“Vì sao mình phải học ngày học đêm để thi đậu vào trường chuyên, để rồi bây giờ lúc nào lên lớp cũng căng thẳng với những bài học quá nặng so với khả năng tiếp thu của mình?...
Minh họa: shutterstock |
“Vì sao mình phải học ngày học đêm để thi đậu vào trường chuyên, để rồi bây giờ lúc nào lên lớp cũng căng thẳng với những bài học quá nặng so với khả năng tiếp thu của mình? Về nhà, dù đã gồng mình lên vẫn không thể giải quyết xong mớ bài tập… Sao mình lại tự làm khổ mình thế này?”
Lời than thở của một học sinh trường chuyên cấp 3 có tiếng ở TP.HCM đã nhận được nhiều đồng cảm và chia sẻ của bạn bè đồng trang lứa. Chỉ hết một học kỳ, nhiều em đã bày tỏ tâm trạng hụt hẫng, mất phương hướng khi không theo nổi chương trình học quá nặng ở cấp 3.
Niềm vui chưa tan, nỗi lo đã ập đến
Trong khi đó, nhiều bậc phụ huynh của lứa học sinh đầu cấp vẫn còn tự hào, ngất ngây hạnh phúc về kết quả thi chuyển cấp của con mình… cho đến khi nhận được kết quả học tập tháng đầu tiên của chúng. Bên cạnh những kết quả học tập tốt, thậm chí xuất sắc, thì cũng có những bảng điểm gây sốc cho những người làm bố mẹ, vốn đặt rất nhiều kỳ vọng vào những đứa con yêu tài giỏi của mình.
Cho đến thời điểm này, họ mới chợt nhận ra những thay đổi ở con em mình. Chúng không còn hồ hởi đến trường như những ngày đầu năm học, thậm chí cáu gắt, cãi bướng, nói ngang… Liên hệ với giáo viên thì mới biết con em mình không tập trung nghe giảng ở lớp, cũng không hoàn thành bài tập về nhà… Những bậc bố mẹ này giật mình nhận ra con em họ đang phải chịu đựng áp lực bài vở ở lớp cũng như ở nhà, và có nguy cơ không theo nổi chương trình học.
Nỗi lo của họ càng tăng hơn trước phản ứng của con trẻ với bảng điểm kém, có đứa khóc suốt nhiều giờ liền, có đứa đổ bệnh, luôn kêu nhức đầu, mất ngủ, biếng ăn, thậm chí suy sụp hẳn…
Cho dù phải chịu rất nhiều áp lực từ công việc, từ cuộc sống, các bậc phụ huynh ngày nay cần phải dành thời gian để giúp con em mình vượt qua áp lực học tập, vì rằng nếu con trẻ bị stress lâu ngày, sẽ ảnh hưởng xấu đến khả năng tiếp thu bài của chúng, đồng thời chúng sẽ rơi vào tâm trạng chán nản, khó hòa nhập với bạn bè, sức khỏe, thể lực cũng bị tác động xấu.
Giúp con lập kế hoạch học tập
Khi con trẻ gặp khó khăn trong học tập, điều quan trọng nhất mà các bậc phụ huynh cần làm là giúp con trẻ sắp xếp lại thời gian biểu hợp lý nhằm đảm bảo đủ thời gian để giải quyết khối lượng bài học, bài tập về nhà, từ đó chủ động với việc học tập thì mới có thể tiếp thu bài vở được tốt hơn.
Bố mẹ cần giúp con sử dụng quỹ thời gian học bài, làm bài một cách thông minh: Cố gắng chia ra học mỗi ngày thay vì dồn đến sát ngày kiểm tra, vì khi bị áp lực thời gian, trí não có thể sẽ bị tê liệt, giảm khả năng tư duy.
Bên cạnh đó, cần dành thời gian để lên kế hoạch hàng tuần, hàng ngày, để mỗi khi đánh dấu hoàn thành phần bài học, bài tập nào đó, trẻ sẽ có được cái cảm giác thỏa mãn khi hoàn tất một công việc cần làm. Cũng đừng quên tầm quan trọng của một góc học tập yên tĩnh, tránh xa tivi, máy chơi game…
Tăng cường thời gian ngủ, chơi thể thao và ăn cơm gia đình
Thay vì những giờ học thêm, hãy khuyến khích trẻ tăng cường thời gian… ngủ. Dưới áp lực bài vở, nhiều học sinh đã cắt giảm giờ ngủ để có thể hoàn thành bài vở. Bên cạnh việc tăng cường giờ ngủ, cần động viên trẻ chơi thể thao để có sức đối phó với stress.
Ngoài ra, những bữa cơm gia đình cũng góp phần giảm nhẹ căng thẳng. Chí ít mỗi tuần trẻ nên ăn cơm cùng gia đình 5 đến 6 lần. Trong bữa cơm, bố mẹ hãy lắng nghe những câu chuyện của trẻ và chia sẻ những suy nghĩ, tâm tư của trẻ.
Một cuộc sống cân bằng nên là mục tiêu của mọi gia đình. Khi trẻ gặp áp lực, bố mẹ cần giúp trẻ lên kế hoạch, xác định việc cần ưu tiên thực hiện, việc có thể để lại sau. Một chút áp lực sẽ là động lực khiến lứa tuổi học sinh cố gắng hơn, nỗ lực hơn, nhưng quá nhiều áp lực sẽ gây tác dụng ngược.
Bình luận (0)