Trong nội bộ Trung Quốc đang có những tranh luận và những quan điểm trái chiều trong cách tiếp cận vấn đề Biển Đông. Bởi vậy, Foreign Policy ngày 23.6 chỉ ra rằng bản thân Trung Quốc cũng không rõ ràng về tham vọng của mình trên Biển Đông.
Giới lãnh đạo Trung Quốc từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Ngoại trưởng Vương Nghị đều ngang nhiên tuyên bố các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép ở Biển Đông là thuộc chủ quyền của nước này. Do vậy, Trung Quốc có quyền theo đuổi biện pháp bảo vệ chủ quyền, triển khai quân sự trên đảo cho mục đích phòng vệ. Điều này rõ ràng chỉ là cách biện minh của giới chức Bắc Kinh và dĩ nhiên không thuyết phục.
Theo Foreign Policy, các nhà phân tích Trung Quốc đang phải chịu áp lực buộc phải ngả theo quan điểm của chính phủ và những quan điểm trái chiều hiếm khi được công khai. Điều này có thể giải thích tại sao thế giới bên ngoài thường không nắm được các cuộc tranh luận đó. Trên thực tế, để nắm được đường hướng chính sách của Trung Quốc thì rất cần hiểu được cuộc tranh luận nội bộ này. Chuyên san này phân tích 3 trường phái quan điểm khác nhau trong giới phân tích cũng như hoạch định chính sách của Trung Quốc.
Trường phái hiện thực
Những học giả theo trường phái này tin rằng chính sách trên Biển Đông hiện nay của Bắc Kinh là hợp lý và không cần thay đổi. Họ nhận thức được những cái giá phải trả về mặt danh tiếng và ngoại giao nhưng có xu hướng “xem nhẹ” sự mất mát đó bởi họ coi trọng sức mạnh và năng lực vật chất của Trung Quốc hơn danh tiếng của nước này ở nước ngoài.
Với những học giả này, sức mạnh là yếu tố quyết định. Vì vậy, họ cho rằng thời gian đang đứng về phía Trung Quốc khi nước này duy trì càng lâu sự trỗi dậy của mình. Theo quan điểm của những học giả theo chủ nghĩa hiện thực, họ đang bảo vệ lợi ích quốc gia Trung Quốc bằng cách củng cố sự hiện diện của nước này ở Biển Đông. Tuy nhiên, những người này lại không đưa ra được đường hướng nào để làm tại các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng phi pháp, Họ không chắc liệu Trung Quốc có nên tiếp tục quân sự hóa trên các đảo hay không và chỉ cần các thiết bị phòng thủ là đủ.
Trên thưc tế, trường phái hiện thực đang là nhóm áp đảo trong cuộc tranh luận này và có vai trò lớn trong việc thúc đẩy hoạch định chính sách về Biển Đông. Nhà nghiên cứu David Shambaugh trong tác phẩm "Đối phó với một Trung Quốc đầy mâu thuẫn" cũng từng khẳng định trường phái này hiện diện đông đảo trong quân đội, các trường đại học và các viện nghiên cứu tư vấn chính sách của Trung Quốc.
Trung Quốc xây dựng phi pháp ở đá Gạc Ma thuộc chủ quyền Việt Nam Trung Hiếu
|
Trường phái cứng rắn
Luồng quan điểm thứ hai là những người theo trường phái cứng rắn. Những người này cho rằng Trung Quốc không những tăng cường hiện diện tại 7 đảo nhân tạo trái phép mà nước này ngang nhiên bồi đắp tại quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam mà còn phải tiếp tục mở rộng lãnh thổ, quân sự ở Biển Đông.
Cụ thể, sự bành trướng này bao gồm cải tạo các đảo thành căn cứ quân sự, cố gắng kiểm soát thêm lãnh thổ ở Biển Đông hoặc bằng một cách nào đó, có thể biến "đường 9 đoạn" phi pháp thành vùng ranh giới lãnh thổ, chiếm gần hết Biển Đông.
