Cùng sáng tạo

26/03/2018 04:13 GMT+7

Đối với các bạn trẻ, tư duy sáng tạo là một phẩm chất thể hiện sự năng động và sức sống nhằm khẳng định vị thế của mình trong việc góp phần xây dựng xã hội, đất nước ngày một tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn đây đó những bối rối, chần chừ với chuyện sáng tạo là gì, làm gì để sáng tạo, phải chăng sáng tạo chỉ dành cho chuyên gia và mình liệu đủ năng lực để suy nghĩ mà làm nên sáng kiến hay chưa...
Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Bất kỳ việc to việc nhỏ, hễ thêm điều lợi, trừ điều hại cho quần chúng, giúp quần chúng giải quyết vấn đề khó khăn, tăng kết quả của việc làm, tăng sức sản xuất của xã hội, đánh đổ sức áp bức của quân thù, đó đều là sáng kiến. Sáng kiến không phải cái gì kỳ lạ. Nó chỉ là kết quả của sự nghiên cứu, suy nghĩ trong những hoàn cảnh, trong những điều kiện rất bình thường, rất phổ thông, rất thiết thực. Bất kỳ ai, nếu có quyết tâm làm ích lợi cho quần chúng, lại chịu học, chịu hỏi quần chúng, óc chịu khó nghĩ, tay chịu khó làm, thì nhất định có sáng kiến, nhất định làm được những việc có ích cho loài người.
Cho nên, sự sáng tạo có thể thực hiện trong bất cứ lĩnh vực nào của đời sống, tạo ra sự khác biệt, mới mẻ của sản phẩm sáng tạo so với sản phẩm cùng loại ra đời trước đó. Các sáng kiến nên vừa đảm bảo có ích như tăng năng suất, tăng hiệu quả, tiết kiệm, giảm giá thành, thuận tiện khi sử dụng, thân thiện với môi trường...; vừa có lợi cho bản thân, gia đình, cho cộng đồng xã hội. Với người trẻ, quá trình sáng tạo là niềm say mê nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi để tạo ra những giá trị mới và hiện đại mà hữu dụng về vật chất, tinh thần; hoặc tìm ra nhiều nội dung và giải pháp mới trong công việc, học tập, lập nghiệp.
Theo đúc kết của các nhà giáo dục, hoạt động sáng tạo là một quá trình gồm các bước: làm rõ, lên ý tưởng, phát triển và cuối cùng là thực hành. Khởi đầu là đặt các câu hỏi đúng đắn về vấn đề mình quan tâm rồi lên ý tưởng tìm kiếm càng nhiều giải pháp xử lý vấn đề càng tốt. Tiếp theo là chọn lựa, củng cố ý tưởng bởi sức thuyết phục và tính thực tế rồi phát triển ý tưởng bằng kế hoạch, dự án cụ thể để thực hiện.
Trong sáng tạo, thuộc tính mới và có ích lợi (trong phạm vi áp dụng cụ thể) luôn được khuyến khích, đề cao.
Do vậy, đừng ngần ngại, ai cũng có thể bắt đầu sáng tạo bằng cảm xúc và việc lựa chọn nội dung sáng tạo đúng đắn. Hãy đầu tư thời gian cho quan sát, suy nghĩ, thu thập thông tin, nhờ tư vấn... Hãy thử nghiệm nhanh những ý tưởng mới như cách mà mình nghĩ ra mà không lo âu chuyện thành công hay thất bại. Kiên trì mà tin rằng, năng lực sáng tạo của bạn hoàn toàn là có thể, là liên tục.
Vậy thì, ta hãy cùng nhau thi đua sáng tạo...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.