Trung bình trẻ em Việt sử dụng điện thoại di động vào năm 9 tuổi, sớm hơn 4 tuổi so với trẻ em thế giới - đó là kết quả một khảo sát do Google thực hiện năm 2022. Còn theo một khảo sát vào quý 3 năm 2022 của Cục Trẻ em, trung bình trẻ em Việt sử dụng từ 5 - 7 tiếng/ngày vào mạng xã hội.
Công nghệ và internet rõ ràng sẽ mang lại nhiều lợi ích học tập cho trẻ; tuy nhiên, nếu để trẻ tiếp xúc quá nhiều thì sẽ lợi bất cập hại. Theo bà Phạm Thị Thúy - tiến sĩ Xã hội học, thạc sĩ Tâm lý trị liệu, có khuyến cáo từ các nhà công nghệ rằng trẻ dưới 2 tuổi không nên tiếp xúc với bất cứ thiết bị công nghệ nào. "Còn trẻ từ 2 tuổi đến tiểu học, thời gian lý tưởng để xem điện thoại, iPad là dưới 1 tiếng một ngày, nhưng không quá 30 phút mỗi lần xem", tiến sĩ Thúy cho hay.
"Trong rất nhiều ca mà tôi đã từng tư vấn, phụ huynh than thở là trẻ nói chuyện quá ít với bố mẹ", vị chuyên gia này cho hay, "Đó là trẻ đang mất kết nối với gia đình rồi, chứ chưa nói đến mất kết nối với bạn bè, thầy cô, làng xóm, cộng đồng".
"Học qua mạng là học kiến thức, thông tin; còn học cách giải quyết vấn đề, đối nhân xử thế, học cách làm việc, thì phải qua đời sống thực và tương tác thực. Và các thiết bị công nghệ đang tước đi của trẻ thời gian và những cơ hội trải nghiệm điều đó", tiến sĩ Phạm Thị Thúy nói thêm.
5 lựa chọn đơn giản cho con "xa smartphone"
Để con bớt lệ thuộc vào điện thoại trong ngày hè, không có một giải pháp nào là đồng bộ được cho các gia đình. Theo tiến sĩ Phạm Thị Thúy, mỗi phụ huynh cần cân nhắc những hoàn cảnh thực tế, có thể tích hợp nhiều phương án để mang đến cho con một mùa hè lành mạnh, ý nghĩa.
Dưới đây là 5 lựa chọn đơn giản, ít tốn kém mà các cha mẹ có thể cân nhắc.
Khuyến khích con làm việc nhà
"Cha mẹ có thể dạy trẻ nấu ăn, dạy trẻ dọn dẹp nhà cửa, giặt đồ, phơi đồ, cất đồ… Tùy theo tuổi của trẻ mà cha mẹ có thể giao cho con những công việc phù hợp", tiến sĩ Thúy nêu ý kiến. Theo bà Thúy, đây là cách làm đơn giản đã và đang được rất nhiều bậc phụ huynh áp dụng, vừa rèn cho con kỹ năng sống, vừa giúp con ngắt kết nối hiệu quả với các thiết bị công nghệ.
Đăng ký các khóa học năng khiếu, thể thao
Anh Vũ Thái Hà - CEO Công ty Tư vấn và đào tạo INNMA, đồng thời là chuyên gia đào tạo, cũng là một phụ huynh ở TP.HCM, chia sẻ: "Thực tế thì các hoạt động công cộng không phải ít và không quá khó để tham gia, từ các hoạt động thể chất như bơi lội, rèn luyện võ thuật, học các môn bóng… cho đến học đàn, hoặc hát, học vẽ. Những khóa học này không những "kéo" con cái ra khỏi nhà và màn hình smartphone; mà còn có thể giúp con phát triển thêm những kỹ năng bổ ích".
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy lưu ý thêm rằng phụ huynh cần hiểu về sở thích, năng khiếu của con; và chỉ nên đăng ký các lớp học mà con yêu thích, có hứng thú và năng lực tham gia.
Tìm điểm vui chơi ngoài trời, gần thiên nhiên
Bà Thúy đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các không gian ngoài trời, gần gũi thiên nhiên đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. "Hãy cho con tập thể dục, đi chơi ngoài trời, sẽ lành mạnh và quý giá hơn nhiều so với những hoạt động trong nhà hay những khu vui chơi trong nhà, theo kiểu dùng máy móc thiết bị", bà Thúy nói.
