Tàn phá cả rừng cấm
Sau ngày miền Nam giải phóng, Hai Chi cùng gia đình từ Quảng Ngãi vào Bình Thuận lập nghiệp. Ban đầu, Hai Chi làm bốc vác ở ngã ba Hàm Tân. Sang thập niên 90, Hai Chi bắt đầu dấn thân vào con đường khai thác gỗ lậu. Tuy nhiên, ngoài việc thanh trừng các đối thủ để giành ngôi "bá chủ", Hai Chi còn tìm mọi cách để biến lực lượng kiểm lâm thành "người một nhà" với y, cụ thể là lực lượng kiểm lâm Sông Phan. Trong suốt thời gian hơn 10 năm qua, hơn chục chiếc xe tải nhà Hai Chi chạy thẳng vô rừng rồi chở gỗ về Hố Nai (thuộc địa phận Đồng Nai) sang cho các đầu nậu khác tiêu thụ. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra đối với người có trách nhiệm của kiểm lâm Sông Phan nhưng rồi sau đó "ai hỏi thì tự trả lời". Rừng Sông Phan vốn có diện tích rộng lớn, giờ đây khái niệm "rừng Sông Phan" đã không còn, thay vào đó là khái niệm "đồi trọc Sông Phan".
Không chỉ vậy, anh em của Hai Chi gồm Nguyễn Công Thọ (Thọ "đại tá", đã bị bắt ngày 30/5 vừa qua), Nguyễn Văn Tư (Tư "gà lôi") còn câu kết với các trùm buôn gỗ lậu tại các khu vực khác trong huyện như Nghĩa ở Tân Xuân, Tú ở Sơn Mỹ, đều là những "đại ca" có máu mặt tại khu vực trên nhằm khai thác triệt để nguồn tài nguyên khổng lồ mà thiên nhiên ưu đãi cho tỉnh Bình Thuận. Thậm chí, một nguồn tin còn cho biết, từ Tuy Phong vào đến Hàm Tân (xuyên chiều dài của tỉnh Bình Thuận nằm trên Quốc lộ 1A) đều có "trạm thu mua" của Hai Chi. Cứ mỗi 10km đường quốc lộ đều có người của Hai Chi đứng ra làm trạm thu mua và trung chuyển về Đồng Nai bán. Khi những cánh rừng trên ngày càng cạn kiệt, muốn khai thác phải tốn nhiều chi phí vận chuyển, Hai Chi và đàn em chuyển sang tấn công luôn cả rừng Biển Lạc - Núi Ông. Đây là rừng bảo tồn quốc gia với nhiều loại gỗ quý hiếm thuộc các nhóm I, II như lim xanh, căm xe, mỗi cây có đường kính trung bình từ 1m trở lên và cả cánh rừng cây thẳng tắp. Chẳng biết Hai Chi "chạy" bằng cách nào mà có được "giấy phép cắt tỉa cành nhánh" ở cánh rừng trên. Thế nhưng nhiệm vụ "cắt tỉa" không thấy y thực hiện mà hằng ngày cả chục chiếc xe tải vẫn đều đặn chở gỗ về và đem bán.
Anh bắt gỗ, em đi tù
Ông Đỗ Tài, người bị biệt giam 4 tháng trời nhưng sau đó được tuyên vô tội. Ảnh: M.T |
Từ chuyện gây gổ trên, anh em ông Bổn đã có xô xát với băng nhóm Hai Chi và cả hai người em của ông Bổn là Đỗ Tài và Đỗ Giỏi đều bị bắt tạm giam. Nếu như ông Giỏi là người có tham gia xô xát nên bị bắt thì không có gì để nói. Đằng này, trong lúc xô xát, ông Tài đang đi mua bán nước đá, chẳng hề liên quan gì đến nhưng cũng bị bắt. Sau 4 tháng bị biệt giam như một tội phạm đặc biệt nguy hiểm, hai em trai của ông Bổn phải hầu tòa với tội danh "gây rối trật tự công cộng". Ông Giỏi bị tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù còn ông Tài được tòa tuyên trắng án. Điều đáng nói là trong vụ xô xát trên có cả băng nhóm Hai Chi tham gia, nhưng "thật kỳ lạ", chỉ có anh em của ông Bổn phải chịu hình phạt tù. Và cũng thật khó hiểu là vì sao một người vô can như ông Đỗ Tài cũng bị bắt giam.
