Một turbin gió có đường kính cánh quạt lớn hơn sẽ sản sinh ra lượng điện năng nhiều hơn. Thế nhưng cánh quạt lớn lại nặng nề, cồng kềnh, khó vận hành, bảo quản. Bên cạnh đó, kích thước cánh quạt tăng nhưng năng lượng tăng thêm không tương xứng. Vì vậy, các nhà khoa học đang tìm cách chế tạo những loại turbin kiểu mới hiệu quả cao hơn loại turbin gió 3 cánh quạt truyền thống. Một trong những sáng chế mới nhất của các kỹ sư Anh là tạo ra turbin gió xoắn ốc giả lập hình dáng của hạt quả sung dâu.
Các nhà khoa học tại Viện Grimshaw thuộc Đại học Cranfield - nơi thường chế tạo máy cho các hãng Rolls Royce, Arup, BP, Shell - đã làm một cuộc cách mạng đối với động cơ điện gió khi cho ra đời thiết bị có hai cánh vươn ra từ trục chính nhìn như hình chữ V (ảnh), khoảng cách giữa hai đầu cánh lên đến 274 mét, gió đi qua loại cánh này như tác động lên cánh máy bay, tạo lực nâng và xoay nó 3 vòng mỗi phút. Nguyên mẫu của turbin thế hệ mới tạo ra được 10 MW điện và đang được mở rộng để tăng sản lượng lên gấp đôi. Theo báo Daily Mail thì loại turbin thế hệ mới này sẽ được triển khai lắp đặt rộng rãi vào năm 2013.
Trong cuộc đua thiết kế mới cho turbin gió thì hãng Clipper gây chú ý cho dư luận với kế hoạch lắp đặt turbin gió khổng lồ tên gọi Britannia, nó như một tòa tháp cao 183 mét ngoài khơi biển Bắc.
Theo thống kê của Daily Mail, hiện nước Anh đang có 253 trang trại gió trong nội địa và 12 ngoài khơi. Cuộc cách mạng turbin gió lần này nhằm mục tiêu giúp nước Anh đến năm 2020 có ít nhất 15% năng lượng từ phong năng.
Song Mai
Bình luận (0)