Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước là giai đoạn mà tội phạm kinh tế nở như nấm sau mưa trong lòng nước Nga. Do hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, những dòng chảy mờ ám của tiền tệ cứ không ngừng vào ra lãnh thổ nước Nga một cách dễ dàng. Và như một hệ quả tất yếu, vào năm 2000, Ủy ban chống rửa tiền quốc tế (FATF) đã đưa Nga vào sổ đen. Từ đó, nhiều chính sách bất lợi cho các học viện, tổ chức và công ty tài chính Nga đã được áp dụng.
Trước tình hình ngày một đáng báo động, Nga đã ký với Hội đồng châu u bản công ước chống rửa tiền. Việc làm này tạo tiền đề cho sự ra đời của bộ luật chống rửa tiền vào năm 2001. Do hoạt động rửa tiền tại Nga thường thông qua các công ty tài chính, bộ luật mới ra đời là nhằm buộc các công ty, tổ chức trong lĩnh vực này có trách nhiệm cung cấp thông tin về hoạt động của mình. Bộ luật cũng nêu rõ danh sách những trường hợp giao dịch phải được kiểm soát và danh sách các công ty, tổ chức có nghĩa vụ thông báo về các hoạt động chuyển khoản. Danh sách này rất dài, bao gồm các công ty cho thuê tài chính, hãng bảo hiểm, các công ty điện tín, đến cả những cửa hàng tôm cá. Theo bộ luật mới, những trường hợp chuyển khoản từ 600.000 ruble (21.413 USD) trở lên phải thông qua kiểm soát.
Cơ quan quản lý tài chính liên bang Nga (FSFM), tương tự như cơ quan tình báo kinh tế của Mỹ, có vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến chống rửa tiền. Theo đó, FSFM sẽ thu thập, xử lý và phân tích các thông tin về hoạt động chuyển khoản. Trong trường hợp nghi ngờ có rửa tiền, cơ quan này sẽ chuyển thông tin cho giới thực thi pháp luật. Chỉ riêng năm 2005, FSFM đã chuyển 800 hồ sơ về các vụ rửa tiền cho tòa án và chuyển thông tin về hoạt động giao dịch liên quan đến số tiền lên tới 20 tỉ USD cho giới điều tra. Giám đốc FSFM V.Zubkov cho biết, thế giới đã ghi nhận nỗ lực của Nga trong cuộc chiến chống rửa tiền, bằng chứng là vào năm 2003, FATF đã đưa nước này ra khỏi "sổ bìa đen".
Tại Nga, chiến dịch chống rửa tiền luôn song hành cùng chiến dịch chống vận động tài chính cho các tổ chức khủng bố. Vào mùa hè 2005, Tổng thống V.Putin đã phê duyệt kế hoạch quốc gia về chống rửa tiền và quyên góp tài chính cho mục đích khủng bố. FSFM cũng đã trình lên một kế hoạch chi tiết, trong đó có những đề nghị về sửa đổi luật pháp, đẩy mạnh hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật, huấn luyện chuyên gia và tăng cường hợp tác quốc tế. Một ủy ban liên ngành về chống rửa tiền, chống vận động tài chính cho khủng bố đã được thành lập và một trung tâm đào tạo chuyên gia của FSFM cũng đang hình thành, có thể đào tạo từ 4.000-5.000 chuyên gia trong vài năm tới. Theo FSFM, một trong những mánh khóe mà bọn tội phạm thường sử dụng là lập các công ty ma, sử dụng hồ sơ giả để đăng ký hoạt động chính thức, phục vụ cho mục đích rửa tiền. Nhằm tiêu diệt loại hình tội phạm này, FSFM đề nghị cho phép cơ quan điều tra đóng băng tài khoản của các công ty nghi vấn trong 45 ngày.
Những biện pháp mạnh tay đã giúp giảm hoạt động rửa tiền tại Nga. Tuy nhiên, lượng tiền được "tẩy sạch" tại đất nước rộng lớn nhất hành tinh vẫn rất lớn. Báo cáo của Bộ Thương mại Nga cho biết mỗi năm có từ 150-160 tỉ ruble (gần 6 tỉ USD) được rửa tại nước này. Các chuyên gia cho rằng con số này có thể lên tới 14 tỉ USD. (RIA-Novosti)
Đỗ Hùng
Bình luận (0)