Cuộc chiến quyền lực trong lòng Afghanistan và nguy cơ khủng bố trỗi dậy

Khánh An
Khánh An
28/08/2021 15:40 GMT+7

Các tổ chức cực đoan có nguy cơ trỗi dậy khi Mỹ rút quân, để lại khoảng trống về an ninh tại Afghanistan.

Theo tờ Hindustan Times, sự trở lại của Taliban sau 2 thập niên đang khiến Afghanistan đối diện một tương lai khó lường, nhất là với vụ đánh bom bên ngoài sân bay ở Kabul vào ngày 26.8 bởi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Phía Mỹ cho rằng thủ phạm là tổ chức khủng bố ISIS-K, và đã tiến hành không kích trong chưa đầy 48 giờ sau đó. ISIS-K là chân rết của IS từng cát cứ tại nhiều khu vực ở Iraq và Syria.
Giới quan sát cho rằng sự hiện diện của ISIS-K ngay khi Mỹ chưa kết thúc rút quân báo trước khả năng trỗi dậy của các tổ chức cực đoan và tranh giành quyền lực ở Afghanistan.

Thế mạnh của Taliban

Taliban, tổ chức kiểm soát Afghanistan từ năm 1996 trước khi bị sụp đổ vào năm 2001 trước các lực lượng của Mỹ và NATO, đã giành lại quyền kiểm soát sau 20 năm khi tiến vào Kabul hôm 14.8.

Vì sao ISIS-K lại đối đầu Taliban?

Theo CNN, Taliban đã tập hợp lực lượng trong 2 thập niên qua. Bất chấp hơn 1.000 tỉ USD được chi nhằm tạo dựng chính phủ Afghanistan và quân đội hơn 300.000 người, Taliban vẫn giành thắng lợi dù được cho là chỉ có chưa đến 100.000 chiến binh.
Việc ai làm lãnh đạo Taliban vẫn là một bí ẩn đối với nhiều người Mỹ. Taliban hứa sẽ có chính sách cởi mở và bao hàm hơn, nhưng giới lãnh đạo gồm những nhân tố liên quan chế độ hà khắc trước đó.
Cấu trúc quyền lực sụp đổ
Chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani do Mỹ hậu thuẫn nhanh chóng sụp đổ dưới làn sóng tấn công của Taliban trên cả nước sau khi Mỹ bắt đầu rút quân. Ông Ghani đã bỏ trốn sang Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) qua đường Uzbekistan “mà chỉ kịp mang theo quần áo”, theo một cố vấn. Còn Phó tổng thống Amrullah Saleh đến thung lũng Panjshir, nơi cố thủ của lực lượng phản kháng Taliban. Các lãnh đạo trước đó như cựu Tổng thống Hamid Karzai và chủ tịch Hội đồng Hòa giải dân tộc tối cao Afghanistan Abdullah Abdullah hiện bị Taliban quản thúc tại gia.
Taliban do giáo sĩ Haibatullah Akhundzada lãnh đạo, sau khi Mỹ không kích khiến người tiền nhiệm Mullah Akhtar Mansour thiệt mạng vào năm 2016.
Đến từ vùng Spin Boldak do Taliban kiểm soát từ lâu tại phía nam Kandahar, ông Akhundzada từng tham gia phong trào thánh chiến Hồi giáo (mujahedeen) chống Liên Xô vào thập niên 1980.
Trong số các cấp phó của Taliban có ông Abdul Ghani Baradar là thành viên cấp cao của chính phủ Taliban trước đó, hiện đứng đầu ủy ban chính trị và thường xuất hiện nhiều nhất trong số các lãnh đạo Taliban. Nhân vật này trở về Afghanistan vào tuần trước, sau 20 năm lưu vong.

Al-Qaeda

Một tổ chức khác có khả năng trỗi dậy ở Afghanistan sau khi Mỹ rút quân là al-Qaeda.
Cựu quan chức CIA Douglas London, người từng phụ trách các chiến dịch chống phản gián ở Afghanistan từ năm 2016-2018, cho rằng có nhiều người trung thành với tổ chức khủng bố al-Qaeda trong số 5.000 tù nhân được Taliban thả khi giành quyền kiểm soát.
“Rõ ràng, những tù nhân được Taliban thả tại căn cứ không quân Bagram có nhiều thành viên al-Qaeda mà tôi biết mặt rất rõ”, ông cho biết.
Theo giới tình báo Mỹ, nhiều người trong số đó bị bắt trong các chiến dịch do quân đội Mỹ và CIA tiến hành. Nhiều khả năng các đối tượng đó sẽ tiếp tục tập hợp lực lượng tại Afghanistan trong thời gian tới.

