Mới đây, một bệnh nhân (BN) nam, 36 tuổi, đến khám ở Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu - Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) do bị khó thở. BN có tiền sử khỏe mạnh, gia đình không ai mắc bệnh ác tính. Khoảng 1 tháng trước khi đến khám tại trung tâm, BN xuất hiện khó thở tăng dần kèm theo gầy sút cân, sốt về chiều. Tại BV tuyến dưới, BN được chẩn đoán hạch cổ, hạch ổ bụng, tràn dịch màng phổi (đã hút dịch màng phổi nhiều lần).
Khi đến khám tại trung tâm, BN tỉnh táo nhưng mệt, hạn chế nhiều hoạt động thể lực, thể trạng gầy (cao 1 m 7, nặng 54 kg), có nhiều hạch cổ và nách 2 bên, kích thước lớn nhất 1 x 2 cm/hạch. Qua kết quả khám, xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, BN có chẩn đoán xác định: u lympho ác tính không hodgkin tế bào B lớn lan tỏa, giai đoạn 3B; tràn dịch màng phổi 2 bên; theo dõi ung thư tuyến giáp, viêm gan B.
GS Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu, chia sẻ điều quan trọng đầu tiên phải xác định thật chính xác có đúng là BN bị mắc 2 loại ung thư khác nhau hay không, từ đó xác định chiến lược điều trị phù hợp, an toàn, hiệu quả. Đối với BN nêu trên, sau chẩn đoán chính xác, BN đã được áp dụng phác đồ điều trị u lympho ác tính không hodgkin. Sau 6 chu kỳ điều trị hóa chất kết hợp thuốc điều trị đích, BN đáp ứng điều trị hoàn toàn và tiếp tục được chỉ định điều trị ung thư tuyến giáp thể nhú bằng phương pháp phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, sau đó dùng I-131 và hormone tuyến giáp thay thế. Đồng thời, BN vẫn được theo dõi định kỳ ung thư thứ nhất (u lympho ác tính không hodgkin) và các xét nghiệm liên quan khác.
Mắc thêm ung thư thứ hai đang phổ biến hơn
Thông tin về tần suất các trường hợp mắc cùng lúc 2 loại ung thư, bác sĩ Ngô Trường Sơn, Phó khoa Ung bướu - BV đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết các nhà nghiên cứu ước tính cứ 20 người mắc ung thư thì có khoảng 1 người mắc ung thư khác cùng một lúc. Ung thư thứ hai đang trở nên phổ biến hơn vì nhiều người sống lâu hơn sau lần chẩn đoán ung thư đầu tiên.
Theo bác sĩ Ngô Trường Sơn, "đồng thời" mắc ung thư là khi hai khối u xảy ra cách nhau chưa đầy 6 tháng. Thậm chí còn phổ biến hơn khi mắc hai bệnh ung thư khác nhau vào những thời điểm khác nhau, tức là bệnh ung thư thứ hai xảy ra sau ung thư thứ nhất hơn 6 tháng.
Khi một người đã bị ung thư và phát triển một bệnh ung thư mới, được gọi là ung thư thứ hai hoặc ung thư nguyên phát thứ hai. Đây là một loại ung thư hoàn toàn mới và khác với loại đầu tiên.
Ung thư thứ hai không giống như ung thư tái phát (tái phát có nghĩa là ung thư ban đầu quay trở lại, tại vị trí ban đầu hoặc trên cơ quan khác của cơ thể).
Mục đích điều trị cho người mắc cùng lúc 2 bệnh ung thư tùy thuộc vào nhiều yếu tố và trong tình huống cụ thể sẽ có lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Với câu hỏi: "Điều trị cho BN mắc cùng lúc 2 loại ung thư như thế nào để đạt kết quả tốt nhất?", bác sĩ Sơn chia sẻ: "Khi hai loại ung thư khác nhau phát sinh cùng một lúc, các bác sĩ phải đưa ra quyết định nên điều trị ung thư nào trước. Nguyên tắc điều trị ung thư vẫn phải dựa vào giai đoạn bệnh, đặc điểm mô bệnh học, sinh học phân tử, lứa tuổi, thể trạng và bệnh lý kết hợp".
Việc điều trị cho BN có 2 loại ung thư đồng thời là một thách thức. Các bác sĩ sẽ có các cuộc hội chẩn thảo luận về chiến lược điều trị. Trong tình trạng bệnh tiến triển nặng, việc lựa chọn liệu pháp điều trị ung thư thường khó khăn.
Thông thường, khi hai bệnh ung thư nguyên phát đồng thời, cần hai phương pháp điều trị khác nhau. Người bệnh sẽ được điều trị bệnh ung thư đe dọa tính mạng nhất trước; hoặc có thể điều trị trước với loại ung thư dễ điều trị hơn.
Ở những BN mà cả hai khối u đều có khả năng đáp ứng với cùng một phác đồ chống ung thư, quyết định điều trị sẽ liên quan đến liệu pháp toàn thân, ví dụ như hóa trị. Hoặc có trường hợp, hai bệnh ung thư có thể có các đặc điểm bệnh lý đáp ứng với cùng một loại thuốc nhắm mục tiêu hoặc hóa trị (ví dụ ung thư dạ dày tiến triển và ung thư vú có HER2 dương tính đều đáp ứng với thuốc Trastuzumab). Đối với bệnh ung thư khu trú, chiến lược có thể là phẫu thuật hoặc xạ trị/hóa xạ trị cho cả hai khối u ác tính.
Bình luận (0)