Củng cố nền tảng xã hội cho quan hệ hữu nghị Việt - Trung

12/12/2023 08:08 GMT+7

Cùng với tăng cường tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam hôm nay (12.12) được kỳ vọng sẽ góp phần củng cố nền tảng xã hội cho quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Vinh Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc - Đông Bắc Á (Ban Đối ngoại T.Ư), Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, nhìn nhận chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Việt Nam diễn ra vào thời điểm quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang ở giai đoạn rất thuận lợi, nhất là từ sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 10.2022. "Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mang tính lịch sử, mở ra một giai đoạn phát triển tương đối tốt cho hiện nay. Một số vấn đề vướng mắc, tồn tại giữa hai nước trong thương mại, đầu tư… được tháo gỡ từng bước và có hiệu quả rõ ràng", ông Quang nói và cho biết không khí thuận lợi còn được duy trì suốt nhiều năm qua khi nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước hai bên liên tục tiếp xúc, gặp gỡ, làm việc với nhau.

Củng cố nền tảng xã hội cho quan hệ hữu nghị Việt - Trung - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc tháng 10.2022

TTXVN

Mang lại lợi ích cho cả hai nước

* Đây là lần thứ 3 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam kể từ khi ông Tập Cận Bình giữ cương vị này từ năm 2013. Điều này cho thấy Việt Nam có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, thưa ông?

- Ông Nguyễn Vinh Quang: Việt Nam có vai trò quan trọng thực sự, không chỉ trong chính sách đối ngoại mà còn cả đối nội của Trung Quốc. Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng: Là nước XHCN do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Trong "CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới" mà Trung Quốc đang hướng tới xây dựng, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh yếu tố quan trọng nhất là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều này người ta cũng tìm thấy khi phân tích nguyên nhân thành công trong mô hình của Việt Nam. Đó chính là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trung Quốc phát triển kinh tế thị trường XHCN. Việt Nam xây dựng kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Về kinh tế, Trung Quốc đang thực hiện sách lược phát triển "vòng tuần hoàn kép", gồm: vòng tuần hoàn trong nước và vòng tuần hoàn quốc tế. Trong đó, khu vực ASEAN là trọng tâm của vòng tuần hoàn quốc tế mà Trung Quốc hướng tới. Trong 10 nước ASEAN thì Việt Nam là nước đang đứng đầu, là thị trường lớn nhất, đối tác lớn nhất của Trung Quốc tại khu vực. Việt Nam còn là cầu nối giữa Trung Quốc với ASEAN. Cho nên, việc Trung Quốc, mà người đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình coi trọng Việt Nam, thị trường Việt Nam là điều có thể khẳng định.

* Trong cuộc gặp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hồi tháng 10 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình khẳng định: "Trung Quốc ủng hộ Việt Nam phát triển lớn mạnh". Điều này mang hàm nghĩa như thế nào?

- Tôi từng nói, Trung Quốc và cá nhân ông Tập Cận Bình cũng muốn một Việt Nam ổn định và phát triển. Vì điều đó có lợi cho Trung Quốc hơn là một Việt Nam không ổn định và nhiều vấn đề. Cho nên, tôi nghĩ rằng người đứng đầu Đảng, Nhà nước Trung Quốc khẳng định "ủng hộ Việt Nam phát triển lớn mạnh; thực hiện thành công công nghiệp hóa - hiện đại hóa để hai nước cùng nhau phát triển" thì tôi nghĩ là ông nói thật lòng. Một "Việt Nam lớn mạnh", "hai nước cùng nhau phát triển" sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước.

Củng cố nền tảng xã hội cho quan hệ hữu nghị Việt - Trung - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Vinh Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc - Đông Bắc Á (Ban Đối ngoại T.Ư), Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Chúng ta nhớ lại là, trong Tuyên bố chung nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 10.2022 và trong Thông cáo báo chí chung nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Trung Quốc tháng 6.2023 đều khẳng định "hai bên nhất trí tích cực thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước". Thực tế thì kết nối chiến lược phát triển là xu thế của thế giới. Vì vậy, không có lý do gì mà hai nước như Việt Nam và Trung Quốc với rất nhiều điểm tương đồng, lại là nước đóng vai trò cốt yếu về kinh tế mà lại không kết nối chiến lược phát triển.