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Đỗ Tài còn cho biết một chuyện khác thật "động trời" là tại tòa, những người trong cơ quan tiến hành tố tụng tại Hàm Tân đã có một cuộc "thương lượng" với ông về hình phạt của vụ án. Theo đó, nếu ông Tài đòi bồi thường 4 tháng biệt giam thì mức án của ông Giỏi sẽ nặng hơn, còn nếu ông Tài bỏ qua thì mức án của ông Giỏi sẽ là 2 năm 6 tháng. Thương em, ông Tài đã chấp nhận không yêu cầu bồi thường gì. Đó cũng là lý do vì sao sau thời gian 4 tháng bị biệt giam, ông Tài đã không dám có bất cứ một "đề xuất" gì với những người đã làm nên sự oan khiên đối với ông.
Tước súng của kiểm lâm
Câu chuyện đầy oan trái của gia đình ông Bổn chỉ là một trong hàng loạt tấn bi kịch của các kiểm lâm viên đã trót "đụng vào" những khối gỗ của Hai Chi. Trong số đó có ông Phạm Xuân Việt, một cán bộ lâm nghiệp ở Hàm Tân. Ông Việt không đồng ý với chuyện buôn gỗ của Hai Chi nên đã có những phản ứng khá gay gắt. Vào buổi chiều một ngày tháng 6/1998, sau khi đi công tác trên huyện về, ông Việt bất ngờ được em trai Hai Chi là Tư "gà lôi" mời vào quán cà phê Lưu Luyến (thuộc xã Tân Nghĩa) để uống nước. Sau đó Hai Chi và Thọ "đại tá" đi xe gắn máy đến, chẳng nói chẳng rằng, chúng dùng một cây gỗ thủ sẵn đánh vào đầu ông Việt, khiến ông bất tỉnh ngay tại chỗ. Sau khi hạ gục ông Việt, nhóm Hai Chi tước luôn khẩu súng ngắn của vị cán bộ này. Vụ việc sau đó phải được dàn xếp một cách "thân tình" đến mức ông Việt phải đến Công an xã Tân Nghĩa "xin" lại khẩu súng và buộc phải im lặng. Ngược lại, không có bất cứ một hình thức xử lý nào đối với băng nhóm Hai Chi. Sở dĩ có điều này vì rất nhiều người dân địa phương cho rằng đằng sau vụ dàn xếp này có bàn tay của một lãnh đạo Công an huyện Hàm Tân.
"Đụng đến hàng của anh Hai, thằng nào cũng phải nhận hình phạt", đó là một nguyên tắc bất di bất dịch được Hai Chi đặt ra. Lực lượng kiểm lâm Hàm Tân là những người biết rõ nhất về điều này. Khoảng năm 2001, các cán bộ kiểm lâm tại Lâm trường Sông Dinh gồm các ông Hân, Nghệ và Linh trên đường đi công tác đã bắt nhiều khối gỗ của băng nhóm Hai Chi đang vận chuyển bằng xe bò. Hai Chi đã cho đàn em phản công lại dữ dội. Bọn lâm tặc này đã dùng búa đi rừng tấn công lại các cán bộ trên. Ông Hân đã bị thương khá nặng, đồng nghiệp của ông là ông Linh và ông Nghệ cũng bị chém mỗi người một búa vào đầu. Lâm vào thế đường cùng, ông Hân đã phải nổ súng để giải nguy, chúng mới bỏ đi. Các ông Hân, Linh, Nghệ may mắn được đồng nghiệp quay lại đưa đi cấp cứu mới thoát được cái chết trong gang tấc.
Hữu Phú - Minh Thuận
Bình luận (0)