Cung đường của những huyền thoại

Trương Quang Nam
Trương Quang Nam
18/05/2019 06:20 GMT+7

Không ít người đã ngã xuống, máu và xương của các anh hùng liệt sĩ đã thấm đẫm những cung đường để viết lên những huyền tích...

Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng đất nước, Quảng Bình là hậu phương lớn của tiền tuyến lớn, hậu phương trực tiếp của tiền tuyến miền Nam bởi hàng hóa, phương tiện, nhân lực từ miền Bắc chi viện vào đều tập kết tại mảnh đất này để trung chuyển vào chiến trường miền Nam.
Với vai trò, chiến lược quan trọng, Quảng Bình trở thành nơi bị đánh phá khốc liệt. Thế nhưng dưới mưa bom bão đạn, hàng vạn lượt bộ đội, thanh niên xung phong (TNXP) ở tuổi đôi mươi đến từ nhiều miền quê khác nhau vẫn kiên cường chiến đấu, giữ huyết mạch giao thông. Không ít người đã ngã xuống, máu và xương của các anh hùng liệt sĩ đã thấm đẫm những cung đường để viết lên những huyền tích.
Đơn vị C759 làm nhiệm vụ ẢNH: TƯ LIỆU
Đơn vị C759 làm nhiệm vụ ẢNH: TƯ LIỆU
Chúng tôi tìm đến nhà bà Trần Thị Thành ở P.Đồng Sơn, TP.Đồng Hới vào một chiều nắng như đổ lửa. Gặp khách, bà hồ hởi cười chào và không quên “méc” chuyện vừa đi dự kỷ niệm truyền thống 60 năm đường Trường Sơn tại H.Lệ Thủy về. Ở tuổi xưa nay hiếm, người Chính trị viên C759 năm nào vẫn nhớ như in những chi tiết nhỏ nhất của thời “máu 759 có thể đổ nhưng đường 759 không bao giờ tắc”.
Di tích lịch sử - trọng điểm đánh phá Cổng Trời trên đường 12A ẢNH: T.Q.N
Di tích lịch sử - trọng điểm đánh phá Cổng Trời trên đường 12A ẢNH: T.Q.N

Chiến lược đường vượt Trường Sơn

Lịch sử ghi nhận, trong chuyến công tác tại Quảng Bình vào tháng 2.1959, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tính đến những phương án chủ động đảm bảo giao thông vận tải sắp tới; trong đó ý định trước hết là các tuyến đường vượt Trường Sơn. Cấp trên yêu cầu năm 1959 phải khảo sát thiết kế xong tuyến đường 15A đoạn qua Quảng Bình với chiều dài 214 km.
Theo Hội Cựu TNXP VN, tính đến ngày thống nhất đất nước (30.4.1975) có 120.000 người gồm lực lượng công binh, TNXP, dân công hỏa tuyến đã làm nên đường Trường Sơn huyền thoại. Tuyến đường có tổng chiều dài gần 20.000 km đường ô tô, hơn 1.400 km đường ống dẫn xăng dầu, hơn 3.140 km “đường kín” cho xe chạy ban ngày tránh máy bay địch; hệ thống hậu cần đường Trường Sơn đã chuyển hơn 1 triệu tấn hàng, vũ khí vào các chiến trường miền Nam…
Sau khi xem xét trên bản đồ và kiểm tra thực địa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định: “Sau này đường 15A thông xe rồi, địch sẽ khống chế mạnh, ta phải có đường vượt Trường Sơn đi xuống đường 9. Như vậy kẻ địch có nham hiểm đến mấy nữa cũng không thể ngăn cản sự chi viện ngày càng tăng của miền Bắc vào miền Nam”.
Năm 1962, Bộ GTVT thành lập Công trường 12A nhằm khôi phục sửa chữa, nâng cấp đường để phá thế độc tuyến, vượt Trường Sơn (nay là QL12A qua địa bàn H.Minh Hóa, qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo rồi sang Lào).
Năm 1964, sau khi ném bom bắn phá các cửa biển miền Bắc theo sự kiện “vịnh Bắc bộ”, địch phát hiện ở phía tây Quảng Bình có 2 tuyến đường chi viện quan trọng: đường vận chuyển cơ giới qua đường 12A vượt đỉnh Trường Sơn ở đèo Mụ Giạ và đường hành quân vận tải thô sơ bằng gùi, thồ từ làng Ho ở phía tây nam H.Lệ Thủy băng qua Trường Sơn xuống Cù Bai - đường 9. Ngày 18.11.1964, Mỹ cho máy bay trút bom dữ dội xuống miền tây Quảng Bình - vùng có thể coi là mở đầu cuộc đánh phá ngăn chặn chi viện trực tiếp của hậu phương và cũng là ngày quân dân ta đọ súng quyết liệt với địch để bảo vệ đường 12A.
Ngày 15.5.1965, T.Ư Đoàn cho Quảng Bình thành lập 2 đội TNXP chống Mỹ cứu nước với phiên hiệu Đội N73 và Đội N75. N75 có 9 đại đội tăng cường lên cho Công trường 12A. “Lúc đó đa số chúng tôi ở độ tuổi 20, nhiều người mới mười mấy tuổi. Chúng tôi hành quân cả đêm, đến tối hôm sau thì tới nơi. Khi mới lên chưa có chỗ ăn, chỗ ở thì địch tập trung đánh. Cầu La Trọng bị hư, đại đội được huy động ra lấp hố bom, lát đường cho xe qua. Khi mới lên thì rừng còn rậm, đường dốc rất cao, suối sâu bên dưới; vậy mà sau này nó đánh trở thành con đường trọc lóc”, bà Thành nhớ lại.
C759 đảm nhiệm 10 km đường từ Khe Cấy lên Bãi Dinh, cứ 1 km có 1A TNXP chốt giữ. Địch đánh ác liệt, hầu như đoạn đường nào cũng có người hy sinh. Đủ loại bom trút xuống 12A như: bom tấn, bom tạ, bom lân tinh, bom bi… Lúc đầu lán trại ở trong rừng rậm, địch đánh nên phải sơ tán ra trảng cỏ tranh, lại bị đánh, đơn vị phủ chốt ngay tại đồi trọc ven đường. Quyết tâm bám đường của C759 trở thành khẩu hiệu: “Địch đánh rừng già ta ra rừng non. Địch đánh rừng non ta ra đồi trọc”.

