Cuộc chiến điệp báo tại LHQ

08/10/2011 22:52 GMT+7

New York trở thành địa điểm “thi thố” của lực lượng tình báo các nước vào mỗi kỳ họp thường niên của Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ.

Cũng tương tự những lần trước, tại kỳ họp thường niên của ĐHĐ LHQ năm nay diễn ra tại New York (Mỹ) hồi tháng 9.2011, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad lại đăng đàn cáo buộc Mỹ dùng vụ khủng bố 11.9.2001 để “xâm lược và thống trị thế giới Hồi giáo”. Ông cũng ám chỉ chính Washington dựng lên vụ tấn công kinh hoàng. Khỏi phải nói phái đoàn Mỹ phẫn nộ thế nào và cũng như những lần trước, họ bỏ ra ngoài ngay khi Tổng thống Iran vừa mở đầu bài diễn văn. Các nhà ngoại giao Mỹ cũng đã chuẩn bị sẵn bài phát biểu phản bác lại ông Ahmadinejad.

Theo AP, phía Mỹ chưa bao giờ rơi vào thế bị động trước những tràng đả kích gay gắt của nhà lãnh đạo Tehran cứ như thể từ sớm, họ đã biết đích xác ông Ahmadinejad định nói những gì. Việc này là bằng chứng cho một sự thật được biết đến nhiều nhưng ít ai đề cập về LHQ: mỗi kỳ họp của tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới là một chiến trường do thám. Ở đó, diễn ra rầm rộ các hoạt động nghe lén, theo dõi thư điện tử cá nhân hoặc thậm chí đọc trước các bài phát biểu. 

 
Trụ sở LHQ tại New York là nơi diễn ra nhiều hoạt động tình báo sôi nổi - Ảnh: AFP

Đấu trường của các điệp viên

Theo AP, cuộc chiến bắt đầu ngay khi các nhà lãnh đạo thế giới đến New York cùng đoàn tùy tùng hùng hậu. Trong số đó, nhiều người được phái đến không phải để làm công tác ngoại giao hay bảo đảm an ninh. Họ là những sĩ quan tình báo, có mặt ở New York để triển khai những chiến dịch tìm kiếm thông tin quy mô.

Thời gian diễn ra đợt hội nghị của LHQ cũng là những tuần lễ hoạt động “điên cuồng” của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Cơ quan Tình báo trung ương (CIA), AP dẫn lời một số quan chức tình báo cấp cao giấu tên cho hay. Nếu FBI tung ra những chương trình theo dõi tinh vi nhất để ngăn chặn điệp viên nước ngoài thì CIA có nhiệm vụ tìm kiếm và dụ dỗ thành viên các phái đoàn chịu làm việc cho Mỹ.

Giới tình báo và an ninh Mỹ hoạt động tích cực bao nhiêu thì các điệp viên nước ngoài cũng không hề kém cạnh, đặc biệt trong việc né tránh bị theo dõi. Theo AP, người Iran nổi tiếng với việc thuê nhiều phòng khác nhau ở các khách sạn khắp New York hay khiến các nhân viên phản gián Mỹ “điên đầu” bằng cách hủy rồi đặt lại phòng vào phút chót. Một cựu quan chức FBI kể với AP rằng có lần đoàn Iran đặt rất nhiều phòng nhưng lại để trống và dồn cả đoàn trên một chục người vào một phòng duy nhất. Lần đó, giới chức Mỹ tin rằng ít nhất một quan chức Iran phải ngủ trong phòng tắm.

Không chỉ quốc gia “thù địch” như Iran, ngay cả đồng minh Israel cũng tung điệp viên vào New York trong mỗi kỳ họp của LHQ. Theo AP, Washington thường xuyên than phiền rằng điệp viên của Tel Aviv hoạt động đơn phương ở New York, gây khó khăn cho giới an ninh sở tại. Theo giới chức Mỹ, rất khó nhận ra điệp viên Israel do họ thường nhập cảnh với quốc tịch khác. Báo The New York Times dẫn lời các cựu quan chức tình báo Mỹ cho hay những hoạt động tình báo của Israel ở Mỹ rất quy mô, chỉ sau Trung Quốc và Nga.

Theo lời một quan chức FBI khác, những cơ quan tình báo đồng minh như Cục Tình báo đối ngoại Anh (MI6) cũng hợp tác chặt chẽ với Mỹ. MI6 được phép hoạt động tại New York nhưng phải chia sẻ với tình báo Mỹ bất kỳ thông tin nào thu thập được. 

Huy động cả giới ngoại giao

Luật Mỹ không cho phép CIA thu thập thông tin tình báo nội địa, nhưng do khu trụ sở LHQ được xem là “lãnh thổ nước ngoài” nên cơ quan này được phép tiến hành các hoạt động bí mật ở đó. Các viên chức CIA cũng được phép tuyển người nước ngoài làm gián điệp và đây là mục tiêu chính của cơ quan này suốt thời gian diễn ra kỳ họp ĐHĐ LHQ, theo AP.

