Bị mua ép buộc
Đầu tháng 3 vừa qua, gần 15 triệu cổ phiếu (CP) của Công ty cổ phần bao bì nhựa Tân Tiến chính thức được giao dịch trở lại trên sàn UPCoM sau khi đã hủy niêm yết tự nguyện trên sàn chứng khoán TP.HCM vào tháng 10.2015. Điều đáng nói là sự trở lại này đã xuất hiện tên cổ đông lớn Dongwon Systems Corporations đến từ Hàn Quốc sở hữu hơn 93% lượng CP tại Tân Tiến.
Ở thời điểm trước khi bị thâu tóm hoàn toàn, ông Lê Minh Cường - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty sở hữu hơn 23% vốn đã huy động toàn bộ nguồn tài chính mua CP nhằm gia tăng tỷ lệ sở hữu khi biết có đối tác ngoại "nhăm nhe" nhưng mọi việc đã muộn màng. Với mức giá CP thời điểm giữa năm 2015 khoảng 57.000 đồng/CP, tập đoàn Hàn Quốc đã chi ra tối thiểu gần 800 tỉ đồng để nuốt trọn công ty này. Đây là một thương vụ âm thầm thâu tóm trên sàn chứng khoán khiến ngành nhựa VN rúng động. Bởi nhựa Tân Tiến là thương hiệu ra đời từ năm 1966, dẫn đầu trong số những công ty nhựa sản xuất bao bì màng ghép phức hợp lớn nhất của VN. Sau khi đổi chủ, năm vừa qua, nhựa Tân Tiến đạt doanh thu 1.405 tỉ đồng, xấp xỉ bằng năm 2015 nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng vọt với hơn 105,5 tỉ đồng, tăng trưởng 74% so với cùng kỳ. Năm 2017, công ty đặt mục tiêu doanh thu 1.771 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 164 tỉ đồng, tăng 55% so với lợi nhuận đạt được năm 2016.
Sau Tân Tiến, Dongwon Systems cũng đã mua lại Công ty bao bì nhựa Minh Việt; Tập đoàn Siam Cement Group (SCG, Thái Lan) đã hoàn tất việc mua lại 80% cổ phần của Công ty cổ phần bao bì nhựa Tín Thành (Batico) với giá
1,5 tỉ baht (khoảng 44,4 triệu USD, tương ứng khoảng 932 tỉ đồng vào thời điểm diễn ra thương vụ vào giữa năm 2015). Tín Thành cũng là một trong 5 doanh nghiệp (DN) lớn nhất ngành bao bì nhựa của VN. Không chỉ thâu tóm Tín Thành, SCG còn thâm nhập sâu vào ngành nhựa xây dựng VN khi mua trên 20% cổ phần của Nhựa Bình Minh và gần 25% cổ phần của Nhựa Tiền Phong. Ðây là 2 DN nhựa đang chiếm khoảng 50% thị phần ngành nhựa xây dựng trong nước…
Khó giữ nổi mình
Chỉ tính riêng Tập đoàn Siam Cement Group đến thời điểm này đã chi ra khoảng 121 triệu USD đầu tư vào 7 công ty VN thuộc lĩnh vực nhựa. Ngoài những DN đã nêu, SCG còn nắm giữ cổ phần tại một số công ty chuyên sản xuất nhựa gia dụng, bao bì khác như Liên doanh Việt - Thái Plastchem, Công ty nhựa và hóa chất TPC Vina, Công ty Chemtech và Công ty vật liệu nhựa Minh Thái… Giả sử tập đoàn này gia tăng tỷ lệ sở hữu và thâu tóm thành công Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong thì sẽ dễ dàng thống trị ngành nhựa xây dựng của VN.
Giám đốc một DN nhựa VN từng chia sẻ: Ngoài giá trị thương hiệu, lợi nhuận của công ty ở thời điểm hiện tại thì các tập đoàn nước ngoài sẵn sàng cộng thêm lợi nhuận ước tính của DN trong khoảng thời gian 5 năm hoặc thậm chí đến 10 năm sau. Trong khi thị trường đang cạnh tranh quyết liệt nên những người đứng đầu như ông cảm thấy luôn căng thẳng để đảm bảo sự sinh tồn của công ty. Ông cũng thú nhận, sản phẩm trong nước vốn đã thua kém về mẫu mã, giá cả nên nếu không sáp nhập với các đơn vị lớn khác thì rất có thể, công ty ông cũng tự biến mất khi không đối đầu nổi với sức ép cạnh tranh ngày càng lớn.
Trong một hội thảo gần đây, đại diện Công ty nhựa Bình Minh cũng đã bày tỏ lo ngại liên quan đến việc mở room cho khối ngoại ở các công ty đại chúng không thuộc các lĩnh vực hạn chế lên mức 100%. Việc này có thể biến một thương hiệu Việt như Nhựa Bình Minh trở thành DN nước ngoài khi các nhà đầu tư ngoại muốn mở rộng hoạt động tại VN. Theo ước tính, giai đoạn 2010 - 2015, ngành nhựa là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất nước với mức tăng trưởng hằng năm từ 16 - 18%/năm, đặc biệt có những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng đạt gần 100% trong khi sức cạnh tranh của DN nội vẫn chưa được cải thiện, nên những thương hiệu Việt nếu không nhanh chóng lớn lên sẽ phải rời cuộc chơi.
Bình luận (0)