Đó là so sánh giữa lễ “Khai ấn đền Trần” với lễ “Minh thề” được tổ chức cùng ngày ở hai địa phương khác nhau. Và, ý nghĩa cũng hoàn toàn khác nhau.
Một đằng là lễ “Khai ấn” mà ý nghĩa nguyên thủy chỉ là Vua phát ấn để quan lại làm việc sau khi nghỉ tết, nhưng bây giờ đã được hiểu là “phát quan phát chức phát lộc phát tài”, vì thế hàng chục vạn người nô nức giẫm đạp nhau để “tranh ấn” hay “cướp lộc”. Lễ này vì rất thực... dụng, hứa hẹn mang lại lợi lộc chức tước rõ ràng, nên rất được quan chức, cán bộ hưởng ứng một cách cuồng nhiệt. Nghe nói, ngay tới chức trưởng... thôn cũng được người ta mong “cầu được ước thấy” trong lễ hội. Không hiểu những vị quan chức có trách nhiệm nghĩ thế nào, chứ tôi nghĩ Đức Thánh Trần cũng phải “dở khóc dở cười” vì cái “ý nghĩa đương đại” của lễ “Phát ấn”. Đã có bao nhiêu ý kiến, bao nhiêu bài báo nói và viết về lễ hội kỳ quặc mang ý nghĩa “tâm linh” chạy chức chạy quyền này, nhưng rồi năm nào cũng vậy, lễ “Phát ấn” vẫn cứ diễn ra như thế, năm sau tưng bừng hơn năm trước, giẫm đạp hăng hơn năm trước, còn “hiệu quả” qua từng năm thì chưa thấy ai tổng kết để so sánh năm sau có cao hơn năm trước không.
Trong khi đó, lễ “Minh thề” diễn ra tại khu di tích đình - chùa thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng), một lễ hội mang tính tích cực quá rõ ràng, vì đây là lễ thề chống... tham nhũng, thì sau nhiều năm được phục dựng vẫn chỉ có người làng dự lễ với nhau và... thề với nhau. Hình như quan chức các cấp hơi bị... dị ứng vì lễ hội này, một lễ hội quá thực thà chứ không hề thực dụng, với mục đích duy nhất là răn đe để người ta tránh xa mọi hình thức tham nhũng “biến công vi tư”. Hay mới đầu năm mà nói chuyện chống tham nhũng, lại chống một cách rốt ráo, một cách không khoan nhượng như thế, nên nhiều người ngại? Lại nghe, từ lúc lễ “Minh thề” được công nhận đến nay, có đúng một năm, một vị từng là quan chức huyện về làm chủ lễ và thề không tham nhũng với dân làng. Năm đó, vị đó mất. Từ đó, lễ hội chỉ tổ chức với quy mô cấp làng. Ấy là theo lời của một vị bô lão đã 80 tuổi - người viết sử của làng - kể lại. Thực hư chưa biết thế nào, nhưng nghe cũng dễ “nổi da gà” thật đó. Nên dù dân làng Hòa Liễu thiết tha kính mời, nhưng năm nào lễ “Minh thề” cũng chỉ là một “lễ hội khép kín” với người dự là dân làng Hòa Liễu. Đủ biết, chống tham nhũng là một sự nghiệp khó khăn tới mức nào! “Cùng là lễ hội mà sao khác vời” là ở ý nghĩa mục đích của hai lễ hội này là khác nhau hoàn toàn, thậm chí đối lập nhau. Mà ở đời, người ta chỉ thích “lộc” chứ không thích “độc”, thích thăng quan tiến chức chứ không thích vì lỡ dại thề độc mà... mất mạng.
Bình luận (0)