Đó là bình luận phổ biến của cộng đồng mạng liên quan đến quy định về việc bắt buộc người dùng phải cung cấp thông tin cá nhân (TTCN) thật trên mạng internet tại dự thảo “Nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và nội dung thông tin trên mạng” của Bộ Thông tin - Truyền thông.
Dễ cho cơ quan quản lý
|
Điều này được nhắc đi nhắc lại khá nhiều lần trong dự thảo. Cụ thể, tại điều 5, quy định về các hành vi bị cấm nêu rõ: nghiêm cấm dùng các TTCN giả mạo để sử dụng các dịch vụ internet. Tại điều 25, quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, DN và cá nhân đối với việc cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng yêu cầu "cá nhân phải đăng ký TTCN khi cung cấp thông tin công cộng và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng theo quy định tại NĐ này và quy định của pháp luật có liên quan. Bộ Công an quy định cụ thể việc đăng ký, quản lý và sử dụng TTCN trên mạng".
Trong khi đó “thông tin công cộng”, theo định nghĩa tại dự thảo NĐ, là thông tin của một tổ chức, DN, cá nhân cung cấp đồng thời cho nhiều đối tượng được tiếp cận thông tin mà không cần xác định trước danh tính khi lưu trữ, truyền đưa qua mạng.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT), cho biết nguyên tắc của quy định này là không được dùng thông tin giả mạo để dùng dịch vụ internet. Không phải dịch vụ nào cũng yêu cầu cung cấp TTCN, nhưng khi có yêu cầu thì không được dùng thông tin giả. Là người sử dụng internet thì có quyền cung cấp thông tin công cộng lên mạng nhưng đồng thời cũng phải có trách nhiệm với những thông tin đó. “Một môi trường mạng có văn hóa là mọi người phải văn minh và đàng hoàng, có nghĩa là anh phải thể hiện anh là ai. Chứ nếu cứ nấp bụi rậm thì làm sao đàng hoàng được. Internet tạo điều kiện cho phát triển chứ không phải để anh lợi dụng những chuyện ngoài đời anh không dám nói rồi anh lên đó nói bậy nói bạ...”, ông Hải nêu quan điểm của mình.
Tài khoản ảo chiếm tỷ lệ lớn Trao đổi với Thanh Niên, ông Hoàng Trọng Hiếu, Phó giám đốc VTC Game nói: “Quy định không khả thi vì người chơi game cũng như người sử dụng internet có tài khoản ảo chiếm tỷ lệ rất lớn, một người sử dụng nhiều tài khoản và chơi nhiều game khác nhau, không thể cấm được. Cơ quan quản lý nên nghiên cứu lại và có những quy định phù hợp hơn với thực tế, nếu không sẽ dẫn đến việc thực hiện không hiệu quả, hoặc quy định mất tác dụng, vừa gây khó cho cơ quan quản lý, cho doanh nghiệp và cho cả người chơi. Q.Thuần |
Bọn tội phạm có thể lợi dụng
Lãnh đạo của một công ty chuyên phát triển các dịch vụ trực tuyến cho rằng việc buộc cá nhân phải đăng ký TTCN khi dùng internet là khiên cưỡng. “Thông thường đối với các mạng xã hội (MXH), việc cung cấp thông tin là quyền của người sử dụng. Họ có quyền cung cấp thông tin thực, nhưng cũng có quyền đưa thông tin ẩn danh, vì thế mới có khái niệm nickname. Hơn nữa, việc đưa thông tin thật lên mạng khá nguy hiểm. Nhiều bài viết về bảo mật gần đây còn khuyến cáo người dùng càng đưa ít thông tin thật lên mạng càng tốt. Khi mà chưa chắc chắn các trang thông tin điện tử được bảo mật 100%, thì việc cung cấp TTCN rất nguy hiểm...”, ông này nói. Một ví dụ cụ thể được vị này đưa ra là căn cứ vào các thông tin đưa lên mạng, bọn tội phạm có thể nắm được ai đi công tác xa nhà và căn cứ vào TTCN của người đó, bọn chúng có thể biết được nơi ở của nạn nhân và tiến hành các hành động phạm pháp…
Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Bộ phận an ninh mạng của Bkav, phân tích quy định này nếu không có các biện pháp kỹ thuật đi kèm sẽ hoàn toàn không khả thi. Bởi vì lý do bảo mật cũng như quyền ẩn danh, nhiều cư dân mạng không muốn cung cấp TTCN của mình. Nếu bắt buộc sẽ khó thực hiện vì họ vẫn đưa các thông tin không kiểm chứng được. Quy định này, cơ quan quản lý có vẻ dễ dàng hơn khi nhắm đến việc ngăn chặn đưa các thông tin nặc danh có tính chất tiêu cực lên mạng, nhưng ngược lại việc công bố TTCN có thể dẫn đến nhiều nguy cơ cho người sử dụng như tin nhắn rác, bị đe dọa...