Thông đường là số 1

Bà Thành kể trong hàng trăm trận đánh thì trận ngày 3.7.1966 tang thương nhất. Nhiều tốp máy bay địch thay phiên nhau dội bom xuống khu vực núi Y Leng, nơi đây có ngọn đồi cao do các tiểu đội của C759 chốt giữ làm đường, đoạn này có vị trí rất quan trọng nên địch tập trung đánh nhằm cắt đứt huyết mạch. Đất đá sập xuống vùi lấp 4 TNXP.
Nữ TNXP Nguyễn Thị Kim Huế tặng hoa cho Bác Hồ tại Đại hội thi đua các đội TNXP năm 1967 ẢNH: TƯ LIỆU
Nữ TNXP Nguyễn Thị Kim Huế tặng hoa cho Bác Hồ tại Đại hội thi đua các đội TNXP năm 1967 ẢNH: TƯ LIỆU
“Tôi ở ngoài thì nghe điện báo khẩn cấp vào vì đơn vị bị đánh. Dọc đường tôi vào cứ gặp xe chở thương binh ra, tôi nói với đồng đội e là đơn vị tôi chết hết rồi còn đâu. Sau khi kiểm tra lại phát hiện thấy còn thiếu 4 đồng đội. Vậy là chúng tôi bắt đầu bới đất tìm kiếm, lúc đầu dùng xẻng chứ sau phải dùng tay cào vì sợ động đến thi thể. Máy bay đi lại ra cào. Người đầu tiên tìm thấy là Nguyễn Thị Thường, rồi sau tìm thấy Đinh Xuân Thành và Cao Thị Thường. Có người bị vùi chết trong tư thế đang cuốc đường. Còn 1 đồng đội nhưng tìm mãi không thấy trong khi cấp trên báo phải cố gắng thông đường cho xe qua. Chúng tôi đành nuốt nước mắt lấp đường khi biết đồng đội mình đang nằm ở dưới”, nói xong, mắt bà Thành đỏ hoe.
Bà Thành còn mang một nỗi đau lớn khi mất một người đồng đội C759 và chính là em gái ruột của bà: nữ TNXP Trần Thị Thế. Hai chị em bà cùng lên đường với nhau, chỉ có khác ở chỗ em gái của bà lúc đó mới 15 tuổi. Đó là năm 1968, bom đánh trúng hầm trú ẩn tại Ba Trại (một phần C759 được điều động xuống làm ở Ba Trại - đường nấc thang nối đường 1A với 15A) khiến Thế và 2 TNXP là Hoàng Thị Minh Thú và Nguyễn Thị Tình hy sinh.
Đồng đội đến cứu hầm thấy 1 bức thư Thú viết gửi cho mẹ trước đó 6 tiếng đồng hồ; thư có đoạn: “Con đang phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng, dù đổ máu con không tiếc tuổi xuân, hy sinh đến giọt máu cuối cùng. Nếu con chết vì Tổ quốc, xin mẹ hãy tự hào về con”.
Bà Thành còn được đồng đội nể phục bởi sự gan dạ khi xung phong đứng lên quả bom nổ chậm, theo dõi làm hoa tiêu cho đồng đội gạt đường. Thật khó để diễn tả hết công sức và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của những cô gái, chàng trai chỉ tuổi đôi mươi. Tất cả vì lý tưởng, vì độc lập tự do mà tuổi thanh xuân phơi phới ra trận, sống kiên cường chết bám đường, đảm bảo thông tuyến cho ngày toàn thắng thống nhất đất nước. (còn tiếp)
Cuối 1965, C759 thành lập 1 trung đội cảm tử để đảm nhận những nhiệm vụ gian nguy, khó khăn nhất như phá bom nổ chậm, làm cọc tiêu sống cho xe qua nên mỗi lần ra trận đều được làm lễ truy điệu sống. C759 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; đơn vị có bà Nguyễn Thị Kim Huế, nữ TNXP đầu tiên của lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước được phong tặng Anh hùng lao động; liệt sĩ Trần Đức Hè được truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.