Cuộc chiến phân biệt chủng tộc trước Euro

31/05/2012 06:14 GMT+7

Hôm qua, 2 nước đồng chủ nhà VCK Euro 2012 Ba Lan và Ukraine đã phản ứng quyết liệt trước các cáo buộc phân biệt chủng tộc từ báo chí Anh.

Hôm qua, 2 nước đồng chủ nhà VCK Euro 2012 Ba Lan và Ukraine đã phản ứng quyết liệt trước các cáo buộc phân biệt chủng tộc từ báo chí Anh.

Cụ thể là chương trình Toàn cảnh của BBC vừa phát một phóng sự điều tra nói về tình trạng phân biệt chủng tộc, nạn hooligan, hay những băng nhóm theo chủ nghĩa cực đoan ở 2 nước đồng chủ nhà Euro có thể gây nguy hại cho CĐV khi đến đây theo dõi đội nhà thi đấu. Trong chương trình này, khách mời là cựu danh thủ Sol Campbell đã khuyến cáo CĐV nước Anh: “Hãy ở nhà, xem các trận đấu trên truyền hình… đừng nên đến đó mà rước họa vào thân, bởi vì bạn có thể về nhà trong cỗ quan tài”. Sol Campbell cũng chỉ trích UEFA (LĐBĐ châu Âu): “Đáng lẽ không nên chọn Ba Lan và Ukraine làm nơi tổ chức một giải đấu lớn như thế này”. Trước đó, các báo khác ở Anh như The Sun hay Daily Mail cũng có khuyến cáo tương tự, thậm chí còn lấy ví dụ điển hình để chứng minh cho CĐV Anh thấy là gia đình các cầu thủ da màu của tuyển Anh như Theo Walcott, Alex Oxlade-Chamberlain, Lescott... đều tuyên bố “tránh xa Ba Lan và Ukraine” vì e ngại sẽ bị đối xử phân biệt chủng tộc.

 Cuộc chiến phân biệt chủng tộc trước Euro
Sol Campbell gây sốc khi đặt ra vấn đề phân biệt chủng tộc tại Euro - Ảnh Chụp qua màn hình

Có lẽ vì nhận thấy quá nhiều mối đe dọa như vậy, lượng CĐV Anh đăng ký theo chân ủng hộ đội nhà ở Euro sắp tới đã giảm hẳn so với các lần trước - ước tính chỉ có khoảng 3.000 CĐV. Trong khi ở World Cup 2006 là hơn 70.000 người, còn tại World Cup 2010 cũng có gần phân nửa trong số này kéo đến Nam Phi. Hơn nữa, phóng sự trên đang gây lo ngại thật sự cho CĐV nhiều nước khác, và có tác động lớn đến lượng CĐV dự định sẽ đến xem Euro tại Ba Lan và Ukraine.

Trước tình hình này, các quan chức 2 nước đồng chủ nhà đã phản đối kịch liệt “Đó là những cáo buộc hoàn toàn sai sự thật”. Trưởng ban tổ chức Euro của Ukraine, ông Markian Lubkivsky còn có phản ứng rất mạnh khi nói cựu cầu thủ Sol Campbell quá “xấc láo” với đề xuất CĐV không nên đến xem Euro. Ông Lubkivsky cho rằng: “Chúng tôi đang làm tất cả cho ngày hội bóng đá đến với mọi CĐV khắp thế giới. Thế nhưng, đã có những người với giọng điệu xấc xược muốn hủy hoại nó đi. Tệ nạn phân biệt chủng tộc xảy ra ở bất cứ đâu, và nó đang bị cả thế giới lên án. Chúng tôi đang làm tất cả để ngăn chặn nó. Ở Anh cũng đã xảy ra nạn phân biệt chủng tộc đấy thôi. Vậy thì, có nên khuyến cáo CĐV không đến London xem Olympic?”.

Cuộc chiến phân biệt chủng tộc trước Euro 1 
CĐV Ukraine thể hiện cách chào kiểu cực đoan - Ảnh Chụp qua màn hình 

Báo chí Anh hôm qua cũng không vừa khi tiếp tục nhấn sâu về chủ đề này, và lần này họ đề cập tới nguy cơ giới cầu thủ da màu thi đấu tại Euro có thể là nạn nhân của phân biệt chủng tộc. Tờ The Sun trích phỏng vấn tiền đạo người gốc Ghana, Mario Balotelli của tuyển Ý với đề cập có e ngại không vấn đề trên. Balotelli nói thẳng: “Nếu xảy ra chuyện đó, tôi chấp nhận đi tù và sẽ “giết” ngay kẻ nào có hành vi phân biệt chủng tộc với tôi”. Nhưng Balotelli cũng hy vọng chuyện tồi tệ đó sẽ không xảy ra. Được biết, UEFA cũng đưa vào luật, nếu tại Euro sắp tới xảy ra tình trạng phân biệt chủng tộc ngay trên sân cỏ và có thể gây bạo loạn thì trọng tài có quyền cho ngừng trận đấu lại.

Giang Lao

>> Hàng loạt ngôi sao có nguy cơ lỗi hẹn Euro 2012
>> Đức và Hà Lan thất bại trong loạt giao hữu Euro 2012 đầu tiên
>> Nga hài lòng khi hòa Uruguay 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.