Quyền và nhu cầu bảo mật
Theo ông Nguyễn Hồng Trường, Giám đốc phát triển kinh doanh và công nghệ của IDG Ventures Vietnam, việc công khai danh tính của cá nhân khi dùng các dịch vụ trên internet phụ thuộc vào việc dịch vụ đó có yêu cầu phải công khai TTCN hay không, vì khi sử dụng internet người dùng có quyền và nhu cầu bảo mật TTCN của mình, miễn là việc đó không tạo ra thiệt hại cho xã hội.
|
“Có hai tầng công khai TTCN, tầng thứ nhất là công khai đối với nhà cung cấp dịch vụ, và tầng thứ hai là công khai đối với công chúng. Việc này cũng giống như một tác giả gửi truyện ngắn đăng trên một tờ báo hoàn toàn có thể sử dụng bút danh trên mặt báo, nhưng đối với tòa báo thì họ phải cung cấp TTCN chính xác để lấy nhuận bút. Các quy định pháp luật cần đảm bảo vừa bảo vệ được quyền bảo mật TTCN, vừa đảm bảo việc cung cấp thông tin thật đối với nhà cung cấp dịch vụ để tránh rủi ro đạo đức”, ông Trường nói.
Trong khi đó, quản trị của một diễn đàn, anh Hoàng Kiệt, nói thẳng đây là điều không thể thực hiện được nếu thiếu sự phối hợp của cơ quan chức năng với các nhà quản lý MXH. “Làm sao chúng tôi có thể kiểm tra được người khai báo thành viên là tên thật hay giả, dùng số CMND có đúng hay không?”, anh Kiệt đặt vấn đề.
Và anh này đưa ra giải pháp... cũng không kém phần nguy hiểm là “cơ quan thẩm quyền cần có một hệ thống cơ sở dữ liệu cho các trang MXH được quyền kết nối vào đó, để từ đó kiểm tra mọi thông tin có chính xác hay không từ hệ thống dữ liệu CMND mà cơ quan công an có”.
Quyền lướt web nặc danh Cách đây gần 4 năm, sau vụ nữ diễn viên Choi Jin-sil tự sát vì áp lực từ những lời đồn ác ý và chỉ trích nặc danh trên internet, chính phủ Hàn Quốc ra quy định người dùng internet trên các diễn đàn hoặc website phổ biến phải đăng ký tên thật và TTCN. Việ̣c này đã bị chỉ trích gay gắt, gây ra nhiều phiền toái, ảnh hưởng đến kinh tế mạng, vốn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước này, theo tờ Korea Times. Đến tháng 8.2011, dư luận càng gây sức ép lên chính quyền sau vụ tấn công khiến khoảng 35 triệu cư dân mạng Hàn Quốc bị lộ TTCN. Do đó, chính quyền phải nhượng bộ và thông báo sẽ bãi bỏ quy định nói trên vào năm 2014. Tại Mỹ, Tòa tối cao đã đưa ra căn cứ về hiến pháp để bảo vệ quyền được lướt web một cách nặc danh của cư dân mạng, theo tờ The New York Times. Ngoài ra, Anh, Nhật Bản và các lãnh thổ như Đài Loan, Hồng Kông cũng không áp dụng chính sách khai tên thật trên internet. H.G |
Trường Sơn
Bình luận (0)