Vienna cũng “sôi động” không kém

Cũng như New York, thủ đô Vienna của Áo là nơi đặt văn phòng của nhiều cơ quan thuộc LHQ như Văn phòng Chống ma túy và tội phạm, Tổ chức Phát triển công nghiệp, Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế... Và đây cũng là nơi tình báo các nước “thi thố” tài năng. BBC dẫn lời Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tình báo, tuyên truyền và an ninh Áo Siegfried Beer cho hay tại thành phố này có khoảng 2.000 - 3.000 điệp viên và người cung cấp tin tức đến từ Mỹ, Nga, CH Czech, CHDCND Triều Tiên…

CIA và FBI xem xét cặn kẽ tên tuổi những người được cấp thị thực để nhập cảnh Mỹ. Đặc biệt họ chú ý xem xét khả năng chiêu dụ những người đến từ các quốc gia nơi giới tình báo Mỹ không thể hoạt động, chẳng hạn như Iran và CHDCND Triều Tiên. Quá trình chuẩn bị cho những chiến dịch này có thể kéo dài nhiều tháng.

Ngoài lực lượng của FBI và CIA, các nhà ngoại giao Mỹ cũng được huy động “kiêm nhiệm” hoạt động do thám tại LHQ. Năm ngoái, WikiLeaks gây chấn động khi tung ra thư tín mật cho thấy, các nhà ngoại giao Mỹ nhận lệnh thu thập thông tin về ban lãnh đạo LHQ, kể cả TTK Ban Ki-moon, và đại diện của các nước thành viên thường trực HĐBA LHQ, bao gồm cả đồng minh Anh và Pháp.

Cụ thể, tờ Guardian trích một chỉ thị mật do Ngoại trưởng Hillary Clinton ký hồi tháng 7.2009 yêu cầu các nhà ngoại giao Mỹ tìm thông tin về các tài khoản thư điện tử, mật khẩu và khóa mật mã, thẻ tín dụng, thông tin sinh trắc học và nhiều thứ khác nữa. Trước đó, người tiền nhiệm của bà Clinton là Condoleezza Rice cũng từng ra nhiều chỉ thị tương tự. Lệnh mật này được gửi tới các phái bộ của Mỹ tại LHQ ở New York, Vienna và Rome cùng 33 sứ quán và lãnh sự Mỹ, từ Amman đến Berlin, Paris, London và cả Zagreb. 

Chiến dịch Naji Sabri

Trước cuộc chiến tranh do Mỹ phát động ở Iraq năm 2003, CIA đã ra sức dụ dỗ các quan chức cấp cao nước này “đào ngũ”. Một trong những mục tiêu là ông Naji Sabri, ngoại trưởng của Iraq khi đó. Nhà Trắng hy vọng ông tuyên bố từ bỏ chính quyền Saddam Hussein ngay tại một kỳ họp của ĐHĐ LHQ.

Trước hết CIA cần một người trung gian giúp tiếp cận ông Sabri. AP dẫn lời các quan chức CIA giấu tên kể rằng họ tìm một cựu nhà báo nước ngoài đang sinh sống tại Pháp. Người này có quan hệ rất tốt với giới chức Iraq và từng cung cấp thông tin cho tình báo Pháp. Ông ta đồng ý giúp Mỹ tiếp cận ông Sabri với thù lao lên tới 1 triệu USD. Sau một thời gian phối hợp với FBI tìm hiểu kỹ về người này, CIA chấp nhận hợp tác với ông ta.

Vào tháng 9.2002, ông Sabri bay đến New York để dự một hội nghị và CIA sắp xếp để cựu nhà báo nói trên gặp gỡ Ngoại trưởng Iraq. Dĩ nhiên, cuộc gặp bị cả CIA và FBI theo dõi và nghe lén sát sao. Trong cuộc gặp, tay cựu nhà báo nói trên hỏi ông Sabri về chương trình vũ khí hủy diệt của Tổng thống Hussein, các câu hỏi cũng do CIA cung cấp. Ngoại trưởng Iraq trả lời rành mạch từng câu, khẳng định rằng ông Hussein không sở hữu vật liệu hạt nhân và đã tiêu hủy kho vũ khí hóa học của nước này, AP dẫn lời một số quan chức tình báo Mỹ cho hay. CIA tin những gì ông Sabri nói là thật và đã chuyển những câu trả lời của ông cho Tổng thống George W.Bush và Phó tổng thống Dick Cheney.

Sau khi giải tỏa mọi nghi ngờ, thông qua người trung gian, CIA chính thức dụ ông Sabri “đào ngũ” và tặng ông vài bộ com-lê. Vào ngày 19.9.2002, Ngoại trưởng Iraq mặc một trong những bộ com-lê nói trên khi phát biểu trước ĐHĐ LHQ và CIA tin rằng đó là dấu hiệu cho thấy ông Sabri đồng ý “trở giáo” với chính quyền Saddam Hussein.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Iraq đã không tuyên bố từ bỏ ông Hussein và rời New York như không có chuyện gì xảy ra cả. Sau khi tiến quân vào Iraq, Mỹ tuyên bố “một quan chức cấp cao của Baghdad đã khẳng định Saddam Hussein có vũ khí hủy diệt hàng loạt” và vào năm 2006, Đài NBC dẫn một số nguồn tin từ CIA nói quan chức đó chính là ông Sabri. Đài này cũng công bố chi tiết chiến dịch chiêu dụ ông này vào năm 2002. Ngay lập tức, cựu Ngoại trưởng Iraq, hiện đang ở Qatar, cực lực bác bỏ vụ việc và gọi những thông tin do Mỹ đưa ra là “hoàn toàn bịa đặt và vô căn cứ”.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.