Hiện nay, tại các thành phố lớn, trái với ấn tượng của nhiều người, vẫn có nhiều lựa chọn không gian ngoài trời miễn phí hoặc ít tốn kém mà cha mẹ nào sáng tạo, chủ động thì có thể tìm thấy. "Bố mẹ bỏ công sức một chút thôi, là đã có thể cùng con đến được với thiên nhiên", bà Thúy chia sẻ. Đơn cử, ở Hà Nội có các bờ hồ và công viên với mảng cây xanh mà cả gia đình có thể vui chơi. Còn ở TP.HCM thì có chuyến xe buýt sông - là chuyến đi để lại trải nghiệm sông nước rất tuyệt vời, hay như khu Bình Quới…
Một lựa chọn nữa rất đơn giản khác được nhiều gia đình lựa chọn là đưa con về quê. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Phạm Thị Thúy, hiện nay độ phổ biến của smartphone, máy tính ở các vùng quê đang không kém gì thành thị. "Nếu lựa chọn đưa con về quê, cha mẹ phải chú ý có những hoạt động hào hứng, thú vị, phù hợp để trẻ tham gia (như cho trẻ ra đồng vui chơi, giúp ông bà làm vườn…), đồng thời cần có người quản lý, tránh việc trẻ phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ", tiến sĩ Thúy khuyên.
Đăng ký các chương trình hè
Tiếp theo, một lựa chọn khác mà các bậc phụ huynh có thể cân nhắc là cho con tham gia các chương trình hè, như trại hè hoặc khóa tu mùa hè. Bên cạnh các chương trình trại hè đắt đỏ trong và ngoài nước, vẫn có nhiều lựa chọn ít tốn kém khác, được tổ chức bởi các chùa, khu phố, các đoàn thể hoặc các tổ chức phi chính phủ.
Tuy nhiên, các gia đình nên tìm hiểu kỹ thông tin về chương trình và hết sức cẩn trọng để đảm bảo con có trải nghiệm an toàn và ý nghĩa.
Cùng con đọc sách
Cuối cùng, sách là một lựa chọn "xa smartphone" hiệu quả mà tiến sĩ Phạm Thị Thúy, anh Vũ Thái Hà cùng nhiều bậc cha mẹ khác nhắc đến.
Hiện nay có nhiều đơn vị cho ra mắt những ấn phẩm hấp dẫn, bổ ích, có thể bước đầu dẫn dắt trẻ vào thế giới diệu kỳ của những trang sách. Như cuốn sách tranh 1000 phát minh và khám phá vĩ đại có những tranh minh họa sống động, rực rỡ; đồng thời chứa đựng những thông tin bổ ích, đặc sắc về quá trình tiến hóa của nhân loại, sự sống trên hành tinh.
Khoa học đã đưa ra chứng cứ sinh học thần kinh không thể chối cãi về lợi ích của việc đọc sách lên não bộ trẻ. Những cuốn sách tranh khoa học như trên sẽ mang đến những tác động tích cực đến não bộ và sự phát triển của trẻ: phát triển ngôn ngữ; kích thích trí tưởng tượng; thôi thúc trẻ đặt thêm những câu hỏi về thế giới; trau dồi cho trẻ kỹ năng sinh tồn…
Việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ cần diễn ra thật từ từ, tự nhiên. Chia sẻ từ kinh nghiệm cá nhân, anh Vũ Thái Hà nói: "Trẻ bắt chước cha mẹ và người thân của mình như một phản xạ có tính bản năng. Sẽ là rất tốt nếu như cha mẹ là người có thói quen đọc sách, bởi khi đó tấm gương đã có sẵn rồi, chỉ cần hướng dẫn đôi chút để con cái học theo nữa thôi. Nếu muốn con cái quý mến và tôn trọng điều gì, thì chúng ta phải tạo ra môi trường phù hợp. Nếu ta muốn trẻ đọc sách thì đầu tiên, trong nhà, sách phải là thứ đồ vật quen thuộc, được trân trọng khi sử dụng, và đẹp đẽ khi bài trí. Nếu không như thế thì mọi cố gắng khác đều sẽ không có ích gì"...
Bình luận (0)