Kiến trúc sư thiết kế đánh giá Cung thiếu nhi Hà Nội sau tu bổ sẽ khác tới 60% thiết kế ban đầu.
Mặt đá granito hồng của cột trên tầng 2 đã bị bóc đi để chờ thay đá mới - Ảnh: Ngọc Thắng |
Trong khi đó, công trình được xây dựng trong thời kỳ xã hội chủ nghĩa này được đánh giá là “có giá trị góp phần tạo nên bộ mặt Hà Nội”.
Trời lạnh cắt của đợt rét cuối năm không ngăn được KTS Lê Văn Lân tới Cung thiếu nhi Hà Nội để tìm cách bảo vệ tác phẩm do chính ông thiết kế hồi 1974, xây dựng xong năm 1976. Không được vào trong, nhưng từ sân ông có thể thấy rõ các cột đá granito hồng ở tầng hai đã bị bóc hết phần đá, chỉ còn trơ cốt bê tông.
Theo ông Lân, sau khi bóc lớp đá này ra, cột sẽ lại được... ốp đá, nhưng là một loại đá khác. “Đến thời điểm này nó vẫn tốt, tốt hơn nhiều loại người ta làm bây giờ. Bọc ốp lại sẽ mang vật liệu của 2015. Sẽ không còn thấy công trình 1974 đâu nữa”, ông Lân nói.
“Bộ mặt của Hà Nội”
Cùng đi với ông Lân là một nhóm các nhà nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu kiến trúc (Bộ Xây dựng), Khoa Kiến trúc (ĐH Xây dựng) và Tạp chí Kiến trúc (Bộ Xây dựng). Họ đều cho rằng đây là công trình kiến trúc có giá trị lịch sử rất lớn. “Công trình có hình khối hiện đại, bố cục chặt chẽ, thoát ly hoàn toàn khỏi ngôn ngữ kiến trúc thuộc địa Pháp cổ hay những xu hướng kiến trúc trước đó. Kết cấu và vật liệu cũng mang dấu ấn thời đại nó được xây dựng. Công trình tận dụng vật liệu sẵn có tại địa phương, kể cả vật liệu đá đã hỏng trong chiến tranh, gạch, ngói thừa của các công trình xây dựng khác”, một nhà nghiên cứu của Viện Kiến trúc cho biết.
Công trình này cũng được đánh giá cao về giá trị di sản kiến trúc ở chỗ giải quyết che nắng mà vẫn thông thoáng bằng tường rỗng kiểu “tấm dạn” trong kiến trúc truyền thống nhà ở VN. Đây còn là công trình đầu tiên trong kiến trúc hiện đại đưa ra giải pháp vườn hoa trên mái và có thang máy. Nó kết hợp được kiến trúc với nghệ thuật tranh tường mosaic trên tường, kính...
Cũng phải nói thêm, nhà văn hóa là công trình rất đặc trưng của các nước xã hội chủ nghĩa và cung thiếu nhi, công trình hiện đại đầu tiên ưu tiên xây dựng cho thiếu nhi, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của nhà nước với thế hệ tương lai. “Về mặt lịch sử, có thể thấy đó là công trình có giá trị góp phần tạo nên bộ mặt của Hà Nội”, KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích nói.
Thay đổi tới 60% ?
Có mặt cùng lúc với ông Lân, một phó giám đốc Cung thiếu nhi Hà Nội cho biết công trình không thể không cải tạo vì đã có nhiều chỗ xuống cấp. Các thủ tục xin sửa chữa cũng đã được hoàn thành sau nhiều năm trình dự án.
“Tôi nghĩ nếu nó hư hỏng thì phải sửa chữa. Còn những gì là dấu ấn thì phải gìn giữ”, ông Lê Thành Vinh nói. Ông Lê Văn Lân cũng nhìn nhận: “Thực ra nhà xây lâu rồi, việc sửa chữa là cần thiết. Nhưng vì công trình mang những giá trị của một thời đại trước đây mà sau này không thể có lại nên tôi thấy cần trao đổi. Cái gì dùng được tốt thì nên để thế mà dùng. Nếu cần ý kiến, tôi sẽ giúp đỡ hết sức, không hưởng bất cứ chút thù lao nào hết”. Tuy nhiên, ông Lân cho biết theo bản thiết kế mà ông mới nhận được, kiến trúc của cung sẽ bị thay đổi tới 60% so với ban đầu, mất đi nhiều sự duyên dáng vốn có lẫn các yếu tố có giá trị lịch sử.
Nguyên KTS trưởng của TP.Hà Nội, ông Đào Ngọc Nghiêm, từng có một công trình nghiên cứu về các kiến trúc có giá trị tại thủ đô thời kỳ 1954 - 1986, cho biết: “Giai đoạn này việc xây dựng rất nhiều và nó cũng cho ra đời nhiều công trình kiến trúc có giá trị. Trong đó có cung thiếu nhi, công viên Lê Nin, cổng Parabol của ĐH Bách khoa, tòa nhà của ĐH Thủy lợi...”.
Vì không thuộc danh sách các di tích lịch sử nên cung thiếu nhi không được bảo hộ của luật Di sản, cũng không thuộc danh sách các công trình kiến trúc cần bảo tồn, giữ gìn.
Tinh thần di sản
“Khi Bộ VH-TT sửa Nhà hát Lớn Hà Nội hai mươi năm trước, nó cũng giống cung thiếu nhi bây giờ. Nghĩa là nó cũng chưa phải di tích, di sản nhưng lại có giá trị di sản. Và lúc đó những người sửa chữa đã ứng xử với nó đúng theo tinh thần di sản cho dù luật không bắt buộc. Phải sửa chữa rất nhiều, nhưng không mấy người nhận ra vì nhìn mắt thường nó vẫn giữ hình dáng cũ, dù nó đã hiện đại lên rất nhiều, công năng sử dụng tốt hơn rất nhiều. Bây giờ những người sửa Cung thiếu nhi Hà Nội nên làm theo cách xử lý như vậy”.
KTS Lê Thành Vinh
(Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích)
|
Bình luận (0)