Cung - cầu vốn, vì sao chưa gặp nhau ?

16/03/2024 06:23 GMT+7

Ngân hàng muốn cho vay, doanh nghiệp khát vốn, Chính phủ, chính quyền địa phương, các hiệp hội ngành nghề thì ra sức bắc cầu, kết nối nhưng hai bên vẫn chưa thể gặp nhau.

Đáng nói, nghịch lý này tồn tại suốt từ cuối năm ngoái đến nay vẫn chưa thể giải quyết dù tất cả các bên đều rất nỗ lực. Vậy nút thắt ở đâu? Điều gì đang cản trở dòng vốn chảy tới người dân, doanh nghiệp (DN)? Tại sao ngân hàng (NH) nói lãi vay đã giảm mà các DN lại kêu họ vẫn đang phải chịu lãi cao? Tại sao nhà băng đi tìm khách nhưng DN lại phản ánh tiếp cận vốn khó? Tại sao kinh tế đang cần tăng trưởng mà tín dụng 2 tháng đầu năm lại âm? Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra và về cơ bản đều có câu trả lời nhưng có lẽ đáp án không dành cho số đông nên chưa thể tháo các nút thắt vốn như mong muốn của tất cả các bên. Chẳng hạn như lãi vay, NH nói đã giảm, có DN còn được vay với lãi suất thấp hơn lãi suất huy động. Thông tin này là chính xác, cũng đã có DN xác nhận. Tuy nhiên, số này thực tế rất ít còn đa số cá nhân, tổ chức vẫn phải gánh lãi cao. Nên giảm lãi vay là phải giảm trên diện rộng, giảm chung chứ lấy thiểu số để áp cho đa số thì vấn đề sẽ không được giải quyết triệt để. Tương tự, NH đương nhiên muốn cho vay vì đây là hoạt động kinh doanh chính của họ. Thế nhưng NH cũng sợ nợ xấu, sợ mất vốn nên đưa ra rất nhiều điều kiện mà trong bối cảnh hiện nay, cộng đồng DN rất khó đáp ứng... Bài toán vốn rơi vào bế tắc, 2 bên không gặp nhau cũng vì thế.

Ai cũng có lý lẽ của mình nhưng nếu cứ thế này thì nghịch lý thừa tiền thiếu vốn có nguy cơ trở thành căn bệnh mãn tính. Vì thế, vẫn phải có một bên có giải pháp đột phá. Đột phá ở đây cũng không phải là cần hạ chuẩn hay chịu thiệt thòi gì cả. Về lãi suất, rõ ràng lãi suất tiết kiệm đã hạ rất thấp nên lãi vay đầu vào còn đứng ở mức 10% trở lên là không thể chấp nhận được mà phải giảm hơn nữa. Quan trọng hơn, việc giảm lãi vay như nói trên, cần trên diện rộng thay vì một vài trường hợp cá biệt. Liên quan đến vấn đề này, từ ngày 1.4, theo yêu cầu của Chính phủ, các NH sẽ phải công bố lãi vay bình quân, chênh lệch đầu vào đầu ra... Hy vọng rằng việc này sẽ giúp minh bạch thị trường lãi suất thay vì "ông nói gà, bà nói vịt" như hiện nay. Về tiếp cận vốn, thay vì yêu cầu DN phải có lãi vài năm thì các nhà băng có thể xem xét đến tính khả thi của dự án cũng như khả năng trả nợ của khách hàng... Đó chỉ là một vài đề xuất không mới và hoàn toàn trong khả năng của các NH.

Cũng phải nói thêm, giải bài toán vốn cho nền kinh tế hiện nay không chỉ một mình hệ thống NH có thể quyết hết được mà cần sự tham gia của nhiều bên. Đơn cử như bất động sản, muốn vay vốn thì pháp lý dự án phải đầy đủ. Nhưng trên thị trường hiện có tới 70% dự án vướng pháp lý. Vậy thì muốn NH cho vay thì phải gỡ được thủ tục đầu tiên này. Tương tự, vốn NH cũng không thể "kham" hết nhu cầu của nền kinh tế nên phải nỗ lực khơi thông thị trường trái phiếu DN, gia tăng các chính sách tài khóa hỗ trợ...

Cần sự nỗ lực, đồng bộ của tất cả chứ chỉ một hay hai bên thì vẫn chưa đủ để giải bài toán thừa tiền thiếu vốn dai dẳng này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.