Theo Báo The Age, Viện chính sách chiến lược Úc cho rằng đang có một cuộc chạy đua vũ trang dưới lòng biển tại khu vực châu Á. Báo cáo mới đây của tổ chức này đề cập đến việc các nước trong khu vực đang không ngừng hiện đại hóa và mở rộng đội tàu ngầm.
Theo dự kiến, đến năm 2016, hạm đội tàu ngầm hiện đại dạng thông thường của Trung Quốc có thể làm lung lay vị thế bá chủ của hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương. Trong khi đó, Ấn Độ có 10 tàu ngầm do Nga sản xuất. Nước này đang mua thêm 6 chiếc mới từ Pháp và dự định sau đó sẽ mở rộng đội tàu ngầm thêm 9 chiếc nữa. Đến năm 2016, Ấn Độ sẽ có 3 tàu ngầm hạt nhân.
Những nước khác cũng đang nhanh chóng nhập cuộc. Indonesia có 2 tàu ngầm đời cũ của Đức và đang lên kế hoạch mua 4 chiếc từ Nga. Nhật Bản có 16 tàu ngầm và có thể con số này sẽ còn tăng lên trong thời gian tới. Malaysia cũng đã đặt hàng mua 2 chiếc của Pháp, dự kiến sẽ giao hàng vào năm 2009, đây giống như là một lời đáp trả lại việc láng giềng Singapore sắp trang bị thêm 2 chiếc tàu ngầm vào đội tàu 4 chiếc của mình. Hàn Quốc có 9 chiếc và có kế hoạch phát triển một thế hệ tàu ngầm mới có kích thước tương tự như thế hệ tàu Collins của Úc.
Pietr Lindahl, Phó tổng giám đốc Tổ chức cố vấn và phân tích hải quân quốc tế tại Washington (Mỹ), cho biết hiện có 18 dự án đóng tàu ngầm để cung cấp 83 tàu cho 9 quốc gia châu Á trong vòng 10 năm tới. Phần lớn số tàu mới sẽ thuộc về hải quân Trung Quốc, trong đó gồm 5 tàu ngầm hạt nhân có trang bị tên lửa và 30 tàu ngầm tấn công.
Các quốc gia và vùng lãnh thổ khác tại châu Á cũng đang theo đuổi chương trình đóng tàu mới gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Pakistan, Indonesia và Đài Loan. Trong số tổng kinh phí hơn 108 tỉ USD cho chương trình đóng mới tàu tại châu Á trong 10 năm tới, kinh phí cho tàu ngầm chiếm 29 tỉ USD.
Có nhiều lý do dẫn đến sự gia tăng tàu ngầm trong khu vực châu Á. Theo Báo The Age, sở dĩ Trung Quốc phải nhanh chóng xây dựng đội tàu ngầm của mình vì lo ngại tình trạng hải tặc, bảo vệ thương mại và có thể để khẳng định sức mạnh trên biển. Hiện Trung Quốc đang nỗ lực nâng cấp hệ thống tàu ngầm của mình. Tàu ngầm lớp Romeo và Minh được gia tăng về số lượng hoặc được thay thế bởi tàu lớp Tống do Trung Quốc sản xuất và Kilo nhập từ Nga. Đội tàu ngầm hạt nhân của nước này cũng được củng cố. Thế hệ tàu Hán cũng được thay bằng các tàu ngầm hạt nhân loại xung kích 093.
Tình báo Mỹ cho biết Trung Quốc cũng đang hoàn tất giai đoạn thử nghiệm tàu ngầm hạt nhân thế hệ 2 SSBN (loại tàu chiến lược có trang bị hỏa tiễn, phi đạn và chạy bằng năng lượng hạt nhân). Ấn Độ cũng đang gia cố đội tàu ngầm của nước này, nhưng phần nhiều là do lo ngại trước sự lớn mạnh về hải quân của Trung Quốc.
Đối với những nước và vùng lãnh thổ còn lại, chuyên gia Lindahl cho rằng nhiều nước đã đạt được mức độ phát triển kinh tế để có thể trang bị cho lực lượng hải quân của mình và cũng không loại trừ việc một số nước lo ngại trước sức mạnh của hải quân nước khác. Theo ông, sự mạnh lên của các lực lượng hải quân tại châu Á - Thái Bình Dương có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng địa chính trị trong khu vực và làm xói mòn ảnh hưởng của Mỹ tại đây.
Thuỵ Miên
Bình luận (0)