một làn da và làn da này đang nhiễm bệnh. Một trong những căn bệnh đó là con người”…
Cùng theo sát hành trình của chồng, nhà văn Elena Pucillo Truong cũng có bài viết cảm động - bức thư Cuộc chạy đua với thời gian (Nguyên tác tiếng Ý: Correre contro il tempo) được Trương Văn Dân dịch (đăng trên Thanh Niên Online ngày 19.3.2020), kể về tâm trạng của chị khi kẹt lại nước Ý chưa thể bay về Việt Nam như dự định. Bài viết ghi lại những lo buồn khắc khoải của người vợ trong sự xa cách muôn trùng do dịch bệnh gây ra bất ngờ, nhưng trên hết vẫn là niềm hy vọng ở cuộc đoàn tụ - chiến thắng của tình yêu và sự quả cảm trước “một con virus bé tí” mà mang theo những hệ quả khủng khiếp với thế giới.
Cuốn sách Cùng… bay về tâm dịch còn tập hợp những bài báo, bài phỏng vấn, những bài thơ hay những dòng trạng thái trên Facebook… của nhiều nhà văn, nhà thơ, những người bạn của cặp đôi vợ chồng Việt - Ý Trương Văn Dân - Elena như một sự chia sẻ với câu chuyện tình “ngược dòng về tâm dịch” của họ; và qua đó cũng bày tỏ quan điểm, cách nhìn nhận sâu sắc về đại dịch, về quá khứ, hiện tại, tương lai của thế giới. Các nhà văn, nhà thơ, nhà báo… như: Nguyên Cẩn, Hoàng Kim Oanh, Dạ Ngân, Nam Thi, Đặng Châu Long, Bích Ngân, Dung Thị Vân, Nguyễn Thị Liên Tâm, Hà Thanh Vân, Phạm Xuân Nguyên, Tiểu Quyên… có mặt trong cuốn sách này đã mang đến cho bạn đọc nhiều cảm xúc, suy nghĩ khi nhìn vào câu chuyện tình đẹp trong vùng “tâm dịch”, để thấy tỏa sáng trên những nỗi buồn khổ, chia ly, đau thương mà đại dịch Covid-19 gây ra vẫn là tình người, tình yêu và niềm hy vọng.
Trong Lời ngỏ của cuốn sách, nhà văn Trương Văn Dân cho biết, đây là “một tập hợp các bài viết để tri ân, được sắp xếp theo thứ tự thời gian, và hoàn toàn không có biên tập hay sắp xếp chủ quan theo một trình tự nào”, nên Cùng… bay về tâm dịch cũng giống như một cuốn nhật ký chân thực, mang tính ký sự, là mảng hiện thực “nóng” được bạn đọc đặc biệt quan tâm.
Cùng… bay về tâm dịch không chỉ là cuốn sách của tình yêu, tình bạn, tình người, hay câu chuyện văn chương, đó còn là tư liệu quý mà chúng ta, những người sống trong một phần tư đầu thế kỷ 21 này cần biết đến, để từ đó tiếp tục có thêm năng lượng sống, vượt qua đại dịch Covid-19 trong một tương lai gần. Bởi chúng ta cũng tìm thấy trong đó những triết lý nhân sinh sâu xa mà một nhà văn - TS Hóa học đưa ra, nhận định. “Đứng trước thảm họa, chúng ta nên tạ lỗi với thiên nhiên”, “Loài người phải là lính canh để bảo vệ môi trường", và "Cùng đoàn kết thì chúng ta sẽ dễ vượt qua khó khăn hơn là chia rẽ. Nếu trước đây chưa làm thì hôm nay con cCoronavirus sẽ buộc ta phải làm. Chúng ta không còn thời gian để trì hoãn nữa”… những thông điệp ấy, trong bài viết Chính chúng ta là lịch sử của nhà văn Trương Văn Dân mang đến cho bạn đọc hiện đại ngày nay ý thức về một trách nhiệm mới to lớn và quan trọng: Mỗi người chúng ta hãy làm gì đó tốt đẹp, có ý nghĩa để góp phần chiến thắng đại dịch này, trong đó có cả lối sống biết yêu thương, chia sẻ.
Bình luận (0)