Ngày 22.8, Tổng trưởng cảnh sát quốc gia Philippines Ronald Dela Rosa cho biết tính từ ngày 1.7 đến 21.8 đã có 712 nghi phạm ma túy bị tiêu diệt trong các chiến dịch truy quét của cảnh sát, theo tờ The Philippine Star. Ngoài ra, có thêm 1.067 cái chết “đáng ngờ” được ghi nhận và Cảnh sát quốc gia Philippines (PNP) đang điều tra những trường hợp này. Như vậy, chỉ trong vòng 7 tuần từ khi ông Rodrigo Duterte lên nhậm chức tổng thống và phát động cuộc chiến chống ma túy quy mô lớn, đã có gần 1.800 người thiệt mạng.
Cuộc chiến khốc liệt
Những số liệu trên được Cảnh sát trưởng Dela Rosa đưa ra trong phiên điều trần của Thượng viện về tình trạng cảnh sát bắn hạ nghi phạm mà không qua xét xử. The Philippine Star dẫn lời ông Dela Rosa tái khẳng định PNP không chấp nhận mọi hành vi nổ súng lạm quyền của cảnh sát và tố cáo rằng nhiều cái chết trong chiến dịch vừa qua do “một số nhóm không có thẩm quyền” gây ra. Tuy nhiên, ông không nói rõ đó là những nhóm nào.
|
Đáp lại, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp và Nhân quyền Thượng viện Leila De Lima cáo buộc chiến dịch chống tội phạm ma túy hiện nay “đang bị lạm dụng để hợp pháp hóa hành động giết người”. Bà khẳng định có dấu hiệu cho thấy nhiều nhân viên công lực giết người vì những lý do khác rồi gán cho nạn nhân có liên quan đến ma túy để thoát tội.
“Quan ngại của tôi không chỉ xoay quanh thương vong ngày càng tăng. Điều đặc biệt gây lo lắng là cuộc chiến chống ma túy dường như là cái cớ cho một số cảnh sát và những thành phần khác được miễn truy tố sau khi phạm tội”, The Philippine Star dẫn lời bà De Lima nhấn mạnh.
Khi còn là Thị trưởng TP.Davao, Tổng thống Duterte đã nổi tiếng với chính sách “dùng mọi biện pháp cần thiết” để trấn áp tội phạm, kể cả cho phép cảnh sát và những nhóm “hiệp sĩ” hạ gục các nghi phạm. Cách làm của ông đã giúp giảm mạnh tỷ lệ tội phạm và được một bộ phận lớn người dân ủng hộ nhưng cũng gây rất nhiều tranh cãi về nhân quyền và pháp quyền. Nay biện pháp này được mở rộng lên quy mô toàn quốc để tân tổng thống có thể hoàn thành cam kết tranh cử là sẽ quét sạch tội phạm và ma túy khỏi Philippines trong vòng 3 - 6 tháng. Tất nhiên, mức độ khốc liệt cũng gia tăng nhiều lần so với thời ông lãnh đạo Davao. Ngay trong ngày nhậm chức 30.6, ông Duterte kêu gọi người dân trong những khu ổ chuột giết chết hàng xóm nếu nghi là người nghiện ma túy. Thậm chí theo Reuters, có trường hợp bị bắn chết là người đã bỏ phiếu cho ông Duterte trong cuộc bầu cử hồi tháng 5.
Cách đây vài ngày, báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của LHQ Agnes Callamard chỉ trích việc Tổng thống Duterte hứa miễn truy tố và khen thưởng cho cảnh sát giết chết nghi phạm ma túy là “vô trách nhiệm” và vi phạm luật pháp quốc tế, theo tờ Manila Bulletin. Đáp lại, phát ngôn viên Ernesto Abella của Tổng thống Duterte khẳng định ông Duterte không tha thứ các trường hợp giết người trái phép và đã ra lệnh điều tra.
Cũng tại cuộc điều trần, thượng nghị sĩ Alan Peter Cayetano cho rằng phe phản đối tổng thống cố tình “gom mọi cái chết liên quan đến ma túy và quy cho chiến dịch”. Theo ông, đang có một âm mưu “phá hoại cuộc chiến chống ma túy”. Vị nghị sĩ này dẫn số liệu của PNP chỉ ra rằng sau khi ông Duterte lên nắm quyền được một tháng, số vụ phạm tội đã giảm 5.522 vụ so với trước đó, theo The Philippine Star.
Philippines không rời LHQ
Sau khi bị LHQ và các tổ chức nhân quyền chỉ trích gay gắt về cuộc chiến chống ma túy, Tổng thống Duterte hôm 21.8 lên tiếng dọa rút khỏi LHQ và có thể sẽ mời Trung Quốc cùng các quốc gia châu Phi thành lập một tổ chức toàn cầu khác.
Đến hôm qua 22.8, các quan chức Manila đã phải liên tục “nói lại cho rõ” về phát ngôn của vị tổng thống nổi tiếng “bạo miệng” này. Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay Jr. khẳng định nước ông sẽ không rút khỏi LHQ dù “có vô số điều không hài lòng”. The Philippine Star dẫn lời ông Yasay nói rõ rằng Tổng thống Duterte chỉ bày tỏ thất vọng đối với bình luận của một số báo cáo viên LHQ. “Tổng thống mệt mỏi, thất vọng và đói bụng khi ông đưa ra tuyên bố như thế”, Ngoại trưởng Yasay lý giải.
Còn phát ngôn viên tổng thống Ernesto Abella nói rằng lời dọa của ông Duterte “nhằm khẳng định Philippines là quốc gia có chủ quyền và không muốn bên ngoài can thiệp vào nội bộ”. Ông Abella khẳng định Philippines sẽ điều tra những vụ giết người đáng ngờ đồng thời không phủ nhận mọi sự hỗ trợ và viện trợ của LHQ dành cho Philippines.
Đây được coi là lời giải thích về chỉ trích của Tổng thống Duterte rằng “LHQ không làm được gì” cho quốc gia Đông Nam Á này. Trong khi đó, Thư ký Văn phòng liên lạc tổng thống Philippines Martin Andanar tuyên bố nước này có thể không ủng hộ LHQ nhưng không bỏ tư cách thành viên của mình theo Hiến chương LHQ.
Bình luận (0)