Phát biểu trước một phái đoàn doanh nghiệp Mỹ, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Bạc Hy Lai khẳng định: "Sự hội nhập của ngành dệt may là quyền mà Trung Quốc có được kể từ khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và Trung Quốc sẽ không áp đặt bất cứ sự cản trở nào đối với các sản phẩm dệt may của mình". Ông Bạc đã kịch liệt lên án Mỹ và EU là "không công bằng" và có những hành động mang tính "bảo hộ" nhằm chống lại ngành dệt may đang bùng nổ của Trung Quốc. Người đứng đầu ngành thương mại quốc gia đông dân nhất hành tinh đã cáo buộc các nước phát triển là "hai mặt" khi nói về những tiêu chuẩn toàn cầu của tự do thương mại, đó là tự cho mình những đặc quyền tối đa nhưng khi quyền lợi bị đe dọa thì lại có hành vi ngăn cản nước khác, mà theo luật WTO thì "không được phép có những tiêu chuẩn kép như vậy".
Thượng viện Mỹ dự kiến vào tháng 7 sẽ bỏ phiếu một đạo luật đánh thuế 27,5% lên tất cả các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc nếu nước này không bãi bỏ tỷ giá USD - nhân dân tệ như hiện nay trong vòng 6 tháng.
Lập trường cứng rắn của Trung Quốc đối với vấn đề dệt may có thể sẽ làm bùng nổ một cuộc chiến tranh thương mại giữa nước này với Mỹ và EU. Chỉ vài giờ sau tuyên bố của Bộ trưởng Bạc Hy Lai, Washington đáp trả bằng cách áp đặt hạn ngạch lên thêm 4 mặt hàng dệt may khác của Trung Quốc, nâng tổng số mặt hàng bị "dính" hạn ngạch lên 7. Sau khi hệ thống hạn ngạch toàn cầu chấm dứt vào ngày 1/1/2005, xuất khẩu dệt may của Trung Quốc đã gia tăng với tốc độ chóng mặt trong quý 1 và điều này khiến Mỹ lẫn EU hết sức lo ngại. Theo ngành dệt may Mỹ thì họ đã mất 16 ngàn công ăn việc làm kể từ đầu năm nay do các công ty địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc "chống đỡ" các sản phẩm dệt may ồ ạt tràn vào từ quốc gia lớn nhất châu Á. Xuất khẩu dệt may của Trung Quốc vào châu u cũng tăng hơn 500% trong 30 năm qua. Về vấn đề này, ông Bạc cho rằng đó là lỗi của Mỹ và EU do trong 10 năm qua đã không nới lỏng dần hạn ngạch nhập khẩu hàng dệt may nên thị trường bị tràn ngập một khi hệ thống hạn ngạch hết hạn. Về phần mình, Trung Quốc cũng đã tăng thuế và giảm bớt lượng hàng dệt may xuất khẩu nhằm làm chậm lại sự tăng trưởng. Riêng việc duy trì tỷ giá cố định 1 đồng USD ăn 8,28 nhân dân tệ - mà Mỹ cho rằng thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế và giúp Trung Quốc có được lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu đồng thời đe dọa đến sự tăng trưởng toàn cầu - Bắc Kinh khẳng định sẽ không thay đổi bất kể áp lực từ bất cứ nước nào vì những cáo buộc trên là "không chấp nhận được", bởi "chúng tôi quả là có thặng dư mậu dịch với Mỹ nhưng lại thâm thủng với nhiều quốc gia châu u và cả với khu vực Đông Nam Á. Vậy thì tại sao chúng tôi phải thao túng tiền tệ của mình chỉ để thặng dư với Mỹ?".
Xuân Anh
Bình luận (0)