Cung đường của những huyền thoại: Bến Đồng Xuân giữa Trường Sơn

Trương Quang Nam
Trương Quang Nam
19/05/2019 10:00 GMT+7

Có thể nói, ở đâu trên đất Quảng Bình cũng gặp di tích lịch sử chiến tranh, nhất là vùng phía tây tỉnh, bởi “tọa độ lửa” dày đặc trên hệ thống đường Trường Sơn nhằm ngăn chặn sức chi viện cho miền Nam.

Nhưng, địch cứ đánh ta cứ đi, đáng khâm phục khi những người giữ huyết mạch giao thông mới mười bảy, hai mươi tuổi và tên của họ trở thành những địa danh.

Bám đường bằng cả trái tim tuổi trẻ

Tại ngã tư Thạch Bàn, đoạn cuối của đường 15A trên đất Quảng Bình tính từ bắc vào, một nhánh rẽ về phía đông H.Lệ Thủy, một nhánh lên phía tây vào dãy Trường Sơn - chính là đường 16. Năm 1956, khi miền Nam bị “khủng bố trắng”, hàng trăm đồng bào dân tộc Vân Kiều ở Quảng Trị đã theo đường mòn này chạy ra lánh nạn. Từ 1958 - 1960, T.Ư cho mở rộng đường này từ Thạch Bàn lên đến làng Ho dài 40 km cho xe cơ giới đi được; còn từ làng Ho đến Cù Bai phải gánh bộ để giữ bí mật. Trên thực tế, từ 1965 - 1968, đường 16 chỉ dùng vận tải thô sơ, vì sát giới tuyến quân sự tạm thời nên càng đảm bảo an toàn bí mật càng phát huy hiệu quả về sau của cuộc kháng chiến.
Là một trong 4 tuyến vượt Trường Sơn trên đất Quảng Bình chi viện cho miền Nam (đường 16, đường 10, đường 20, đường 12), đường 16 còn có ý nghĩa riêng: con đường trực tiếp nối Quảng Bình với Trị - Thiên; là nơi tiếp cận ngắn nhất với vĩ tuyến 17. Khi triển khai làm đường, Ty GTVT huy động 180 công nhân của Công trường 12A bổ sung vào; tiếp đó điều thêm Đội TNXP Quyết Thắng và Đội TNXP Cù Chính Lan (Nghệ An) mở rộng đường từ Vít Thù Lù đến làng Ho, rồi lấn dần vào đồi dốc Khỉ, cho xe cơ giới đi được. Còn từ dốc Khỉ vượt qua đèo 1001 đến bắc sông Xê Băng Hiêng chỉ rộng 1,5 m cho xe thồ. Mở xong đường, T.Ư huy động 4.000 xe đạp thồ của tỉnh Thanh Hóa vào làm nhiệm vụ vận tải trên tuyến. Đường còn có tên gọi là Thống Nhất, sau này tiếp tục được mở rộng, kéo dài để “thọc sâu” vào miền Nam. Chỉ trong thời gian ngắn, tuyến đã vận chuyển hàng nghìn tấn vũ khí, lương thực cho các mặt trận phía trong Trị - Thiên. Phục vụ các chiến dịch đánh bại cuộc hành quân “Lam Sơn 719” đường 9 nam Lào, giải phóng Khe Sanh…
Khi tìm hiểu về con đường này, tôi nghe mọi người nói đến những địa danh như: ngầm ông Te, khe bà Nhạn, dốc bà Cũng; hóa ra, đó là tên của những cán bộ, TNXP làm nhiệm vụ trên tuyến. Ông Te người Hải Dương, đội phó đội cơ giới đóng ở Km 43, nơi có cái ngầm nước suối trong. Đội ông chuyên làm cầu, ngầm, phá bom nổ chậm. Các nữ TNXP truyền tai nhau, ông Te tính tình nóng như lửa. Còn bà Nhạn đại đội phó một đơn vị TNXP Thanh Hóa với nhiều cô gái trẻ, xinh và rất dũng cảm. Đại đội bà Nhạn giữ huyết mạch đoạn có khe nước chảy qua. Bà nổi tiếng vì sống chung với sốt rét, sốt đến nỗi rụng hết tóc, rụng rồi mọc lại. Đau ốm nhưng bà luôn bám trụ, không để tắc đường.
Cung đường của những huyền thoại: Bến Đồng Xuân giữa Trường Sơn1
Đường Hồ Chí Minh nhánh tây qua Quảng Bình
Còn bà Cũng có tên thật là Nguyễn Thị Kim Cũng (quê ở xã Đại Trạch, H.Bố Trạch, Quảng Bình). Năm 1965, theo phong trào “Ba sẵn sàng” bà khăn gói lên đường khi vừa tròn 20 tuổi. Bà thuộc số ít tham gia TNXP cả 3 nhiệm kỳ, bà có mặt ở đường 12A rồi vào tây Lệ Thủy đường 16 từ cuối năm 1968. Bà lý giải vì sao có tên dốc bà Cũng: “Đội của tôi đóng trên một cái dốc cao, muốn lên phải đi mấy chục bậc. Lúc đó, rừng rú hoang vu, nguy hiểm, mỗi khi tôi đi công tác về phải lấy súng ra bắn hiệu để anh em xuống đón. Có lẽ vì thế mà anh em quen gọi là dốc bà Cũng”.
Lần giở lại từng kỷ niệm thời chiến, mọi thứ ùa về như những khoảnh khắc mới ngày hôm qua đối với bà Cũng. Đơn vị bà có 200 nữ, khi thông đường thì cả nhóm nghỉ ngơi ríu rít với nhau đủ thứ chuyện; lúc máy bay đến thả bom, chị em ùa đi nấp trú ẩn, bom nổ xong lại lao ra mặt đường tay cuốc tay xẻng san lấp. Thường làm đường vào buổi tối để tránh bị phát hiện, mò mẫm mà làm, nơi nào khuất lắm mới đốt đuốc. Buổi ngày chị em lại tập trung học văn hóa.
Cung đường của những huyền thoại: Bến Đồng Xuân giữa Trường Sơn2
Nghĩa trang liệt sĩ TNXP Vạn Ninh, nơi yên nghỉ của các liệt sĩ TNXP hy sinh trên hệ thống đường Trường Sơn