ISIS-K

Một tổ chức đáng chú ý khác là ISIS-K trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và đối đầu với Taliban lẫn liên quân do Mỹ cầm đầu.

Tổ chức khủng bố ISIS-K vừa đánh bom liều chết nhắm vào quân Mỹ tại Kabul là ai?

Giới chức tình báo Mỹ cho rằng thành phần ISIS-K gồm “một số lượng nhỏ các thành phần cực đoan từ Syria và các phần tử khủng bố nước ngoài khác”.
Một báo cáo của chính phủ Mỹ cho rằng tổ chức này gây bất ổn bằng cách tấn công các mục tiêu là các nhóm thiểu số và cơ sở hạ tầng nhằm gieo rắc sợ hãi và cho thấy chính phủ Afghanistan không thể đảm bảo an ninh.
ISIS-K đã tiến hành nhiều vụ tấn công ở Kabul kể từ năm 2016 và tấn công một nhà tù ở Jalalabad, phóng thích hàng chục thành viên bị các lực lượng an ninh Afghanistan khi đó bắt giữ.

Liên minh phương Bắc

Liên minh phương Bắc chính là tổ chức được Mỹ hậu thuẫn trong cuộc chiến kéo dài 2 tháng và giành chiến thắng trước lực lượng Taliban vào năm 2001. Liên minh này sau đó giải tán và một số thành viên tham gia chính phủ khi đó của Afghanistan.
Giờ đây, một số cựu thành viên của liên minh này đang tập hợp cùng với các nhân vật chống Taliban tại thung lũng Panjshir.

[VIDEO] Mỹ dự báo IS sẽ tiếp tục tấn công sau vụ đánh bom khủng bố đẫm máu tại sân bay Kabul

Thực ra, một nhân vật nổi bật trong phong trào phản kháng Taliban tại Panjshir chính là ông Ahmad Massoud, con trai của lãnh đạo Liên minh phương Bắc là ông Ahmad Shah Massoud, người bị Taliban giết vào năm 2001.
Tuần trước, ông Massoud kêu gọi phương Tây giúp đỡ và dự báo Afghanistan sẽ một lần nữa trở thành nơi chứa chấp khủng bố. Tuy nhiên, cựu quan chức CIA Douglas London cho rằng nhà lãnh đạo phản kháng này không giống với cha vì chỉ có một lực lượng chiến đấu nhỏ.
Bên cạnh đó, cựu giám đốc CIA David Petraeus cho rằng thung lũng Panjshir của lực lượng phản kháng nằm biệt lập và dễ phòng thủ, nhưng cũng gây trở ngại về mặt hậu cần khi nhận tiếp viện.

Khủng bố trỗi dậy?

Theo ông Petraeus, không chắc chắn rằng các nhóm khủng bố sẽ trỗi dậy ở Afghanistan trong thời gian tới, nhưng vẫn luôn nên xem đó là một khả năng.
“Chúng ta phải xem như chiến thắng của Taliban sẽ giúp al-Qaeda, IS và các nhóm cực đoan khác sẽ dễ dàng có nơi trú ẩn trên đất Afghanistan”, ông cảnh báo.
Chuyên gia này cho biết các cơ quan tình báo và quân đội Mỹ sẽ làm mọi thứ có thể để xác định, ngăn chặn và tiêu diệt bất cứ nơi trú ẩn nào như thế trước khi đủ lớn mạnh để có thể đe dọa Mỹ và các thành viên NATO.
Khoảng trống an ninh
Theo cựu quan chức Nathan Sales thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, ISIS-K và Taliban là kẻ thù nhưng điều đó không có nghĩa là Taliban sẽ khống chế ISIS-K. “Việc Taliban tìm cách củng cố quyền lực, sẽ là phép thử để lực lượng này đảm bảo an ninh trên cả nước. Khoảng trống an ninh sẽ gia tăng dưới sự kiểm soát của Taliban, tạo cơ hội cho IS phát triển ở Afghanistan”, trang The Christian Science Monitor dẫn lời ông nhận định. Trong khi đó, các chuyên gia chống khủng bố cho rằng Taliban duy trì mối quan hệ với al-Qaeda cũng như các nhóm cực đoan khác chứ không có xu hướng trục xuất, dù Taliban khẳng định sẽ không chứa chấp khủng bố.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.