Những học giả theo trường phái này không quan tâm đến phản ứng của cộng đồng quốc tế mà chỉ tập trung tối đa hóa lợi ích của Trung Quốc. Và yêu sách "đường 9 đoạn" của Trung Quốc hiện nay được giới truyền thông Trung Quốc tung hô là minh chứng cho trường phái này. Tuy vậy, theo Foreign Policy, trường phái này không chiếm đa số trong việc đưa ra quyết định cuối cùng.
Những người theo trường phái này thường là giới chức tư pháp hoặc quân sự và họ ủng hộ chính sách không khoan nhượng này để phục vụ những lợi ích quan liêu trong nội bộ ban ngành đó. Ngoài ra, một bộ phận dân thường Trung Quốc cũng có quan điểm này nhưng đa số hời hợt và không hiểu nhiều về tình hình Biển Đông.
Mặc dù không chiếm đa số nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc cũng không thể bỏ qua trường phái này vì đây là những người có thể tận dụng trong chiêu bài "chủ nghĩa dân tộc" của Trung Quốc.
Trường phái ôn hòa
Những người theo trường phái này cho rằng Trung Quốc đã đến lúc phải làm rõ chính sách của mình về mục đích của Bắc Kinh trên Biển Đông. Trường phái ôn hòa nhận ra rằng tham vọng gần đây của Bắc Kinh với những yêu sách chủ quyền của mình đã khiến thế giới lo ngại và không còn tin tưởng. Họ chỉ trích và đổ lỗi cho chính phủ vì đã không có kế hoạch chiến lược thuyết phục cũng như truyền thông có hiệu quả với thế giới.
Họ cho rằng, việc chính phủ không cân nhắc kỹ trước các quyết định chiến lược lớn như xây dựng đảo nhân tạo thực sự đã làm tổn hại cho chính lợi ích của Bắc Kinh. Bằng việc bỏ qua nỗ lực hợp pháp hóa các hòn đảo của chính phủ Trung Quốc, những người này đứng về phía những nghi ngại của cộng đồng quốc tế hơn là ủng hộ các hành động của Bắc Kinh.
Trung Quốc thời gian qua đã đẩy mạnh quân sự hóa trên Biển Đông, trong hình là chiến đấu cơ J-11, loại được Trung Quốc triển khai tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Reuters
|
Những người này lập luận rằng Trung Quốc cần dần làm rõ "đường 9 đoạn". Duy trì trạng thái mập mờ chỉ càng làm cho tấm bản đồ này trở thành một gánh nặng lịch sử và một vật cản không cần thiết trên con đường đạt tới thỏa thuận ngoại giao. Theo họ, việc cố biến tấm bản đồ này thành bằng chứng chủ quyền chỉ càng làm cho Bắc Kinh trở nên mâu thuẫn với các nước Đông Nam Á và cả Mỹ. Họ cho rằng nếu Bắc Kinh tiếp tục đi con đường này thì sẽ phải đối mặt với mối nguy hiểm tiềm tàng trong việc mở rộng chiến lược.
Những người theo trường phái ôn hòa có quan điểm rất khác so với trường phái hiện thực và cứng rắn, tuy nhiên cả ba đều đồng tình với việc Bắc Kinh xây dựng trái phép đảo nhân tạo, theo Foreign Policy,
Trên thực tế, cộng đồng quốc tế đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc khi xây dựng đảo nhân tạo trái phép. Thế nhưng đến nay giới lãnh đạo Trung Quốc cũng chưa hề có câu trả lời rõ ràng nào về ý định chiến lược của mình. Trong số ba trường phái trên, chỉ có những người theo chủ nghĩa cứng rắn có một câu trả lời nhanh chóng nhưng lại thiếu ổn định. Phần còn lại vẫn đang tranh cãi xem chiến lược của Bắc Kinh là gì. Theo Foreign Policy, điều này cho thấy, chính sách Biển Đông của Trung Quốc thực tế không phải là một quyết sách nhất quán mà nó rất dễ thay đổi.
Nhà nghiên cứu David Shambaugh trong tác phẩm của mình đã từng tuyên bố rằng Trung Quốc là một nước lớn đang trỗi dậy với những mâu thuẫn, nội bộ Trung Quốc là một loạt các bản sắc đối chọi nhau.
Bình luận (0)