(TNTS) Bộ phim Happy đang tạo nên một làn sóng cách mạng trên toàn thế giới, buộc con người phải nhìn nhận lại điều mà nhiều cá nhân đã bỏ quên từ lâu: hạnh phúc.
Manoj Singh, một tài xế xe xích lô máy đang sống trong khu ổ chuột tại Kolkata (Ấn Độ), tự nhận mình là người hạnh phúc, và cuộc sống giống như trên thiên đường. Cái chòi nhỏ chỉ có một phòng được che chắn tạm bợ của gia đình anh luôn lâm vào cảnh vật vã mỗi khi gió mùa thổi đến, nhưng Singh vẫn hài lòng vì nó vẫn có cửa sổ cho phép gió luồn thoải mái. Hàng xóm láng giềng là bạn hữu đích thực. Mỗi ngày anh mong ngóng trở về nhà để được nhìn thấy đứa con trai nhỏ và gương mặt thiên thần của đứa con gái bé bỏng luôn khiến anh ngập tràn hạnh phúc.
"Tôi không cảm thấy mình nghèo khổ bởi vì tôi là người giàu nhất thế giới" - Singh nói. Đôi khi gia đình anh chỉ có đủ tiền mua gạo, và thức ăn duy nhất trong bữa là muối.
Chắc hẳn không ít người cười khẩy khi nghe câu chuyện của gia đình tài xế xích lô trên. Hạnh phúc gì mà quá đơn giản như vậy? Tuy nhiên, qua đó nhiều người chợt ngộ ra rằng có thể họ cũng đang hoặc đã từng ngập chìm trong hạnh phúc mà không biết, nếu xét theo quan điểm của tài xế Singh.
Đó cũng là phần mở đầu cho bộ phim tài liệu Happy (Hạnh phúc) của đạo diễn Roko Belic, trong nỗ lực khám phá cơ chế và động lực của mục đích tối hậu của con người xuyên suốt các nền văn hóa. Ông Belic đã bỏ khoảng 6 năm để quay hơn 400 giờ phim về đủ thời khắc hạnh phúc của nhiều người trên khắp thế giới, từ khu đầm lầy ở Louisiana đến các cửa hiệu ở Đan Mạch và đường phố Nhật Bản. Mục đích của đạo diễn là tìm ra câu trả lời cho cội nguồn của hạnh phúc: điều gì khiến con người vui sướng nhất?
|
Sau đây là những kết luận đã được Belic rút ra trong nỗ lực tìm kiếm công thức chung cho điều mà loài người đang theo đuổi:
Hạnh phúc cũng phải tập luyện
Các chuyên gia cho rằng 50% hạnh phúc thuộc về gien di truyền. Trong khi đó, chỉ có 10% dựa trên hoàn cảnh cuộc sống như địa vị, tiền tài, nghề nghiệp, vật chất xung quanh. Phần 40% còn lại tùy thuộc vào thái độ và sự lựa chọn của chính người đó. "Khi bắt đầu, tôi đã nghĩ rằng 95% hạnh phúc là tùy vào gien, có nghĩa là bạn được sinh ra là người gắt gỏng hay luôn yêu đời", theo tạp chí Forbes dẫn lời đạo diễn Belic.
Bây giờ, ông đã biết hạnh phúc nằm trong tầm với của tất cả mọi người, giống như một kỹ năng mà ai cũng có được nếu siêng năng tập luyện. Đó cũng là lý do khiến Belic nghĩ đến chuyện nên phổ biến bộ phim này trên toàn thế giới.
Nếu hạnh phúc là phải nỗ lực, bạn nên tập luyện để có được nó, hay nói cách khác, hãy vận động để sản sinh ra hóa chất giúp kích thích niềm vui sướng trong tâm hồn. Với làn da rám nắng và thân hình săn chắc, một người đàn ông thú nhận lướt ván giúp mình luôn giữ được thể chất và tinh thần sung mãn, trẻ trung, trong khi một phụ nữ trung niên yêu thích làm vườn vì nghiện cảm giác được đổ mồ hôi dầm dề.
Về mặt khoa học, việc trải nghiệm bản thân qua các hoạt động hoặc thói quen thể chất có thể mang lại cho bạn niềm vui lớn, một thứ mà các chuyên gia tâm lý học gọi là "luồng lưu lượng", giúp thúc đẩy hạnh phúc và cảm giác viên mãn.
