Cung ứng vắc xin tiêm chủng bắt buộc cho trẻ nhỏ

Liên Châu
Liên Châu
03/05/2023 04:00 GMT+7

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông tin về lịch tiêm chủng cũng như các vắc xin tiêm bắt buộc cho trẻ nhỏ trong năm 2023.

Theo đó, đối tượng, lịch tiêm chủng vắc xin bắt buộc trong chương trình Tiêm chủng mở rộng gồm:

- Trẻ sơ sinh: tiêm vắc xin viêm gan B.

- Trẻ dưới 1 tuổi: sẽ có các mũi tiêm hoặc uống các vắc xin: BCG (lao), bOPV (bại liệt uống), DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván), viêm gan B, Hib (ngừa 2 bệnh viêm phổi và viêm màng não do vi khuẩn Hib - đây là vi khuẩn gây bệnh viêm phổi và viêm não mủ ở trẻ nhỏ, rất dễ lây truyền dù chỉ là qua những giọt dịch tiết khi hắt hơi và ho, đặc biệt dễ lây cho trẻ nhỏ từ 6 tháng đến dưới 2 tuổi), IPV (bại liệt tiêm), sởi.

- Trẻ 18 - 24 tháng tuổi: sẽ tiêm vắc xin sởi - rubella, DPT.

- Trẻ 1 - 5 tuổi: sẽ tiêm chủng các mũi vắc xin viêm não Nhật Bản B.

Cung ứng vắc xin tiêm chủng bắt buộc cho trẻ nhỏ - Ảnh 1.

Tiêm phòng sởi và rubella tại Trạm y tế thị trấn Óc Eo, H.Thoại Sơn, An Giang

UNICEF VN

Các vắc xin trên được nhà nước cung cấp, tiêm miễn phí cho trẻ trong chương trình Tiêm chủng mở rộng. Phụ nữ mang thai tiêm vắc xin uốn ván theo hướng dẫn của cơ sở y tế.

Cục Y tế dự phòng cũng cho biết sẽ có vắc xin mới đưa vào tiêm chủng mở rộng trong thời gian tới. Trong đó, trẻ dưới hoặc trên 1 tuổi tiêm vắc xin IPV mũi 2 (vắc xin này được triển khai tiêm miễn phí cho trẻ từ 9 tháng tuổi trên toàn quốc theo dự án do GAV1 hỗ trợ); trẻ từ 7 tuổi sẽ có vắc xin Td (phòng bạch hầu và uốn ván, được triển khai cho trẻ tại vùng nguy cơ cao theo đề xuất của các tỉnh, thành phố); trẻ dưới 1 tuổi sẽ được sử dụng vắc xin Rota (vi rút gây tiêu chảy ở trẻ nhỏ).

Các vắc xin được đưa vào trên cơ sở khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin Bộ Y tế, tình hình dịch tễ các bệnh truyền nhiễm tại VN.

Về vắc xin Td, Bộ Y tế cho biết: Từ năm 2004 - 2012, bệnh bạch hầu cơ bản được khống chế ở VN với số ca mắc trung bình hằng năm là 21 trường hợp. Tuy nhiên, năm 2013 - 2020 đã ghi nhận các ổ dịch bạch hầu xảy ra rải rác ở một số địa phương. Mặc dù số ca mắc bạch hầu trong năm 2021 có giảm, nhưng nguy cơ dịch bệnh quay trở lại luôn hiện hữu, nhất là khi tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván giảm tại nhiều địa phương do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Để tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh bạch hầu, uốn ván trong cộng đồng, Bộ Y tế phối hợp một số địa phương triển khai vắc xin Td cho trẻ 7 tuổi tại các địa bàn nguy cơ cao (nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp) và dự kiến mở rộng diện triển khai vắc xin này qua các năm.

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Biểu hiện bệnh thường có giả mạc màu trắng ở hầu họng, thanh quản, mũi… Trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.

Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương rà soát, dự kiến nhu cầu và lập kế hoạch, đảm bảo cung ứng các vắc xin trong Tiêm chủng mở rộng cho các nhóm trẻ. 

Theo đánh giá của WHO tại VN, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc bao phủ tiêm chủng định kỳ cho trẻ em bị gián đoạn (do trung tâm y tế đóng cửa, các gia đình thực hiện giãn cách xã hội, việc xuất nhập khẩu vắc xin, bơm kim tiêm cũng như các vật tư y tế khác cho tiêm chủng định kỳ cũng gặp nhiều gián đoạn) khiến gần 67 triệu trẻ em trên toàn thế giới bị lỡ lịch tiêm các loại vắc xin định kỳ. VN nằm trong số 20 quốc gia có số lượng trẻ em chưa được tiêm chủng cao nhất trên toàn thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.