Trong sự kiện Intel Foundry Direct Connect vừa diễn ra vào ngày 22.2 (theo giờ VN) tại TP.San Jose (bang California, Mỹ), trí tuệ nhân tạo (AI) được đánh giá là động lực then chốt tạo ra cuộc cách mạng cho ngành chip bán dẫn.
Thời đại của AI
Phát biểu tại sự kiện nói trên, ông Pat Gelsinger, Tổng giám đốc (CEO) của Intel, đã giải thích lý do quan trọng để tập đoàn này xây dựng nên Intel Foundry - công ty đúc chip hệ thống đầu tiên trên thế giới. Đấy chính là sự chi phối toàn diện của AI đối với hầu hết các lĩnh vực. Qua đó, AI hiện diện từ các hệ thống nội bộ, dịch vụ chăm sóc khách hàng, điện toán đám mây, xe điện… Ông dẫn một số kết quả nghiên cứu dự báo tổng nhu cầu thị trường AI đạt đến 1.000 tỉ USD vào năm 2030. Cũng nhờ AI, kinh tế số đang chiếm tỷ trọng hơn 15% trong tổng nền kinh tế toàn cầu và sẽ tăng lên mức 33% vào năm 2030.
Qua đó, CEO Gelsinger cho rằng nếu trước đây, cuộc cạnh tranh phát triển chip bán dẫn hầu như xoay quanh vấn đề tăng nhân, tăng xung cho chip thì hiện nay đòi hỏi ở mức độ cao hơn, có tính hệ thống hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển AI. Vì vậy, Intel Foundry ra đời nhằm cung cấp hệ thống toàn diện cho các đối tác để phát triển chip bán dẫn đáp ứng các nhu cầu chuyên biệt trong kỷ nguyên AI hiện nay.
Cũng phát biểu tại sự kiện trên, ông Stu Pann, Phó chủ tịch Tập đoàn Intel kiêm CEO của Intel Foundry, dẫn chứng rằng để chạy một mô hình dạy cho máy học nhằm phát triển AI thì hiện có thể phải cần đến hàng trăm ngàn bộ xử lý trung tâm (CPU) và sắp đến đòi hỏi đến hàng triệu CPU cho mỗi mô hình phát triển máy học. Cho nên, nếu như thập niên 2000 với sự phát triển của công nghệ kết nối không dây giúp bùng nổ thị trường máy tính xách tay, thì kỷ nguyên AI thúc đẩy một sự bùng nổ toàn diện cho ngành chip bán dẫn.
Phát biểu tại Intel Foundry Direct Connect, ông Sam Altman, CEO kiêm đồng sáng lập OpenAI (đơn vị phát triển ChatGPT), cũng nhấn mạnh các hệ thống AI cần liên tục được "dạy" để có hiệu quả cao hơn.
Thay đổi cấu trúc chuỗi cung ứng
Thực tế, từ năm ngoái đến nay, NVIDIA đã đạt kết quả kinh doanh ấn tượng nhờ vào sản phẩm bộ xử lý đồ họa H100. Ban đầu, mức giá lên đến 35.000 USD của H100 dẫn đến lo ngại sản phẩm này sẽ khó tiêu thụ. Nhưng chính sự bùng nổ của ChatGPT đã khiến cho H100 được "săn hàng" để chạy các ứng dụng phát triển từ ChatGPT.
Hiện nay, những đại gia công nghệ hàng đầu thế giới như Microsoft, Meta, Google… hay thậm chí là Amazon cũng nhập cuộc phát triển AI. Điều đó không chỉ khiến nhu cầu chip bán dẫn tăng lên mà còn dẫn đến sự thay đổi về cấu trúc ngành bán dẫn khi Microsoft, Meta, Google… cũng hướng đến phát triển các dòng chip phù hợp với đặc điểm phát triển AI mà những công ty này đang theo đuổi.
Sau một thời gian lệ thuộc vào chip của NVIDIA, Microsoft cũng tăng cường tự chủ. Phát biểu dưới hình thức trực tuyến tại sự kiện Intel Foundry Direct Connect, Chủ tịch kiêm CEO Microsoft Satya Nadella tuyên bố Microsoft đã chọn một thiết kế chip mà họ dự định sản xuất trên quy trình Intel 18A để hợp tác với Intel. Ông Nadella chia sẻ: "Chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi nền tảng vô cùng thú vị. Điều này sẽ thúc đẩy tăng năng suất của mọi tổ chức, cũng như toàn bộ ngành". Quá trình chuyển đổi mà ông nói chính là sự phát triển bùng nổ của AI.
Vĩ mô hơn, ở tầm quốc gia, cũng phát biểu tại sự kiện trên, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nhấn mạnh việc củng cố năng lực cạnh tranh về AI đòi hỏi sự tự chủ về chuỗi cung ứng bán dẫn có vai trò then chốt đối với vị thế quốc gia. Điều này cũng mở ra sự đa dạng, cân bằng hơn về nguồn cung cấp bán dẫn, góp phần tái cấu trúc chuỗi cung ứng của ngành này.
Google tạm ngưng ứng dụng AI tạo hình
Hôm qua, CNN đưa tin Google đang tạm dừng ứng dụng Gemini, một công cụ AI chuyên tạo hình ảnh, sau khi công cụ này bị chỉ trích trên mạng xã hội vì tạo ra những hình ảnh không chính xác về mặt lịch sử. Điển hình, với câu lệnh "tạo một bức ảnh binh sĩ Đức vào năm 1943", Gemini cho ra hình ảnh người da màu mặc quân phục của Đức thời Thế chiến 2. Vì thế, Google tạm ngưng Gemini để rà soát và khắc phục sai sót.
Bình luận (0)