|
Hãy đầu tư vào cộng đồng
Ngày Thế giới Hạnh phúc Với sự kết hợp những câu chuyện có thật và góc nhìn khoa học về hạnh phúc, bộ phim đã giành được vô số giải thưởng, trong đó có giải phim hay nhất, tại nhiều quốc gia như Mexico, Costa Rica, Hà Lan và Mỹ. Nội trong ngày 11.2, phim được trình chiếu tại 200 thành phố thuộc hơn 50 quốc gia, từ Moscow đến Buenos Aires, từ Singapore đến Nam Cực. Ngày 11.2 đã được gọi là Ngày Thế giới Hạnh phúc (World Happy Day). Thực tế cho thấy hạnh phúc không chỉ khiến con người sống vui vẻ hơn, mà niềm hạnh phúc từ một người có thể lan tỏa đến toàn thể cộng đồng mà người này đang sống. Người đã hạnh phúc thì ít khi nào phạm tội và lại sẵn lòng giúp đỡ người khác. Tại Bhutan, chính phủ nước này không chú trọng lắm vào GDP mà lại chuyển trọng tâm sang GNH (Tổng hạnh phúc quốc gia) nhằm phục vụ sứ mệnh tăng cường chất lượng sống của người dân. Còn Mỹ, quốc gia giàu nhất thế giới, chỉ xếp hạng thứ 23 về khoản hạnh phúc, theo khảo sát đăng trên tờ The New York Times. |
Có mối quan hệ cộng đồng và xã hội tích cực có thể là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến hạnh phúc. Đạo diễn Belic đưa người xem đến đảo Okinawa (Nhật Bản), nơi tập trung cộng đồng người cao tuổi lớn nhất tính theo đầu người trên thế giới.
Một bà cụ 106 tuổi nhưng vẫn vui vẻ hoạt bát giải thích rằng cộng đồng của bà luôn làm việc chăm chỉ, chăm sóc cháu chắt phụ con cái, thường xuyên tụ tập với nhau để trò chuyện và chia sẻ, tham gia vào những hoạt động thường nhật như nhảy múa và nghe nhạc. Câu thần chú cho người cao tuổi ở Okinawa là: chúng tôi hiện diện ở đây vì mọi người.
Bên cạnh đó, các chuyên gia nghiên cứu hạnh phúc tin rằng những mục tiêu ngoại lai như tiếng tăm, quyền lực hoặc vẻ bề ngoài xinh trai đẹp gái ít có khả năng khiến người ta hạnh phúc như các mục tiêu nội tại như cảm thông, chung sức và giúp đỡ mọi người.
Đó cũng là điều Belic đã cảm nhận. Ông kể lại mình đã tham gia dự án của nhà làm phim Tom Shadyac, tác giả của các bộ phim bom tấn Hollywood như Ace Ventura và The Nutty Professor, như thế nào. "Ông ấy sống hết sức xa hoa, một mình trong tòa nhà rộng đến 1.500m2, nhưng thấy rằng người dọn nhà hoặc người làm vườn còn hạnh phúc hơn các triệu phú ở Hollywood", theo Belic.
Do đó Shadyac đã đổi dinh thự của mình để lấy căn nhà di động và đổ tiền vào làm phim Happy.
Định nghĩa lại thành công
Nếu so với trước đây, thu nhập bình quân trên toàn thế giới đã tăng đều đặn trong 50 năm qua, nhưng hạnh phúc lại không tận hưởng được thành công như thế. Kết quả nghiên cứu cho thấy thu nhập 50.000 USD với 50 triệu USD không ảnh hưởng lắm đến mức độ hạnh phúc ở một người.
"Nền văn hóa của tôi giáo dục để tin vào một sự thật và quy luật rằng: điểm cao dẫn đến một đại học danh giá, cho phép con người có được địa vị cao, nghề nghiệp hái ra tiền, một căn nhà đẹp và hạnh phúc tột bậc", Belic nói. Và chính ông đã thừa nhận rằng mình được nhào nặn, huấn luyện để tập trung vào những điều không xác thực.
Còn tại các đô thị hàng đầu như Tokyo, cư dân nơi đây ưu tiên công việc, đặt nó lên trên cả các mối quan hệ trong cuộc sống và sức khỏe của bản thân. Trong tiếng Nhật, chữ "Karoshi" được dùng để miêu tả một người làm việc đến chết. Và phim Happy quay lại cảnh gia đình của một thanh niên Nhật lâm vào tình trạng như thế nào sau khi anh này chết vì làm việc quá sức. Từ đó, người ta rút ra một điều là làm cố sống cố chết cũng không dẫn đến hạnh phúc.
Bày tỏ lòng biết ơn
Đạo diễn Belic cho hay cái mà ông thích nhất khi rút ra bài học từ bộ phim Happy chính là tầm quan trọng vô cùng của cảm giác và bày tỏ lòng biết ơn nếu một người muốn đạt được hạnh phúc. Nếu bạn viết một lá thư cảm ơn một người nào đó, thậm chí nếu chẳng gửi đi, bạn cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc trong nhiều ngày liền.
Và nếu bức thư được gửi, niềm hạnh phúc đó sẽ kéo dài hơn nữa. Đó chưa kể nếu người nhận gửi thư phúc đáp, hành động này có thể thay đổi hoàn toàn viễn cảnh con người bạn. "Hãy bắt đầu nói lời cảm ơn, và hãy thực lòng với điều đó", Belic nói.
Ngoài ra, tự nhận thức và hạnh phúc thường song hành với nhau. "Điều này khá đơn giản; người hạnh phúc thường làm những điều khiến họ hạnh phúc" - Belic ghi nhận. Nói một cách chính xác, khi con người trở nên hạnh phúc hơn, họ càng quay trở về với con người thực sự của mình. Xác định được điều mình muốn và điều gì thực sự quan trọng với bản thân sẽ giúp cải thiện mức độ hạnh phúc ở một người.
Thụy Miên
Bình luận (0)