Vì vậy, tôi cho rằng việc Trung Quốc ủng hộ xây dựng một Việt Nam lớn mạnh, hùng cường và việc kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước là những nội dung chắc chắn sẽ được đề cập tới trong chuyến thăm lần này của ông Tập Cận Bình.

Thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển

* Việc kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước mà ông vừa nói tới sẽ được thúc đẩy như thế nào trong chuyến thăm này?

- Tôi kỳ vọng nhất là việc thúc đẩy các dự án mà hai bên có thể hợp tác với nhau để kết nối trong những khuôn khổ đã có.

Ngoài ra, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình chắc chắn sẽ thúc đẩy thuận lợi hơn cho việc hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trung Quốc khẳng định sẽ mở cửa cho thị trường Việt Nam. Ngay cả lĩnh vực công nghệ, chuyển đổi số, phát triển xanh, hay xây dựng cơ sở hạ tầng… chúng ta cũng có thể hy vọng hợp tác để phát triển.

Chẳng hạn như tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, nếu hợp tác được sẽ mang lại nhiều lợi ích. Một tuyến đường như thế sẽ rất thuận lợi cho các sản phẩm thủy hải sản, nông sản của Việt Nam vào Trung Quốc, nhất là ở khu vực phía tây Trung Quốc - nơi không có biển và nhu cầu nông sản, thủy hải sản rất lớn. Ngoài ra, sản phẩm của Việt Nam cũng có thể quá cảnh Trung Quốc để đi đến thị trường khác như châu Âu…

* Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình diễn ra đúng thời điểm hai nước kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (2008 - 2023). Người dân hai nước đang kỳ vọng một "định vị mới", "tầm mức mới" cho quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Kỳ vọng của ông thì thế nào?

- Năm 1999, Việt Nam và Trung Quốc đã xác định phương châm chỉ đạo cho quan hệ hai nước trong thế kỷ 21, gồm 16 chữ: "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai". Sau đó, hai nước xác định mục tiêu phấn đấu cho quan hệ hai nước theo tinh thần "4 tốt": "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".

Tới năm 2008, hai bên nhất trí xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trên cơ sở phương châm và mục tiêu, tinh thần nói trên. Trung Quốc là nước đầu tiên Việt Nam xác lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên trong khu vực Trung Quốc xác lập khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện.

Liệu còn một "tầm mức mới" nào không để xứng tầm với quan hệ hai nước thì rất khó trả lời. Bởi lẽ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện là khuôn khổ cao nhất trong quan hệ cấp nhà nước. Có thể sẽ có những nội hàm mới, định vị mới như nhiều người vẫn nhắc đến, song tôi nghĩ là tên gọi của khuôn khổ quan hệ khó có thể có gì mới hơn nữa.

Điều tôi kỳ vọng nhiều hơn là cùng sự tăng cường tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình góp phần củng cố nền tảng xã hội của quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Cũng phải nói thẳng, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc vẫn còn những tồn tại, chưa thể giải quyết ngay.

Vì vậy, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình chắc chắn sẽ tác động tới môi trường xã hội Việt Nam theo hướng tích cực. Tất nhiên, một chuyến thăm của lãnh đạo không thể giải quyết tất cả các tồn tại. Đây là câu chuyện lâu dài. Tuy vậy, hai bên đã đạt được các cơ chế đối thoại để giải quyết và các chuyến thăm như chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm ngoái, và chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay sẽ một lần nữa thúc đẩy các cơ chế này hiệu quả, thực chất hơn. Việc xử lý thỏa đáng các tồn tại cũng sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước, hòa bình, ổn định của khu vực.

Xin cảm ơn ông!

Hôm nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

Hôm nay (12.12), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân.

Dự kiến, trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; hội kiến Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân sẽ cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và phu nhân giao lưu với các nhân sĩ hữu nghị, thế hệ trẻ Việt Nam - Trung Quốc.

Củng cố nền tảng xã hội cho quan hệ hữu nghị Việt - Trung - Ảnh 4.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.