|
Ngoài ra, Ngân hàng có cơ cấu vốn huy động dịch chuyển tích cực với tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) gia tăng tích cực, chi phí hoạt động và hiệu quả vận hành tiếp tục cải thiện với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm mạnh và ở nhóm tốt nhất thị trường. Không những thế, dịch vụ cùng với cơ cấu thu phi tín dụng tiếp tục tăng trưởng mạnh, các chỉ tiêu an toàn được củng cố và tạo không gian tăng trưởng lớn cho giai đoạn tiếp theo.
Tối ưu hóa bảng cân đối
Cuối 2020, tổng tài sản VPBank đạt hơn 419 nghìn tỉ đồng, tăng trưởng 11,1% so với cuối năm 2019. Tại 31.12.2020, tổng dư nợ cho vay khách hàng hợp nhất đạt hơn 320 nghìn tỉ đồng, tăng trưởng 19%; trong đó ngân hàng riêng lẻ tăng 21,8%. Tổng huy động khách hàng và phát hành giấy tờ có giá hợp nhất đạt hơn 296 nghìn tỉ đồng, tăng trưởng 9,1% so với cùng kỳ 2019. Tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR) tại ngân hàng riêng lẻ được cân đối ở 73,1%, thấp hơn nhiều so với giới hạn 85% NHNN quy định.
|
Với mục tiêu đa dạng hóa nguồn vốn, VPBank đã ký kết thỏa thuận với IFC cho khoản vay 100 triệu USD giúp tăng cường thanh khoản và tối ưu hóa nguồn vốn. AIIB cũng tài trợ gói bổ sung trị giá 100 triệu USD để hỗ trợ VPBank mở rộng tài trợ thương mại và tài trợ vốn lưu động cho các doanh nghiệp Việt Nam, vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19.
Quản trị rủi ro hiệu quả, tiềm năng tăng trưởng lớn
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, công tác quản trị rủi ro của VPBank tiếp tục khẳng định tính hiệu quả. Nợ xấu được kiểm soát tốt,với mức hợp nhất (theo Thông tư 02) vẫn duy trì ở mức dưới 3%, đạt 2,9% tại cuối năm 2020; trong đó tại ngân hàng riêng lẻ lần đầu tiên nợ xấu xuống dưới 2%.
Song song với nỗ lực kiềm chế nợ xấu, năm 2020 VPBank tiếp tục tăng cường chủ động nguồn lực dự phòng. Chi phí dự phòng của cả năm 2020 hợp nhất tăng 15,2% so với năm 2019 (đã loại trừ khoản chi phí dự phòng cho VAMC của năm 2019). Tại ngân hàng riêng lẻ, tăng trưởng chi phí dự phòng đạt 27%.
Các tỷ lệ an toàn của VPBank tiếp tục được duy trì ở mức tốt, tuân thủ quy định của NHNN, trong đó tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được kiểm soát ở mức 28,4%, thấp hơn nhiều so với mức tối đa quy định là 40%. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng hợp nhất đạt trên 11% theo tiêu chuẩn Basel II, cao hơn mức quy định tối thiểu 8%. Các chỉ tiêu này đều đạt tốt hơn nhiều so với các giới hạn quy định của NHNN cho thấy sự thận trọng của VPBank trong hoạt động, mặt khác tạo tiềm năng tiếp tục tăng trưởng lớn cho giai đoạn tiếp theo.
Củng cố hiệu quả kinh doanh, thu nhập ngoài lãi và chiến lược số hóa tiếp tục là động lực
TOI hợp nhất cả năm 2020 của VPBank đạt hơn 39 nghìn tỷ, tăng trưởng 7,4%; trong đó riêng ngân hàng mẹ đạt gần 21 nghìn tỉ, tăng trưởng 18,6%. PBT hợp nhất năm 2020 đạt hơn 13 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 127,5% kế hoạch đề ra đầu năm, tăng trưởng 26,1% so với năm 2019; trong đó, lợi nhuận tại ngân hàng riêng lẻ đóng góp tới 71% vào lợi nhuận hợp nhất. Tại ngân hàng riêng lẻ, chỉ số ROE và ROA vẫn nằm trong nhóm hiệu quả hàng đầu thị trường, lần lượt đạt mức 24,6% và 2,2%.
|
Chiến lược số hóa của VPBank tiếp tục phát huy hiệu quả, giúp tối ưu hóa vận hành, giảm thiểu chi phí, nâng cao trải nghiệm và gia tăng nền tảng khách hàng, từ đó ghi nhận những kết quả ấn tượng trong năm 2020: doanh số giao dịch qua kênh ngân hàng điện tử tăng gấp 2 lần so với 2019.
Việc kiểm soát tối đa chi phí kết hợp với áp dụng số hóa đã giúp chi phí hoạt động hợp nhất được kiểm soát giảm 7,7% so với 2019. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) hợp nhất giảm mạnh còn 29,2% so với 33,9% cuối 2019, ở nhóm tốt nhất trong hệ thống các NHTM Việt Nam.
Bình luận (0)