Đồng Xuân ngày tang thương

Một chi tiết thú vị nữa, ở Km 45 có địa danh “bến Đồng Xuân” hay còn gọi “chợ Đồng Xuân”. Khu này nằm dưới “dốc bà Cũng”, là một bãi bằng rộng lớn nhưng kín đáo được tập kết rất nhiều hàng hóa để trung chuyển tiếp vào miền trong. Bà Cũng không biết tên gọi đó có từ lúc nào, khi bà vào đó đã nghe đồng đội người miền Bắc, nhất là cánh lái xe gọi như thế. Hàng gồm nhiều loại từ vũ khí, quân trang quân dụng, lương thực thực phẩm. Mỗi lần nhập và phát hàng người vào ra tấp nập, nhộn nhịp cảm giác như đi chợ nên người gọi bến, người gọi chợ. Người đi “chợ” không cần mang tiền, chỉ mang giấy tờ để ký nhận. Nhiều cô gái trẻ hay mong đến “phiên chợ” để vơi bớt nỗi cô quạnh bởi được nghe, được nói chuyện với những chàng lính quê miền Bắc giọng ngọt như mía lại hài hước.
Cung đường của những huyền thoại: Bến Đồng Xuân giữa Trường Sơn4
Bà Cũng đang giới thiệu về những chiến công của TNXP
Khi địch “ngửi hơi” được tuyến chi viện khổng lồ dưới những tán rừng rậm, chúng tấp nập đánh, đánh theo kiểu bủa vây. Trong đó, trận kéo dài từ ngày 1 - 2.5.1970 gây nhiều thương vong nhất. Bắt đầu đánh từ ngoài Bang, máy bay thả bom kéo dài theo trục đường vào sâu trong tuyến. Ngày 2.5.1970, “chợ Đồng Xuân” bị tập kích khiến hàng hóa, kho trạm hư hỏng tan tành. Bà Cũng cho biết, do địa hình nhiều núi cao nên rất khó để phát hiện tiếng và hướng máy bay. Vì thế thương vong quá lớn khi có đến 30 người hy sinh, trong đó có 5 TNXP đại đội 753. Ngớt bom, những người còn sống lao ra cào bới, tìm kiếm tử sĩ. Càng tìm càng nuốt nước mắt uất nghẹn, khâm liệm chôn cất xong lại lao ra san lấp đường cho xe qua.
Những cái chết hóa thành bất tử, tuổi đôi mươi của các anh các chị nằm lại chiến trường để cho đất nước có ngày hòa bình, non sông liền một cõi.

Sân bay đặc biệt

Ít ai biết, tại Quảng Bình, ngoài sân bay Đồng Hới còn có sân bay dã chiến Khe Gát; nay là một đoạn trên đường Hồ Chí Minh qua địa phận xã Xuân Trạch, H.Bố Trạch. Đầu năm 1971, chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào kết thúc toàn thắng, cuộc hành quân Lam Sơn - 719 của địch thất bại. Âm mưu cắt đứt đường Trường Sơn bằng sức mạnh tổng lực để vô hiệu hóa tuyến chi viện chiến lược hoàn toàn phá sản. Tuy nhiên, Mỹ huy động một lượng lớn hải quân và không quân tăng cường đánh phá trở lại miền Bắc, tiến hành chiến tranh phá hoại lần thứ 2 để cắt đứt giao thông huyết mạch, chặn nguồn chi viện cho miền Nam.
Trước tình thế đó, Bộ Tư lệnh quân chủng - binh chủng không quân tuyển chọn 10 phi công MiG-17 của Trung đoàn 923 huấn luyện bay công kích mục tiêu trên biển. Song song đó, sân bay dã chiến Khe Gát được xây dựng bí mật từ tháng 9.1971. Sau gần 7 tháng, sân bay Khe Gát có đường băng bằng đất nện hoàn thành với bề ngang 18 m, dài 1.800 m và được ngụy trang cẩn thận. Ngày 19.4.1972, phi đội 2 chiếc MiG-17 của Lê Xuân Dị và Nguyễn Văn Bảy (B) đã bắn cháy 2 tàu khu trục thuộc Hạm đội 7 của Mỹ tại vùng biển Quảng Bình với tổng thời gian 17 phút khiến địch ngừng bắn phá nhiều tuần lễ và không dám ngang nhiên vào gần bờ biển gây tội ác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.