Chạy 12 tiếng chỉ dư được 300.000 đồng
Anh Phạm Tuấn Đức, ngụ tại TP.Thủ Đức (TP.HCM), tài xế công nghệ, ngậm ngùi kể: "Tôi bắt đầu chạy cho hãng xe be gần 1 năm nay, dù luôn cố gắng đón khách, trả khách tất cả mọi chuyến xe nhận được, nhưng doanh thu mỗi ngày mỗi giảm. Tài xế chạy phải ăn chia với ứng dụng của công ty quản lý, giá cước hiện nay là 12.000 đồng, tài xế thực nhận chỉ 9.000 đồng/km. Giá thấp như vậy nên có những hôm tôi chạy suốt 12 tiếng mà tính ra chỉ được 300.000 đồng".
Theo chương trình khuyến khích thưởng của hãng này, mức thưởng tuần dành cho tài xế đạt 90 điểm là 280.000 đồng, mức cao nhất dành cho tài xế lên đến 3 triệu đồng/tuần nếu đạt 590 điểm. "Nhưng mỗi cuốc xe hoàn thành chỉ được từ 1 - 3 điểm thưởng, mỗi ngày chỉ chạy được 5 - 6 cuốc xe thì làm sao mà đủ chỉ tiêu để thưởng? Cho nên, chỉ có những ai chạy suốt từ sáng đến tối thì may ra mới nhận được tiền thưởng", anh Đức tâm sự.
Tại các diễn đàn, tài xế công nghệ Grabcar cũng than thở cước phí quá thấp. Tài xế Khánh Nhựt Khoa kể: "Hiện nay hãng đang áp dụng chính sách Grab Economy tiết kiệm để thu hút khách với giá cước rẻ. Tôi nghỉ 2 tháng nay, hôm qua mở app chạy lại mới hết hồn vì giá quá thấp. Cuốc xe đi gần 13 km qua mấy quận, đón khách 3 km mà thu nhập ròng sau khi trừ chi phí chỉ có 90.000 đồng, tính ra tài xế chỉ kiếm được 6.000 - 7.000 đồng/km. Với thu nhập này thì làm sao đủ chi phí để bảo dưỡng, chăm sóc xe, làm sao để trả góp xe và trang trải sinh hoạt?".
Anh Nguyễn Khải, tài xế Grabcar, chia sẻ: "Không riêng gì gói cước Eco mà các chuyến đi tỉnh một chiều hai chiều còn rẻ hơn nữa. Tôi chạy cuốc 36 km mà thu nhập chỉ có 170.000 đồng. Còn mấy cuốc 50 km thì thu nhập ròng chỉ 380.000 đồng thôi".
Những cuốc xe giá thấp bị cho "trôi"?
Giữa tháng 6.2023, anh T.Q.T, ngụ tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) đi công tác tại Hà Nội và sử dụng ứng dụng gọi xe công nghệ để đặt xe, nhưng lần lượt nhiều tài xế nhận cuốc xong lại không đón, hoặc tự hủy và yêu cầu khách hủy vì lý do này nọ. Anh T.Q.T bức xúc: Tôi biết khu vực khách sạn của mình ở là đường nhỏ khó đón nên chủ động gọi cho tài xế để hẹn vị trí thuận lợi hơn, tôi sẽ đi bộ một đoạn, nhưng hầu hết các cuốc xe công nghệ đều tự hủy hoặc nhờ khách hủy giùm vì họ không muốn đón. Tôi mất hơn 30 phút để đặt xe qua ứng dụng, cuối cùng phải vẫy taxi bên ngoài để đi. Thì ra tài xế chê chuyến đi ngắn giá thấp nên không chịu nhận".
Theo khảo sát của PV Thanh Niên, hiện nay, các hãng xe công nghệ đang cạnh tranh gay gắt về thị phần. Đặt xe công nghệ trước đây vốn là miếng bánh của các hãng nước ngoài nhưng hiện tại nhiều hãng taxi trong nước đã nỗ lực "lội ngược dòng". Theo báo cáo Người tiêu dùng số được Decision Lab và Mobile Marketing Association Vietnam công bố mới đây cho thấy: Sau Grab (vốn là ứng dụng gọi xe dẫn đầu thị phần Việt Nam), Mai Linh App hiện sở hữu tỷ lệ người dùng không nhỏ, chiếm 29% trong quý I và thậm chí cao hơn tỷ lệ của các ứng dụng gọi xe khác như Gojek (24%) hay be (20%). Một hãng taxi khác là Vinasun cũng đặt mục tiêu thu về 1.345 tỉ đồng trong năm nay, tăng 23,4% so với năm ngoái. Doanh nghiệp này cũng đặt mục tiêu nâng lượng đặt xe qua app lên 25.000 lượt/ngày, Nếu tính cả năm, hãng có thể đón tới 6,2 triệu lượt khách qua kênh này, vượt các kênh truyền thống như tổng đài (16.233 cuộc gọi/ngày) hay thông qua điểm tiếp thị (11.663 lượt khách/ngày). Đó là chưa kể sự xuất hiện của hãng xe taxi điện SM mới đây cũng đang thu hút một lượng khách nhất định.
Cạnh tranh giữa các hãng taxi công nghệ hứa hẹn mang lại lợi ích nhiều hơn cho người tiêu dùng, nhưng sẽ là "lợi bất cập hại" nếu quyền lợi của tài xế không được đảm bảo. Ghi nhận của Thanh Niên, nhiều tài xế xe công nghệ cho biết sẵn sàng cho trôi hết các chuyến xe giá thấp, lãi ròng không tương xứng. "Nếu cứ cạnh tranh về giá thì thiệt hại dồn về phía tài xế, thu nhập giảm làm sao chúng tôi trang trải nổi sinh hoạt", anh Nguyễn Văn Bình, một tài xế công nghệ ngụ tại H.Nhà Bè (TP.HCM) tâm sự.
Bình luận (0)