Cuộc chiến chân dài trên bán đảo Triều Tiên

13/09/2015 08:43 GMT+7

Âm nhạc và những cô gái quyến rũ đang trở thành vũ khí lợi hại mới trong cuộc chiến tuyên truyền giữa 2 miền Triều Tiên.

Âm nhạc và những cô gái quyến rũ đang trở thành vũ khí lợi hại mới trong cuộc chiến tuyên truyền giữa 2 miền Triều Tiên.

Một quan chức Hàn Quốc công bố các bài hát karaoke ca ngợi Triều Tiên bị phát hiện tại Seoul  -  Ảnh: Reuters

Đầu tháng 8, Hàn Quốc bất ngờ khởi động lại chương trình tuyên truyền chống CHDCND Triều Tiên bằng loa phóng thanh sau 11 năm tạm ngưng nhằm trả đũa vụ nổ mìn làm 2 binh sĩ bị thương nặng ở Khu phi quân sự liên Triều.

Trong nhiều tuần liền, 2 miền Triều Tiên bước vào giai đoạn căng thẳng mới và tình hình nóng tới mức có nhiều lo ngại sẽ xảy ra đụng độ. Tuy nhiên, đến ngày 25.8, hai bên đạt được thỏa thuận hạ nhiệt và Seoul tạm ngưng hoạt động phát loa.
Điều đáng nói là đóng vai trò chủ lực trong chiến dịch tuyên truyền vừa qua của Seoul không phải là những lời phê phán nhằm vào chính quyền miền Bắc mà là những nàng ca sĩ xinh đẹp và quyến rũ. Theo Yonhap, phía Hàn Quốc cho phát liên tục các bài hát của nhóm nhạc nữ lừng danh SNSD cũng như nhiều bài hát K-pop nổi tiếng khác xen kẽ với phần tuyên truyền những thành tựu về kinh tế, văn hóa Hàn Quốc và thông điệp chống Bình Nhưỡng. Hệ thống loa tuyên truyền bao gồm hơn 60 cái được thiết lập tại 11 địa điểm dọc giới tuyến liên Triều. Vào ban đêm, những giai điệu sôi động của SNSD vang xa trong phạm vi có bán kính 24 km về hướng miền Bắc, ôm trọn các doanh trại tiền tiêu của Triều Tiên và thị trấn Kaesong. Để chống chọi lại, Triều Tiên triển khai những binh sĩ trung kiên nhất, có tư tưởng vững vàng nhất tới đóng trú ở biên giới, theo Yonhap.
Không chỉ có giọng hát mà hình ảnh của những ca sĩ “trai xinh gái đẹp” Hàn Quốc cũng đã tìm được cách len lỏi vào Triều Tiên, bất chấp sự kiểm soát nghiêm ngặt của chính quyền. Reuters dẫn lời một số người đào tẩu từ miền Bắc tiết lộ nhiều người dân Triều Tiên lén mua ngoài chợ đen một thiết bị giải trí truyền thông đa năng bỏ túi mang tên Notel do Trung Quốc sản xuất, có giá 50 USD để xem ca nhạc và phim truyền hình Hàn Quốc.
“Notel đủ nhỏ để giấu trong chăn hay trong tủ quần áo. Người ta thường “ngụy trang” bằng cách để sẵn một đĩa phim Triều Tiên trong máy rồi cắm USB vào xem phim, ca nhạc của miền Nam”, một người Triều Tiên đào tẩu họ Lee kể với Reuters.
Các thành viên nữ xinh đẹp của nhóm Moranbong biểu diễn ở Bình Nhưỡng - Ảnh: Chụp từ clip
“SNSD” của ông Kim Jong-un
Dường như để đáp trả “vũ khí tuyên truyền” lợi hại của miền Nam, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngay từ năm 2012 đã cho thành lập nhóm nhạc pop nữ mang tên Moranbong. Được CNN gọi là “SNSD Triều Tiên”, nhóm này có lối phục trang và biểu diễn rất sôi động, quyến rũ không thua kém gì “đối thủ” cùng khả năng chơi nhạc cụ điêu luyện nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền.
Ngày 31.12.2013, Moranbong có buổi diễn hoành tráng ở thủ đô Bình Nhưỡng trong chương trình ca múa nhạc chào năm mới. Trong lúc các cô gái biểu diễn cuồng nhiệt trên sân khấu với sự hào hứng của hàng ngàn khán giả thì màn hình lớn phía sau chiếu những hình ảnh hoạt động của lãnh đạo Kim Jong-un và cả cảnh Triều Tiên phóng tên lửa.
Tuy nhiên, từ giữa tháng 7.2015, Moranbong bất ngờ không còn xuất hiện trên các chương trình của Đài truyền hình trung ương Triều Tiên và hình ảnh họ cũng biến mất khỏi các con đường ở Bình Nhưỡng, theo Yonhap. Hiện chưa rõ lý do Moranbong bị giải tán nhưng các nguồn tin giấu tên tiết lộ một số thành viên đã lập gia đình hoặc đào tẩu. Cũng vào thời điểm tháng 7.2015, Triều Tiên loan báo sự ra đời của nhóm nhạc quốc gia mới mang tên Chongbong và ca ngợi đây là “đoàn nghệ thuật cách mạng đầy triển vọng”. Chongbong, được cho là cũng do lãnh đạo Kim Jong-un sáng lập, là một nhóm nhạc nhẹ gồm các nhạc công và những nữ ca sĩ xinh đẹp, đã ra mắt ở thủ đô Moscow của Nga ngày 31.8.
Bên cạnh đó, dường như miền Bắc cũng đã tìm ra thêm một vũ khí khác trong mặt trận tuyên truyền. Tháng trước, giới chức Hàn Quốc phát hiện tại một số quán karaoke ở trung tâm thủ đô Seoul có những bài hát ca ngợi Triều Tiên và nhà lãnh đạo Kim Jong-il, cha ông Kim Jong-un. Reuters dẫn lời nghị sĩ Hong Moon-pyo cho biết những địa điểm trên là nơi lui tới ưa thích của người đào tẩu từ Triều Tiên. Tuy đến nay, người dân Hàn Quốc tỏ ra không quan tâm mấy đến loại hình karaoke tuyên truyền này nhưng nghị sĩ Hong lo ngại dần dà nó sẽ tạo nên hậu quả khôn lường.
“Những máy karaoke này có sức mạnh phá hủy tinh thần của chúng tôi. Chúng như loại nấm độc có thể tiêm nhiễm 50 triệu người Hàn Quốc”, ông Hong nói và cho rằng việc những bài hát “tâm lý chiến” của miền Bắc xuất hiện ở Seoul cũng gây sốc không kém những lần Bình Nhưỡng thử hạt nhân. Hiện giới hữu trách vẫn đang điều tra nguồn gốc các máy karaoke này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.